Thứ Tư, 21/05/2014, 11:16 (GMT+7)
.

Thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Dư luận thế giới tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam trong việc đấu tranh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Các ý kiến của bạn bè quốc tế đều cho rằng hành động của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế và thế giới luôn ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa.

Thất vọng với hành động gây hấn của Trung Quốc

Bà Hélène Luc, nguyên Thượng nghị sĩ Pháp, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt: “Tôi đã rất thất vọng khi thấy Trung Quốc thực hiện hành động gây hấn để biến mọi chuyện thành việc đã rồi với mục đích xâm chiếm một nơi ngay gần các hòn đảo nổi mà từ lâu đã thuộc về Việt Nam. Trung Quốc cần phải tôn trọng các cam kết, các công ước mà họ đã ký”.

Ông Sergey Chervanchuk, Tổng thư ký Hội hữu nghị Ukraine-Việt Nam: “Tôi nghĩ với tư cách là người ủng hộ Việt Nam, chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho các bạn Việt Nam nếu sự việc được đưa ra xem xét bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ukraine ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Về phía Hội Hữu nghị Ukraine-Việt Nam, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Ukraine ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình”.

Bà Janicee A.Buco, Hội hữu nghị Việt Nam-Philippines: “Chúng tôi kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chung sống hài hòa với các nước láng giềng. Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền Philippines và cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam”.

Trung Quốc đang đi theo chính sách của các đế quốc

“Tình hình trên Biển Đông hiện nay phản ánh ý đồ của Trung Quốc muốn khống chế cả Đông Nam Á, đồng thời cho thấy sự bất khuất của Việt Nam”. Đó là bình luận của cựu quan chức ngoại giao, sử gia Italy Sergio Romano được Hãng thông tấn CNA (Đài Loan) đăng tải tối 18-5, trong bối cảnh Việt Nam đang có những phản ứng kiên quyết, hợp pháp trước hành vi xâm phạm của Trung Quốc.

Ông Romano nhận định trong vấn đề lãnh thổ Trung Quốc vẫn còn giữ tư tưởng của thời kỳ phong kiến, xem các quốc gia láng giềng là nước chư hầu. Sử gia Romano phân tích thêm, vụ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam cho thấy Trung Quốc không chỉ có mưu đồ độc chiếm Biển Đông mà còn muốn thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và giấc mộng đế quốc.

Ông chỉ ra sự tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc mấy chục năm qua cũng kéo theo nhiều nhân tố có thể gây bất ổn như tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, môi trường bị hủy hoại… dẫn đến bất bình trong xã hội. Vì thế, có thể chính quyền tin rằng bành trướng lãnh thổ là một cách làm giảm áp lực trong nước.

Cũng trong ngày 18-5, Hãng tin Bloomberg đăng bài bình luận cho rằng với sự hung hăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, có vẻ như nước này đang đi theo chính sách của các đế quốc thời trước Thế chiến II.

Theo bài báo, yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến dư luận nhớ lại bản “21 yêu sách” mà đế quốc Nhật đưa ra vào năm 1915. Theo Bloomberg, chủ trương khăng khăng đòi đàm phán song phương về tranh chấp nhằm lợi dụng ưu thế nước lớn của Trung Quốc chẳng khác nỗ lực của các đế quốc cô lập nước này về mặt ngoại giao trước Thế chiến II.

Từ những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong thời gian qua ở Biển Đông, Giáo sư Patrick Cronin tại Trung tâm An ninh của Mỹ (CNAS) nhận định với Bloomberg rằng Trung Quốc đang thực hiện mô hình chấp nhận nguy cơ bằng cách dùng sức ép để củng cố tuyên bố chủ quyền biển và muốn các nước láng giềng phải lựa chọn hợp tác theo điều kiện của Trung Quốc hoặc gây sức ép chiến thuật đối với những quốc gia ngăn cản sự trỗi dậy của nước này.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời chuyên gia Ernie Bower tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nói ông không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc tiến tới lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông và đó sẽ không phải là hành động khiêu khích cuối cùng.

