Thứ Sáu, 09/05/2014, 09:35 (GMT+7)
.

Nhật Bản: "Quan ngại sâu sắc" về hành động khiêu khích của Trung Quốc

Những tuyên bố thiết lập chủ quyền và các hành vi đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của dư luận quốc tế, với lo ngại sẽ gây căng thẳng và tạo ra những “trở ngại lớn” đối với những nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực.

Tờ The Wall Street Journal (WSJ), ngày 7-5 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) cho rằng: “Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, xuất phát từ những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc buộc các nước trong khu vực phải tăng cường cảnh giác trước mọi động thái của nước này”.

Thủ tướng Nhật Bản cho rằng những hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đã làm dấy lên những căng thẳng mới trong thời hậu chiến tranh Lạnh. “Chúng ta không thể chấp nhận việc sử dụng vũ lực hay ép buộc để làm thay đổi hiện trạng trong khu vực. Đây là một vấn đề toàn cầu và sẽ ảnh hưởng đến châu Á”, ông Abe nhấn mạnh.

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ)  (Ảnh: AFP/Getty Images)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP/Getty Images

Cùng ngày, tờ WSJ cũng có bài viết nêu rõ, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam đã đẩy cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai quốc gia lên một nấc cao mới. Tờ báo trên dẫn lời bà Theresa Fallon, một chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu châu Á ở Brussels (Bỉ) nhận định, động thái của Trung Quốc là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” đối với ngành công nghiệp năng lượng trong khu vực và được thực hiện với mục đích “khiêu khích”.

WSJ dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Nhà Trắng xem diễn biến leo thang mới nhất trên Biển Đông là một phần trong chiến lược hành vi của Trung Quốc nhằm tiếp tục tìm cách thiết lập chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp. Quan chức trên cho biết, phía Mỹ thực sự rất quan ngại về điều này và đã bày tỏ quan điểm với Trung Quốc.

Hãng thông tấn NHK, ngày 8-5 dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định chính phủ Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo cho thấy các hành vi của Trung Quốc đã gây nên những thiệt hại cho tàu thuyền của Việt Nam và khiến một số thủy thủ của Việt Nam bị thương. Chính phủ Nhật Bản coi diễn biến mới nhất này là một phần trong các hành động đơn phương, khiêu khích của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Suga cũng tỏ rõ sự tiếc nuối trước việc Trung Quốc có những động thái gây căng thẳng trong khu vực thông qua việc hạ đặt giàn khoan tại Biển Đông. Quan chức này cho rằng, Trung Quốc cần đưa ra lời giải thích rõ ràng trước Việt Nam và cộng đồng quốc tế về cơ sở và chi tiết các hành vi mà nước này đang thực hiện.

Ông Suga nêu rõ, hòa bình và ổn định trên Biển Đông đang là một vấn đề lưu tâm của cộng đồng quốc tế. Qua đó, quan chức này kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế và tránh những hành động đơn phương, có thể khiến căng thẳng leo thang.

Dưới nhan đề bài viết “Căng thẳng leo thang trên Biển Đông sau khi tàu của Việt Nam bị tấn công”, tờ “Người bảo vệ” (The Guardian) của Anh đã đăng tải clip và bài viết miêu tả các hành động ngang ngược, hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bài viết trên nêu rõ, trong thời gian trở lại đây, Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các hành vi quấy rối tàu và ngư dân của Việt Nam và Philippines ở Biển Đông và tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ (90%) vùng biển này - vốn được xem là một lập trường đi ngược lại nguyên tắc của nhiều chuyên gia luật quốc tế.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981 vào Biển Đông được xem là một hành vi “khiêu khích bậc nhất” nhằm dần thực hiện chiến lược bành trướng chủ quyền tại Biển Đông. Qua đó, tác giả bài viết kêu gọi các bên liên hành động kiềm chế, tránh căng thẳng leo thang thành các cuộc đụng độ trên biển.

Ngày 7-5, tờ Bloomberg cũng có bài viết bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Bài viết dẫn nhận định của Phó Giáo sư Terence Lee thuộc Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng hành động của Trung Quốc đã làm dấy lên những quan ngại trong khu vực và Bắc Kinh vẫn chưa thừa nhận hay tôn trọng việc các nước đang hướng tới thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Qua đó, bà Lee nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc thúc đẩy các biện pháp phù hợp, tránh sử dụng vũ lực giữa các nước trong khu vực.

Trước đó, tờ Bloomberg cũng có bài viết “Trung Quốc thách thức chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ bằng việc nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự”. Bài viết dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Danny Russel cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, thậm chí ở cả những khu vực cách xa hàng trăm dặm đường bờ biển của Trung Quốc, là một điều “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tờ “Thời báo kinh tế” của Ấn Độ, ngày 7-5, đăng bài viết của nhà báo Ấn Độ Dipanjan Roy Chaudhury cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông là động thái nhằm mục đích tăng cường yêu sách về lãnh thổ trong khu vực. Bài viết nêu quan điểm cho rằng Trung Quốc đã thiếu chứng cứ pháp lý và đảo lộn luật quốc tế trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.