Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản ứng mạnh mẽ hành động của TQ
Dùng giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 là nước cờ mở màn chiến lược chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc. Cho đến nay, bất chấp hàng loạt phản ứng kiên quyết của Việt Nam và những tiếng nói phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan Hải Dương-981 và tiếp tục các hành động hung hăng, gây hấn với các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam. Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc đang bị cả thế giới phản đối.
Hành động của Trung Quốc đe dọa sự hòa bình và ổn định trong khu vực
Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt, cựu Chủ tịch Thượng viện Pháp, Thượng nghị sỹ Christian Poncelet, trong bức thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Pháp, đã lên án hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bức thư của Thượng nghị sỹ Poncelet nêu rõ: “Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Montego Bay thông qua ngày 10-12-1982, việc can thiệp (vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) không có sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp”.
Khẳng định vùng biển mà Trung Quốc đang can thiệp “nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” của Việt Nam, Thượng nghị sĩ nhấn mạnh hành động này trái với các văn kiện song phương khác quy định phải tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, phía nam Paris, Didier Guillaume, cũng viết thư bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đồng thời lấy làm tiếc về hành động xâm nhập trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thị trưởng Didier Guillaume khẳng định việc hạ đặt giàn khoan đã "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế tại vùng biển này, đồng thời đánh giá cao quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc đấu tranh vì hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia của Việt Nam.
Nguyên Thị trưởng thành phố Montreuil, ông Jean-Pierre Brard cho rằng xung đột trên Biển Đông “không phải là một ý tưởng tốt”. Theo ông, Trung Quốc không nên quên những bài học lịch sử và nên tôn trọng nước láng giềng, cho dù là nước nhỏ hơn.
* Hôm 16-5, Hạ nghị sĩ Enzo Amendola, lãnh tụ phe đa số thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi tại Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy, đã ra tuyên bố liên quan đến căng thẳng tại Biển Đông do hành động trái phép đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc.
Theo ông, mọi hành động đơn phương sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực, một trong những trung tâm phát triển kinh tế thế giới. Do đó, để giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông, "cần thúc đẩy các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhằm tiếp tục bảo đảm tự do hàng hải".
Ông cũng cho rằng, "Italy và châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa đối với tình hình hiện tại tại Biển Đông, khi những căng thẳng đang xảy ra có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của cả khu vực, và sẽ tác động đến cả khu vực châu Âu".
Trước đó, Thượng nghị sỹ Antonio Razzi, thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Italy cũng tuyên bố rằng, những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc "đang gây ra mối quan ngại cho sự hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông". Ông hy vọng rằng hai nước sẽ tìm ra được giải pháp cho những tranh chấp bằng con đường hòa bình và tránh làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà Anjuska Weil, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Lao động Thụy Sĩ, khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông hoàn toàn trái luật pháp quốc tế. Bà Weil nêu rõ: Hành động đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thể hiện thái độ lạm quyền của Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng rõ ràng rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp của họ đối với tất cả các quốc gia láng giềng, cùng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông không khó giải quyết, nhưng vướng mắc cơ bản là lập trường của Bắc Kinh
* Ông Anton Svetov - Chuyên viên điều phối các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng đối ngoại Nga nhận xét: Một mặt Bắc kinh cần phải giữ thể diện của một cường quốc có khả năng gây ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng, song mặt khác, rất khó có thể hình dung một quốc gia nào đó trên thế giới lại ủng hộ hành động này của Trung Quốc. Nghĩa là thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ bị phương hại và khi đó Trung Quốc sẽ phải đón nhận các hậu quả tiêu cực. Các nước trong diện tranh chấp hoàn toàn có thể lợi dụng yếu điểm này của Trung Quốc để đưa ra đề nghị “nếu để yên thì sẽ im lặng”, và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có cơ hội giải quyết xung đột bằng phương pháp này.
Ông Alexay Fenenko – Phó Giáo sư Học viện Ngoại giao Nga, chuyên viên Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói: Trung Quốc không hề có một láng giềng tốt nào đúng nghĩa, bởi với nước nào Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ. Vòng từ trái qua phải chúng ta có thể thấy Trung Quốc tranh chấp lần lượt với Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng khi Trung Quốc có vấn đề với tất cả các quốc gia láng giềng thì Bắc Kinh cần phải xem xét lại chính sách của mình.
Vấn đề Biển Đông không phải quá khó để giải quyết mà vướng mắc cơ bản là ở lập trường của Bắc Kinh cho rằng tất cả thuộc về Trung Quốc, các nước xung quanh không có gì. Nếu vẫn giữ lập trường như vậy thì đương nhiên rất khó đối thoại.
Tiến sĩ Sử học Grigori Lokhshin, chuyên gia Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga phân tích: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển đối diện với tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, Trung Quốc đã chuyển từ lời nói, yêu sách, tuyên bố… sang hành động cụ thể. Giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc đã được chuẩn bị từ lâu và tiêu tốn một khoản tiền lớn, 1 tỷ USD, nay được đưa vào khu vực Biển Đông với hơn 80 tàu hộ tống.
