Tổng thống bị phế truất Ukraine yêu cầu Nga hành động
Theo Reuters, ông Yanukovich thúc giục Tổng thống Nga Valdimir Putin cần phải cứng rắn hơn với những người đã phế truất ông và nhấn mạnh rằng Nga không thể cứ làm ngơ trước tình hình đang diễn ra tại Ukraine.
Cầu viện đến Nga
Tại cuộc họp báo, ông Yanukovich nói: “Tôi tin rằng Nga cần hành động và có trách nhiệm phải hành động”.
Ông Yanukovich tại cuộc họp báo. Ảnh Reuters |
“Tôi biết rõ ông Putin với tư cách cá nhân và tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi đến giờ ông ấy vẫn không đưa ra một tuyên bố nào. Nga không thể cứ làm ngơ và chỉ đóng vai trò là “một người qua đường” quan sát số phận của nước láng giềng gần gũi với mình như Ukraine”, ông Yanukovich khẳng định.
Ông cũng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo điện Kremlin cần phải đưa ra một chính sách cứng rắn với Chính phủ Ukraine thân phương Tây vừa được thành lập.
Tuy nhiên, ông Yanukovich nói rằng ông không muốn xin viện trợ quân sự từ Nga để đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị mà ông cho rằng “những kẻ quá khích” đã cướp đi quyền lực của mình.
Ông Yanukovich cho biết nhờ có sự giúp đỡ của các quan chức trung thành với mình ông đã điện đàm được với Tống thống Putin ngay sau khi đến Nga và cả hai đồng ý sẽ sớm gặp nhau trong tương lai.
Tuyên bố của ông Yanukovich được đưa ra khi Chính phủ mới của Ukraine đang phải vật lộn chống lại việc một nhóm có vũ trang ủng hộ Nga đang chiếm sân bay và một số vị trí chiến lược trên bán đảo Crimea.
Ông Yanukovich cũng cho biết ông sẽ không từ bỏ cuộc chiến vì tương lai của Ukraine. Ông mạnh mẽ chỉ trích “những tên găngxtơ theo chủ nghĩa dân tộc và ủng hộ Phát xít” đã buộc ông phải rời khỏi vị trí Tổng thống của mình cũng như cáo buộc Chính phủ các nước phương Tây “xúi giục” người biểu tình tìm cách lật đổ ông.
Đổ lỗi cho EU
Tổng thống bị phế truất Yanukovich nói rằng tình trạng không tuân thủ pháp luật và hỗn độn tại Ukraine chỉ xảy ra sau ông và các thủ lĩnh phe đối lập ký một thoả thuận ngày 21-2 do chính EU làm trung gian nhằm kết thúc 3 tháng khủng hoảng chính trị tại Kiev.
Ông cũng cáo buộc phương Tây thực thi chính sách rất “vô trách nhiệm” khi ủng hộ những người biểu tình chống Chính phủ. Ông nói rằng ông đã tin vào sự chân thành của các Ngoại trưởng phương Tây khi đặt bút ký vào bản thoả thuận trong đó ông đã chấp thuận rất nhiều nhượng bộ để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Thoả thuận này cho phép ông vẫn nắm cương vị Tổng thống cho đến tận cuộc bầu cử sớm diễn ra vào tháng 12-2014. Tuy nhiên, những người biểu tình do quá tức giận với việc có tới hơn 100 người biểu tình thiệt mạng trong vụ đụng độ với cảnh sát, đã kêu gọi việc chấm dứt thoả thuận trên. Chính vì thế ông đã phải đi khỏi Kiev để bảo toàn tính mạnh của mình.
Ông Yanukovich cho biết ông là nạn nhân của một vụ đảo chính và phủ nhận cáo buộc rằng ông đã ra lệnh cho cảnh sát bắn vào người biểu tình trước khi ông bị phế truất.
Ông Yanukovich cũng quy trách nhiệm vụ đổ máu tại Kiev nói trên cho những người biểu tình và khen ngợi nỗ lực của cảnh sát chống bạo động Berkut-dù đơn vị đặc nhiệm này đã bị chính quyền mới của Ukraine giải tán, vì đã dũng cảm chống lại các cuộc tấn công bằng bom xăng của những người biểu tình.
“Tôi muốn những người đã và đang phải chịu hậu quả từ vụ tấn công trên tha thứ cho mình. Nếu tôi vẫn còn ở Ukraine tôi sẽ quỳ xuống xin lỗi tất cả mọi người”, ông Yanukovich chia sẻ.
Quyết tâm không từ bỏ
Ông Yanukovich khẳng định mình vẫn là Tổng thống dân cử hợp pháp của Ukraine và cho rằng mình chỉ rời khỏi nước này do lo ngại tính mạng của bản thân và gia đình. Ông luôn sẵn sàng quay trở lại Ukraine nhưng chỉ khi sự an toàn của ông được đảm bảo.
Ông Yanukovich kêu gọi người dân Ukraine phản đối Chính phủ mới được thành lập trong ngày 27-2 cũng như việc họ đã ấn định ngày 25-5 là ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.
Tuyên bố rằng cuộc bầu cử Tổng thống này là vi phạm pháp luật, ông Yanukovich khẳng định ông sẽ không ra tranh cử.
Tổng thống bị phế truất Yanukovich cũng bác bỏ cáo buộc rằng ông đã tìm mọi cách để bòn rút cạn kiệt ngân khố của Ukraine. “Tôi chưa hề mở các tài khoản tại ngân hàng nước ngoài nào. Tất cả tài sản của tôi đều được kê khai rõ ràng. Những lời buộc tội tôi chỉ là những lời nói vô căn cứ”.
Nhắc đến vụ bạo động tại Crimea và vụ chiếm đóng 3 sân bay và các địa điểm chiến lược khác bởi các nhóm vũ trang ủng hộ Nga, ông Yanukovich cho biết đó chỉ là phản ứng tự nhiên chống lại “những tên cướp ở Kiev”.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, bán đảo Crimea nơi những người thiểu số Nga chiếm đa số vẫn phải thuộc về Ukraine dù họ vẫn đang là một nước cộng hoà tự trị.
(Theo vov.vn)