Thứ Bảy, 24/05/2014, 08:27 (GMT+7)
.

Chuyên gia Ấn Độ: ASEAN cần đoàn kết về vấn đề Biển Đông

Nữ giáo sư-tiến sĩ Abanti Bhattacharya, giảng viên tại Khoa nghiên cứu về Đông Á, Trường đại học Tổng hợp Delhi, Ấn Độ, cho rằng các nước ASEAN phải tái thiết lập sự đoàn kết và đấu tranh chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

Kiều bào Việt Nam tại Anh tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển của Việt Nam.
Kiều bào Việt Nam tại Anh tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New Delhi ngày 23-5 về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nữ giáo sư, tiến sĩ Abanti Bhattacharya, giảng viên tại Khoa nghiên cứu về Đông Á, Trường đại học Tổng hợp Delhi (University of Delhi), Ấn Độ, khẳng định chắc chắn hành động này thể hiện sự nổi lên không hòa bình và có tính gây chiến ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hành động này cũng nhằm thử phản ứng trước “trục xoay” của Mỹ tại khu vực châu Á và sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản và các nước đồng minh khác nhằm hỗ trợ họ chống lại mưu đồ tấn công của Trung Quốc.

Ngoài ra, đây cũng là sự “diễu võ giương oai” của Trung Quốc, chủ yếu nhằm tranh chủ quyền tại Biển Đông, đồng thời để thử sự tín nhiệm và sức mạnh của Mỹ trong khu vực.

Theo giáo sư Abanti Bhattacharya, để duy trì an ninh hàng hải tại Biển Đông, chiến lược tốt nhất là tăng cường hệ thống ASEAN. Các nước ASEAN phải tái thiết lập sự đoàn kết và đấu tranh chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

Thông qua các cấu trúc an ninh như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), các nước trong khu vực phải tìm những cách thức có ý nghĩa để hợp tác và giải quyết bất đồng. Chỉ có các biện pháp xây dựng lòng tin chưa đủ, ARF cần xây dựng các cơ chế ngăn chặn và giải quyết xung đột.

Điều quan trọng hơn nữa là cấu trúc khu vực phải giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế đa phương và hòa bình. Trung Quốc cần giải quyết vấn đề theo cơ chế đa phương chứ không phải song phương.

(Theo TTXVN)

.
.
.