Đây là bước đi mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, nảy sinh đối đầu, va chạm giữa lực lượng bảo vệ biển Việt Nam với các tàu hộ tống của Trung Quốc. Phải nói, hành động của Trung Quốc là rất đáng quan ngại, bởi vì từ đầu năm 2012 đến giữa năm 2013 quan hệ Trung Quốc với Việt Nam rất tích cực, diễn ra nhiều chuyến thăm, ký thỏa thuận cùng nghiên cứu khu vực ranh giới ngoài Vịnh Bắc Bộ… không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dẫn đến tình hình phức tạp như hiện nay.
Do đó bằng hành động này, Trung Quốc trên thực tế đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này là một bên tham gia ký kết năm 2002, luật pháp quốc tế, tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và cơ bản là đã vi phạm các nguyên tắc giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã được lãnh đạo Trung Quốc ký với lãnh đạo Việt Nam năm 2011. Trong các văn bản này nêu rõ mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao, không bên nào được có hành động gây phương hại đến an ninh và ổn định trong khu vực.
Do đó, những gì Trung Quốc đang làm hiện nay đã vi phạm tất cả các trách nhiệm mà lãnh đạo nước này đã thông qua. Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn sẽ thôi thúc tất cả các nước ASEAN vào một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc, vì đây là nguy cơ chung đối với tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam.
* Giáo sư, Tiến sĩ Wilfried Lulei - nhà khoa học nghiên cứu về châu Á của Đức, khẳng định hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Giáo sư Lulei nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế, không được các nước liên quan trong khu vực chấp nhận và cũng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới.
Giáo sư Lulei cũng tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Việt Nam, theo đó yêu cầu Trung Quốc phải lập tức ngừng các hành động của nước này, tuân thủ UNCLOS năm 1982 cũng như DOC mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết năm 2002.
Trước việc Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục tăng cường gây hấn, Giáo sư Lulei nêu rõ bất đồng quan điểm giữa các nước về quyền và tuyên bố chủ quyền liên quan hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể giải quyết bằng vũ lực mà phải thông qua các cuộc đàm phán hoà bình.
Theo ông, để giải quyết bất đồng, phải tiến hành cả đối thoại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như đàm phán đa phương với sự tham gia của các nước có liên quan trực tiếp và những nước bị động chạm về các lợi ích kinh tế, chính trị cũng như an ninh.
Những gì đang diễn ra ở Biển Đông là nguy hiểm hơn từ trước đến nay
Báo Washington Post (Mỹ) ngày 16-5 có bài viết kêu gọi Chính phủ Mỹ có biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam đối phó hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, như gia tăng sự hiện diện hải quân và cấm Tập đoàn Dầu khí CNOOC hoạt động tại Mỹ. Bài báo của hai tác giả Elizabeth Economy và Michael Levi (thuộc Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức phi chính phủ), cho rằng những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông gần đây đòi hỏi Mỹ phải có biện pháp đáp trả.
Bài báo viết: Những gì đang diễn ra trên vùng biển này là nguy hiểm hơn so với từ trước đến nay. Mỹ cần đối diện với mức độ đầy đủ từ những thách thức của Trung Quốc để có thể đối đầu thành công. Điều này có nghĩa không chỉ đàm phán gay go mà cả sự sẵn sàng có hành động khó khăn.
Hai động lực thúc đẩy Trung Quốc ở Biển Đông là Hoàng Sa và quyền kiểm soát hàng hải. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nằm cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm vào năm 1974. Trung Quốc dùng việc kiểm soát quần đảo này để củng cố quyền lực lãnh đạo trong nước.
Động lực thứ hai là Trung Quốc muốn kiểm soát tuyến hàng hải qua Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa qua lại trị giá hơn 5.000 tỷ USD/năm, nơi có 1/3 lượng dầu khí thương mại thế giới qua lại và hơn 3/4 lượng dầu khí nhập khẩu của Trung Quốc.
Mỹ luôn nói không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền và kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều này là chưa đủ: Mỹ phải lên án sự giả dối của Trung Quốc và thể hiện rõ vị trí của mình. Mỹ và ASEAN nên cùng trong một mặt trận thống nhất trong việc bác bỏ những hành động đơn phương về đòi hỏi chủ quyền ở những vùng lãnh thổ tranh chấp.
Quan trọng hơn, Mỹ phải chuẩn bị để tạo nên sức sống cho vị trí lâu nay chỉ nói suông. Dù Mỹ không có hiệp ước bảo vệ Việt Nam, nhưng chính sách tái cân bằng ở khu vực châu Á chính là tiền để để Mỹ đóng vai trò người bảo hộ chính cho bình ổn ở châu Á-Thái Bình Dương. Những hành động của Trung Quốc đang thách thức điều này.
