Nga - Mỹ cảnh báo nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô London (Anh) trong một nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt trước thềm cuộc trưng cầu ý dân tại nước cộng hòa tự trị Crimea diễn ra vào ngày mai.
Tuy nhiên, khoảng cách khác biệt giữa hai bên ngày càng rộng ra sau cuộc đối thoại kéo dài 6 giờ. Ngoại trưởng Nga thừa nhận “Không có cái nhìn chung” giữa hai nước về cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi Ngoại trưởng Mỹ đưa ra những cảnh báo trừng phạt Nga.
Ngoại trưởng Nga -Mỹ tại cuộc họp ở London. |
Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ông Kerry cho biết, nội dung chính của các cuộc đối thoại liên quan đến căng thẳng gia tăng tại Ukraine do Nga triển khai quân tại Crimea và gần biên giới phía đông Ukraine. Mỹ muốn Nga rút số quân này để giảm căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố, Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Kerry cảnh báo, Nga sẽ đối mặt với hậu quả nếu nước này không sẵn sàng hợp tác về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Ông Kerry nói: “Tổng thống Mỹ B.Obama đã đề cập rất rõ ràng rằng, Nga sẽ đối mặt với những hậu quả nếu nước này không tìm cách thay đổi tình hình hiện nay. Đây không phải là một lời đe dọa mà đó là một hậu quả trực tiếp đối với sự lựa chọn của Nga. Nếu Nga có những bước đi làm căng thẳng thêm tình hình, rõ ràng sẽ có sự phản ứng mạnh mẽ”.
Ngoại trưởng Nga Lavrov thì cho rằng, các cuộc đối thoại rất hữu ích nhưng sự khác biệt vẫn còn giữa Nga và Mỹ sau các cuộc đàm phán. Hai bên “ không có cái nhìn chung” về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Lavrov khẳng định, Nga không có kế hoạch xâm chiếm Crimea nhưng Nga tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết, nước này chưa đưa ra bất cứ quyết định nào cho đến cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea kết thúc, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ làm tổn hại đến các mối quan hệ: “Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ không đưa ra bất kì mối đe dọa nào với Nga.
Liên quan đến triển vọng các biện pháp trừng phạt, chúng tôi đã được đọc, nghe và biết những gì đang được thảo luận tại Mỹ, tại châu Âu. Tôi khẳng định với các bạn rằng, các đối tác của Nga cũng nhận ra rằng, trừng phạt là một biện pháp phản tác dụng. Rõ ràng điều này sẽ không mang lại lợi ích chung cho các bên- lợi ích doanh nghiệp và lợi ích chung đối với sự phát triển mối quan hệ đối tác”.
Ông Lavrov cũng cho rằng, các vụ đụng độ đêm 13-3 vừa qua tại thành phố phía đông Donesk cho thấy, chính quyền lầm thời Ukraine đã mất kiểm soát đất nước và không thể đảm bảo an ninh cơ bản cho người dân.
Số phận của nước cộng hòa tự trị Crimea đang là tâm điểm gây tranh cãi giữa các bên trong thời gian qua. Mỹ và Liên minh châu Âu cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea vào ngày mai là vi phạm hiến pháp và luật quốc tế. Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh, không quá muộn để hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân tại Crưm.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, Tổng thống Nga V. Putin bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng cuộc trưng cầu ý dân là bất hợp pháp, đồng thời khẳng định cuộc bỏ phiếu vẫn diễn ra như kế hoạch. Ông Putin nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu này được tiến hành phù hợp với tiêu chuẩn luật quốc tế và Hiến chương LHQ.
Mặc dù vẫn bày tỏ mong muốn về một giải pháp ngoại giao, nhưng rõ ràng những tuyên bố mạnh mẽ và không khoan nhượng giữa Mỹ và Nga liên quan đến cuộc chiến Ukraine khiến cuộc khủng hoảng này đang nóng lên từng ngày. Trước căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thư kí LHQ Ban Ki Moon đã hối thúc Nga và Mỹ tránh đối đầu và tránh đưa ra những quyết định “thiếu thận trọng” trong những ngày tới.
Ông Ban Ki Moon nói: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn quyết định. Nếu các bên tiếp tục có lập trường cứng rắn, điều này sẽ rất nguy hiểm. Tôi hối thúc các bên tránh có hành động vội vàng, đối đầu trong những ngày sắp tới. Tập trung hiện giờ đó là đối thoại trực tiếp nhằm nhất trí về các biện pháp cụ thể, giúp mở đường hướng đến một giải pháp ngoại giao”.
Các hoạt động chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea đã sẵn sàng. Dư luận đang hướng sự quan tâm đến cuộc khủng hoảng Ukraine với hy vọng nó sẽ không khơi mào cho hàng loạt các biện pháp trừng phạt và theo sau đó là trả đũa, như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov cảnh báo có thể dẫn đến một "sự đóng băng chưa từng có" đối với những cuộc tiếp xúc chính trị, thậm chí tồi tệ hơn thời chiến tranh lạnh.
(Theo vov.vn)