Thứ Sáu, 15/11/2013, 09:44 (GMT+7)
.

COP 19 cảnh báo thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt

Tình trạng biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan như siêu bão Haiyan vừa gây thiệt hại nghiêm trọng cho Philippines là chủ đề nóng tại Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc 2013 (COP 19) đang diễn ra ở thủ đô Warsaw (Ba Lan).

Mặc dù còn có các ý kiến khác nhau về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, song các chuyên gia đều nhận định, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như bão lũ trong tương lai sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Ông Naderev Yeb Sano - Trưởng đoàn đại biểu Philippines dự COP 19 trả lời báo chí (Ảnh: AP)
Ông Naderev Yeb Sano - Trưởng đoàn đại biểu Philippines dự COP 19 trả lời báo chí (Ảnh: AP)

Bài phát biểu của trưởng đoàn Philippines Naderev Yeb Sano về việc "biến đổi khí hậu làm gia tăng sức phá hủy của thiên tai" làm sôi động Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc tại Warsaw. Tổ chức Khí tượng Thế giới của LHQ và nhiều chuyên gia đều tán thành quan điểm này.  

Trong báo cáo công bố ngày 13-11, Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo, những cơn bão trong tương lai như siêu bão Haiyan sẽ ngày càng mạnh hơn. Theo báo cáo, khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động của con người gây ra làm cho trái đất ngày càng ấm lên. Năm nay là một trong 10 năm có nhiệt độ cao kỷ lục kể từ khi giới khoa học bắt đầu thu thập các dữ liệu nghiên cứu nhiệt độ toàn cầu vào năm 1850, được đánh dấu bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng ở Australia và lũ lụt từ Sudan cho đến châu Âu.

Phát biểu bên lề Hội nghị biến đổi khí hậu tại Warsaw, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, ông Michel Jarraud cho biết: “Thập kỷ vừa qua được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất và những năm mà chúng ta gọi là lạnh đã trở nên ấm hơn so với các năm trước 1998. Do đó, có thể khẳng định sự thật là sự ấm nóng vẫn tiếp tục diễn ra".

Ông Michel Jarraud nhận định, mực nước biển dâng cao là một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, như trường hợp của Phillipines với siêu bão Haiyan làm thiệt mạng hơn 2.000 người.

“Gần khu vực các đảo thuộc Philippines, mực nước biển dâng trong vòng 20 năm qua cao hơn từ 3 đến 4 lần so với trước đây. Do nước biển dâng cao hơn, sự phá hủy mà nó gây ra lớn hơn so với cách đây 100 năm”, ông Jarraud nói.

Theo ông Jarraud, mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao trong các năm tới bởi hơn 90% nhiệt lượng từ khí thải nhà kính được hấp thụ vào đại dương, khiến nhiệt độ nước biển không ngừng ấm lên, kéo theo đó là hiện tượng tan băng.

Cùng quan điểm này, nhóm nghiên cứu về khí hậu của Đại học Oxford, Anh mặc dù chưa khẳng định biến đổi khí hậu làm cho các cơn bão ngày càng mạnh lên, nhưng cho rằng, siêu bão sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian tới. Báo cáo mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ cũng chỉ ra rằng, tốc độ gió tối đa của các cơn bão trên toàn cầu sẽ tăng lên, trong khi tần suất không thay đổi.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu hay không, nhưng có một điều có thể khẳng định là thời tiết khắc nghiệt đã và đang gây ra thiệt hại lớn về người và của trên toàn thế giới. Giới chuyên gia cảnh báo nếu loài người không sớm có hành động đối phó với lượng khí thải khổng lồ, thế giới sẽ không tránh được việc phải đối mặt với những thảm họa nghiêm trọng bao gồm siêu bão, khan hiếm nước, nhiều loài động vật tuyệt chủng, hạn hán, biển xâm lấn đất và dịch bệnh.

(Theo VOV)

.
.
.