Việt Nam đã tái khẳng định cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp. Nếu Trung Quốc không đáp lại, Mỹ cần phải chuẩn bị để cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam thông qua gia tăng sự hiện diện của hải quân. Điều này sẽ giúp Washington khả năng đánh giá năng lực của Trung Quốc và để làm giảm căng thẳng. Những cách khác gồm cấm đoán các hoạt động của Tập đoàn Dầu khí CNOOC tại Mỹ cũng cần được xem xét.
Bài báo kết luận nếu Mỹ không thực hiện lời nói đi đôi với hành động thì uy tín của Mỹ trong việc hứa hẹn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ bị phá hủy từ bên trong.
* Tờ The Sydney Morning Herald của Australia đã đăng bài “Động thái của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng khu vực”, viết: Cũng như việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, các nhà phân tích cho rằng các động thái gần đây của Trung Quốc phù hợp với ý đồ đẩy mạnh thử phản ứng của các nước láng giềng trong cuộc đấu lâu dài nhằm kiểm soát Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc là “khiêu khích, bất hợp pháp”, làm sống lại “mối đe dọa Trung Quốc”. Giáo sư Carl Thayer cho rằng hành động của Trung Quốc nhiều khả năng khiến các quốc gia Đông Nam Á có yêu cầu chủ quyền thêm lo lắng. Do vậy, các quốc gia này sẽ tìm cách tăng cường năng lực hàng hải của mình, đồng thời tìm kiếm sự tái cam kết ủng hộ từ Mỹ cũng như các cường quốc hàng hải khác như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc có thể dọa dẫm Việt Nam song sẽ hứng chịu thương tổn trên mặt trận ngoại giao.
Trung Quốc không thể lý giải về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Minh Giang, học giả Trung Quốc đang làm việc tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, thẳng thắn thừa nhận Trung Quốc đang rơi vào thế khó bởi chính cái tuyên bố đường 9 đoạn nuốt trọn Biển Đông.
Trong cuộc đối thoại mới đây do Quỹ báo chí châu Á tổ chức tại Singapore, ông Lý đã chia sẻ những thông tin mà ông hiểu được “từ vô vàn cuộc đàm thoại với các quan chức ở Bắc Kinh”. Theo đó, ông Lý Minh Giang chỉ ra rằng Trung Quốc hiện rất khao khát trở thành một cường quốc biển.
Trong khi đó, chiến lược chính trị tổng thể của Trung Quốc, vốn bao gồm chiến lược an ninh biển, lại có quá nhiều lợi ích mâu thuẫn nhau. Bên cạnh mục tiêu kinh tế như phát triển sản xuất để nâng thu nhập đầu người lên gấp đôi vào năm 2020, bảo vệ các nguồn lợi trên biển, tài nguyên thiên nhiên, và chiến lược an ninh biển với mục tiêu bảo vệ tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ một cách cứng rắn... Trung Quốc cũng muốn giữ hình ảnh tốt đẹp trước cộng đồng quốc tế để khẳng định chính sách phát triển hòa bình của mình.
Tuy nhiên, theo ông Lý, rõ ràng các mục tiêu đó “mâu thuẫn lẫn nhau” và “Trung Quốc đang lúng túng với chiến lược an ninh biển mà chưa biết ưu tiên ra sao. Theo tôi, Trung Quốc vẫn đang tìm hướng ra cho chiến lược an ninh biển”, ông nói.
Tiến sĩ Lý đặt vấn đề: Chúng ta thấy không có bất kỳ một giải thích chính thức nào của Trung Quốc trước thế giới về đường 9 đoạn: “Thật lạ lùng là một quốc gia lớn như Trung Quốc lại không thể giải thích về tuyên bố chủ quyền của mình. Nói một cách ngắn gọn, tôi cho rằng Trung Quốc là bên đơn phương, nhân tố duy nhất trong Biển Đông thực sự không biết làm sao để giải thích tuyên bố chủ quyền của mình”.
Tiến sĩ Lý nhận định: Vào thời điểm này và trong những năm gần tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “cứng rắn không đối đầu”. “Cứng rắn” là để tránh bị công chúng và các nhóm lợi ích khác nhau chỉ trích và cũng để đảm bảo các quyền lợi trên biển nhằm phục vụ kinh tế. Còn “không đối đầu” bởi “không có lãnh đạo nào của Trung Quốc muốn có xung đột quân sự vào lúc này vì như thế sẽ hủy hoại nền kinh tế và mục tiêu tăng thu nhập đầu người lên gấp đôi vào năm 2020”.
Ông nhấn mạnh: “Lịch sử đã cho thấy Trung Quốc từng nhượng bộ trong các vụ tranh chấp biên giới đất liền với Nga và Ấn Độ. Nên trong tranh chấp trên biển hiện nay, chúng ta chưa thể nói điều gì được”.
(Theo chinhphu.vn)