Tổng thống Mỹ mất dần sự ủng hộ về kế hoạch tấn công Syria
Mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên tục tiến hành chiến dịch “vận động hành lang” cho hành động can thiệp quân sự vào Syria, song dường như ông Obama đang ngày càng mất dần sự ủng hộ cả trong và ngoài nước.
Sau khi Anh tuyên bố không tham gia chiến dịch tấn công Syria do bị Quốc hội nước này bác bỏ, thì Pháp cũng đã thể hiện thái độ do dự, khi nhấn mạnh phải chờ đợi báo cáo của LHQ về kết quả điều tra sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Tổng thống Pháp đã có những thời điểm "sôi sục" muốn tấn công Syria nhưng đến giờ đã bắt đầu lưỡng lự. Ảnh minh họa: Getty |
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông sẽ có bài phát biểu trước toàn quốc từ Nhà Trắng vào thứ 3 tuần tới (9-9) trong nỗ lực nhằm mang lại sự “đột phá” trước khi Quốc hội bỏ phiếu về việc tấn công Syria.
Trong phát biểu cuối cùng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở St.Petersburg (Nga) ngày 6-9, với giọng điệu “nghiêm trọng” và “xúc động”, ông Obama nêu ra lý do bảo vệ cho hành động can thiệp quân sự hạn chế vào Syria.
Ông Obama nói: “Hơn 1.400 người đã chết do khí độc, trong đó có hơn 400 trẻ em. Đây không phải là điều mà chúng ta bịa đặt, không phải là điều mà chúng ta sử dụng làm lý do cho một hành động quân sự. Như tôi đã nói, tôi được lựa chọn để kết thúc chiến tranh, chứ không phải bắt đầu nó”.
Tuy nhiên, ông Obama từ chối cho biết, liệu ông có ra lệnh tấn công ngay trong trường hợp Quốc hội không thông qua kế hoạch tấn công Syria hay không. Theo truyền thông Mỹ, ông Obama nhiều khả năng sẽ phát biểu trực tiếp trước ống kính truyền hình tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng theo cách thức mà các Tổng thống Mỹ để dành cho những vấn đề nghiêm trọng nhất cho lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, Nhà Trắng dường như đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ hành động can thiệp quân sự chống Syria. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Harry Reid cho biết, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về việc cho phép sử dụng hành động quân sự hạn chế chống Syria nhằm phản ứng với việc sử dụng vũ khí hóa học đã được chuyển đến toàn thể Thượng viện vào ngày 6-9. Tuy nhiên, nghị sĩ này không phát đi tín hiệu nào cho thấy nghị quyết sẽ sớm được thông qua.
Nghị sĩ Harry Reid nói: "Như chúng ta biết, rất nhiều người đã bị giết hại, trong đó có khoảng 400 trẻ em. Bản nghị quyết đã được lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại ký và họ đã có sự hợp tác giữa các nghị sĩ hai đảng trong Thượng viện. Tôi đánh giá cao những gì mà các lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại đã làm. Chúng ta giờ đây đang ở vào tình huống khó khăn”.
Còn tại Hạ viện, nhiều thành viên của Cơ quan lập pháp này đang dần hướng đến quyết định “nói không” với bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào vào Syria. Theo thống kê của trang ThinkProgress.org (Mỹ), tính đến 6-9, chỉ có 49 hạ nghị sĩ có khả năng bỏ phiếu ủng hộ, trong khi có đến 199 người sẵn sàng bỏ phiếu phản đối. Ngoài ra, số nghị sĩ chưa có ý định cụ thể là 185 người.
Nghiên cứu của trang web này nói rằng đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm của các hạ nghị sĩ Mỹ về vấn đề can thiệp vào Syria.
Trên phương diện quốc tế, Pháp - một đồng minh của Mỹ tỏ ra “hăng hái” trong nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho hành động quân sự trừng phạt chính quyền Syria, cũng đang lưỡng lự. Tổng thống Francois Hollande trong phát biểu tại hội nghị G20 ngày 6-9 nói rằng, Pháp ủng hộ tấn công quân sự chống Syria, nhưng phải chờ kết quả điều tra của các thanh sát viên vũ khí hóa học của LHQ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Hollande nhấn mạnh: “Các thanh sát viên vũ khí hóa học có nhiệm vụ xác định việc có phải vũ khí hóa học đã được sử dụng hay không. Chúng ta đều đã biết điều này. Có thể họ sẽ có thêm thông tin”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga Putin và hàng loạt nhà lãnh đạo quốc tế đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt kế hoạch tấn công Syria do ông Obama đưa ra. Mặc dù có sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhà lãnh đạo G20 về vấn đề Syria, song nguồn tin từ AFP cho biết, lãnh đạo một số nước phương Tây ủng hộ quan điểm của Nga.
Chủ tịch tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy cho rằng không thể có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Syria: “Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria, mà chỉ có giải pháp chính trị mới có thể kết thúc đổ máu cũng như tình trạng vi phạm quyền con người và sự phá hủy đất nước Syria. Nhiều người đã bị cướp đi mạng sống và quá nhiều người đang phải gánh chịu hậu quả của xung đột. Người Syria cần khôi phục hòa bình, hòa giải và tái thiết đất nước”.
Ngoại trưởng các nước thành viên EU ngày 6-9 đã bắt đầu nhóm họp tại Litva để thảo luận về vấn đề Syria. Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết, Đức sẽ hối thúc LHQ sớm công bố báo cáo chính thức về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Đức cùng với Thụy Điển và một số nước châu Âu khác như Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha đều có quan điểm phản đối kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ vào Syria.
(Theo vov.vn)