Hành động vi phạm luật pháp quốc tế của TQ là không thể chấp nhận
Tình hình Biển Đông vẫn rất căng thẳng. Không chỉ hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981), Trung Quốc còn điều hàng chục tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều lần tàu Trung Quốc hung hăng tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Các tàu Trung Quốc vây hãm và phun nước vào tàu Kiểm ngư Việt Nam ngày 12-5. Ảnh: TTXVN |
Buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi Biển Đông là nhiệm vụ hàng đầu của ASEAN
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của ASEAN hiện nay. Báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời ông Lê Lương Minh nói hôm 16-5 rằng việc làm trên sẽ có tác động tích cực nhằm khôi phục niềm tin vào việc giải quyết tranh chấp đa quốc gia thông qua đàm phán, đối thoại.
Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc gây trở ngại trong khu vực, từ đó cho thấy Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002 là không đủ hiệu quả để ngăn chặn các sự kiện tương tự.
Ông nói: "Việc thiếu tiến triển trong các nỗ lực đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là đáng thất vọng. Sự kiện gần đây nhất khiến việc tham vấn và đàm phán mang tính thực chất càng trở nên quan trọng".
* Theo AFP, hàng trăm người Philippines ngày 16-5 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Manila để bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 khỏi Biển Đông.
Người biểu tình đi dọc theo các con phố ở trung tâm tài chính Manila, gần tòa nhà lãnh sự Trung Quốc, đem theo các biểu ngữ mang dòng chữ “Việt Nam và Philippines tay trong tay”, “Đề nghị Trung Quốc ngừng uy hiếp Việt Nam và Philippines”, “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam”.
Những người biểu tình nói rằng họ cảm thấy phẫn nộ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc thời gian gần đây, cụ thể là việc tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Việt Nam, cũng như chính sách ngang ngược của Trung Quốc khi đòi chủ quyền gần như trọn Biển Đông.
* Ngày 16-5, Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra tuyên bố về vấn đề căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của Indonesia về những gì đang diễn ra trên Biển Đông hiện nay, nhất là liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ trưởng Marty Natalegawa nhấn mạnh Indonesia đặc biệt lo ngại về nguy cơ thực sự của sự leo thang lớn và tính toán sai lầm, thể hiện qua các hoạt động nguy hiểm của các tàu và tàu hải quân trên biển đã khiến một số người bị thương và gây thiệt hại vật chất, cũng như sự cố bạo lực từ cuộc biểu tình phản đối dẫn đến thương vong và thiệt hại vật chất.
Bộ trưởng Marty Natalegawa cho biết Indonesia đã và đang tiếp xúc một cách tích cực với tất cả các bên liên quan và sẽ không ngừng thúc đẩy trao đổi thông tin và cùng kiềm chế.
* Tiến sỹ David Camroux, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á tại Pháp, Đại học Paris Sorbonne, nói: “Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề một cách đa phương mà muốn giải quyết với riêng từng nước ASEAN. Vì thế, ASEAN càng cần phải đoàn kết và liên kết chặt với các đối tác lớn như Mỹ để bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực”.
Mỹ liên tiếp bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc
* Ngày 16-5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Trả lời họp báo thường kỳ ở Washington (Mỹ), phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ:
"Chúng tôi coi hành động đó mang tính khiêu khích và hủy hoại mục tiêu mà chúng ta cùng chia sẻ, đó là giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này và ổn định chung trong khu vực. Chúng tôi rất quan ngại về cách hành xử nguy hiểm và sự đe dọa của các lực lượng do chính phủ quản lý hoạt động trong khu vực này".
Đây là phản ứng mới nhất từ Chính phủ Mỹ sau nhiều lần lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam và điều hàng chục tàu các loại tấn công lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
Trước đó một ngày, ông Carney cũng đã tuyên bố Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành đối thoại hòa bình về các vụ tranh chấp khác nhau liên quan tới Trung Quốc và Biển Đông.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự "quan ngại nghiêm trọng" về những hành động đơn phương của Bắc Kinh trên Biển Đông và kêu gọi ngừng những bước đi khiêu khích, gây ảnh hưởng đến hòa bình khu vực.
Theo AFP, phát biểu trên được ông Biden đưa ra trong cuộc gặp tại Nhà Trắng với Thượng tướng Phòng Phong Huy, đang ở thăm Mỹ. Thông cáo từ văn phòng của ông cho hay, Phó Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh với tướng Phòng Phong Huy về sự quan ngại nghiêm trọng của Mỹ về những hành động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.
(Theo chinhphu.vn)