Liên đoàn Arab chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Syria
Tối 1-9, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn các quốc gia Arab đã tiến hành phiên họp khẩn cấp tại trụ sở Liên đoàn Arab ở thủ đô Cairo của Ai Cập, nhằm thảo luận sự gia tăng căng thẳng nghiêm trọng hiện nay tại Syria, đặc biệt là nguy cơ phương Tây chuẩn bị mở cuộc tấn công quân sự chống Syria.
Cuộc họp đã chứng kiến sự chia rẽ quan điểm sâu sắc giữa các nước thành viên về vấn đề cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài vào Syria.
Đội ngũ thủy thủ tàu hải quân Mỹ tập trận với hải quân Jordan (ảnh: AP). |
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Ngoại trưởng Lybia Mohamed Abdu El Aziz, chủ tịch cuộc họp, khẳng định, tình hình Syria đã phân rã tới mức nguy hiểm, đặc biệt là sau khi vũ khí hóa học được sử dụng tại ngoại ô Damascus. Về phần mình, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabil El Araby tuyên bố, Liên đoàn Arab vẫn kiên định lập trường tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần 30 tháng qua tại Syria.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab El Araby nhấn mạnh: "Liên đoàn Arab sẽ tiếp tục theo đuổi việc tìm kiếm và thực thi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, tạo điều kiện cho việc thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình theo tinh thần thỏa thuận đạt được tại Giơ-ne-vơ tháng 6 năm ngoái"
Trong phần thảo luận công khai, cuộc họp đã chứng kiến sự chia rẽ quan điểm sâu sắc giữa các nước thành viên Liên đoàn Arab về vấn đề ủng hộ hay phản đối hành động tấn công quân sự từ bên ngoài vào Syria. Nhóm các nước phản đối cuộc tấn công quân sự mà Mỹ và phương Tây dự định tiến hành chống Syria, trong đó có Ai Cập, Algeria, Iraq nêu rõ, mọi hành động quân sự nhằm vào Syria cần phải được thông qua Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmi tuyên bố: "Quan điểm rõ ràng của Ai Cập là phản đối mọi hành động tấn công quân sự chống Syria. Quan điểm này của Ai Cập không nhằm ủng hộ chế độ cầm quyền Syria, mà là vì ý nguyện của người dân Syria. Mọi hành động can thiệp quân sự vào Syria cần phải được thực hiện trong khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Trong khi đó, một số nước Arab khác, đặc biệt là nhóm nước Vùng Vịnh, lại kêu gọi ủng hộ hành động quân sự của phương Tây chống chế độ cầm quyền hiện nay tại Syria. Theo Ngoại trưởng Saudi Arabia Saud Faisal, một cuộc tấn công quân sự của phương Tây vào chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al Assad là cần thiết, nhằm ngăn chặn việc tái diễn các cuộc tấn công sát hại dân thường, đặc biệt là các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Đêm qua, các ngoại trưởng Arab tiến hành phiên thảo luận kín.
(Theo VOV)