Thứ Ba, 21/01/2014, 08:32 (GMT+7)
.

Mỹ khởi động lại các chuyến hàng viện trợ cho phe nổi dậy ở Syria

Mới đây, truyền thông Israel dẫn các nguồn tin khu vực cho biết, Mỹ đang cân nhắc khả năng nối lại viện trợ quân sự phi sát thương cho lực lượng đối lập theo đường lối ôn hòa ở Syria.
 
Tháng trước, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ngừng các chuyến hàng viện trợ sau khi một số thiết bị Mỹ dự định viện trợ cho cho lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) rơi vào tay Mặt trận Hồi giáo (IF) - một nhóm nổi dậy cực đoan mới nổi và đang ngày càng chứng tỏ là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống lại chính quyền Syria.
Lực lượng nổi dậy được phương Tây và Mỹ hậu thuẫn ở Syria (Ảnh: PressTV)
Lực lượng nổi dậy được phương Tây và Mỹ hậu thuẫn ở Syria. Ảnh: PressTV
Khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên thừa nhận với tờ New York Times rằng: “không có cách nào để có thểm đảm bảo 100% rằng, số hàng viện trợ không bị rơi vào tay của nhóm Mặt trận Hồi giáo”.
 
Theo các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, việc khôi phục cung cấp viện trợ sẽ là thông điệp chứng tỏ sự ủng hộ của Mỹ vào thời điểm khi mà các nhóm đối lập đang đe dọa tẩy chay hội nghị hòa bình về Syria, dự kiến sẽ được tổ chức ở thành phố Montreux của Thụy Sỹ vào ngày 22-1 tới.

Có những ý kiến cho rằng, động thái này của Washington là để cố gắng bắt đầu 1 mối quan hệ với IF. Theo tờ Al-Akhbar, một cuộc họp giữa đại diện chính quyền Mỹ và trung gian của IF đã được tổ chức hôm 18-12-2013 tại Istanbul (Thổ Nhỹ Kỳ). Tờ báo này khẳng định, đó không phải là những nghi ngờ vô căn cứ khi Ngoại trưởng Kerry trước đó chỉ sử dụng những thuật ngữ “vừa phải” và “chừng mực” khi nói về IF.

Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia, việc Mỹ cố gắng xích lại gần hơn với IF sẽ gặp nhiều trở ngại.

Thứ nhất, “đối tác” của Mỹ trong mối quan hệ này dường như không có nhiều thiện chí. Đại sứ Mỹ tại Syria, Robert Ford trong 1 cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al-Arabiya, ngày 18-12 tiết lộ rằng, IF đã từ chối gặp đại diện của chính quyền Mỹ.

Ông Ford nói: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với họ bởi vì chúng tôi đối thoại với tất cả các bên liên quan và các nhóm chính trị tại Syria. Tuy nhiên, IF đã từ chối đối thoại với chúng tôi mà không đưa ra bất kỳ lý do nào”.

Thứ hai, mối liên hệ giữa IF và Al-Qaeda đang trở nên ngày càng rõ ràng. Mới đây, hôm 17-1, lãnh đạo hàng đầu của IF, đồng thời cũng là một nhân vật hàng đầu trong nhóm phiến quân Ahrar al Sham, Abu Khaled al Suri đã lên tiếng thừa nhận, ông luôn coi mình là 1 thành viên của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Thứ ba, các nhóm đối lập Syria đang quay sang “cắn xé” lẫn nhau tại các mặt trận quan trọng ở Aleppo, Idlib và Raqqa. Cuộc chiến giữa Quân đội Syria tự do, Mặt trận Al Nusra, nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS), Mặt trận Hồi giáo và các nhóm khác đã làm hơn 1.000 chiến binh thiệt mạng. Theo thống kê, chỉ riêng lữ đoàn Ahrar al Sham, một trong những lữ đoàn có liên kết với IF đã mất hơn 400 chiến binh trong các cuộc xung đột này.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Mỹ và phương Tây gây sức ép để buộc các lực lượng đối lập tham gia Hội nghị Geneva 2 là nhằm che đậy thất bại của họ trong việc hậu thuẫn cho các nhóm chiến đấu chống lại Tổng thống Assad. Việc lực lượng nổi dậy có mặt ở Geneva 2 là không thể thiếu trong kịch bản thiết lập 1 chế độ bù nhìn ở Syria của Mỹ.

(Theo vov.vn)

 

.
.
.