Ngoài ra, một nhà ngoại giao châu Á nhận định nhiều nước Đông Nam Á đang quan ngại khả năng Trung Quốc muốn đạt được ngày càng nhiều lợi ích bằng cách khiêu khích các nước láng giềng. Chiến thuật có nguy cơ làm thay đổi diện mạo khu vực nếu các nước nhỏ hơn trong khu vực không có được sự ứng phó thống nhất.

Có lẽ do vậy mà nhà báo Zachary Keck của chuyên san The Dilopmat (Nhật) đã kêu gọi các nước ASEAN tham gia tranh chấp ở biển Đông nên ngồi lại giải quyết bất đồng rồi cùng hiệp sức ứng phó các hành động của Trung Quốc.

Những toan tính sai lệch của Trung Quốc

Trang tin tức Asia Sentinel hôm 19-5 đăng bài, trong đó nhận định Trung Quốc đã tính toán sai khi đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Theo bài viết, một bước đi đơn phương như thế không chỉ khiến quan hệ với Việt Nam căng thẳng mà còn dẫn đến làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế và làm sống lại mối đe dọa Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Mang tiếng là đưa giàn khoan đi khai thác dầu nhưng rõ ràng hành động này mang động cơ chính trị nhiều hơn là kinh tế. Theo chuyên gia Yenling Song của Công ty Platts Energy (Singapore), Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang trả khoảng 328.000 USD mỗi ngày để duy trì hoạt động của giàn  khoan, trong khi khả năng nó tìm thấy dầu tại nơi đang hoạt động trái phép là không nhiều.

Lợi nhuận đã không là lý do thì nhiều khả năng Bắc Kinh muốn củng cố yêu sách chủ quyền trên Biển Đông thông qua hành động này. Bắc Kinh đã sai nếu nghĩ thế bởi sẽ không có tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở Biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Một lý do khác là Trung Quốc có thể âm mưu gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN và cô lập Việt Nam. Bắc Kinh có lẽ hy vọng lặp lại thành công mà nước này đạt được tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hồi năm 2012. Hội nghị này diễn ra sau khi Trung Quốc chiếm giữ thành công bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đã không có thông cáo chung nào về Biển Đông được đưa ra do những bất đồng sâu sắc.

Tuy nhiên, điều đó đã không tái diễn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Myanmar gần đây. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và hội nghị cấp cao sau đó đã lần lượt đưa ra tuyên bố chung chỉ trích những sự kiện ở Biển Đông. Như vậy, “nếu Trung Quốc hy vọng cô lập được Việt Nam và gây chia rẽ ASEAN thì nước này đã thất bại. Đối mặt với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biển Đông, ASEAN trở nên đoàn kết và lo ngại về những ý đồ của Trung Quốc hơn bao giờ hết”.

Bên cạnh đó, cũng có thể xem hành động nêu trên của Trung Quốc là nhằm gây sức ép lên Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN về vấn đề soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). ASEAN hy vọng COC có thể giúp ngăn chặn những tranh chấp trên biển nhưng Trung Quốc lại không hào hứng trong việc hoàn tất văn kiện này, khiến các cuộc đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ. Những diễn biến mới nhất ở biển Đông chắc chắn sẽ càng khiến ASEAN quyết tâm đòi hỏi một COC nghiêm ngặt. Một lần nữa, theo bài viết, bước đi giàn khoan lại có hại cho Trung Quốc về lâu dài.

Bài bình luận của Asia Sentinel kết luận: Nói tóm lại, cho dù có ý đồ gì thì hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay sẽ chỉ gây tổn hại cho nước này cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Các nước láng giềng sẽ ngày càng tức giận, lo lắng và xa lánh Trung Quốc, đồng thời có thêm lý do mới để hoan nghênh chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Bằng chứng là cả Malaysia và Indonesia đang công khai lo ngại về Trung Quốc ở Biển Đông.

Các nước lớn cần có một thái độ kiên quyết hơn đối với Trung Quốc

Hãng tin Anh Reuters phân tích: Ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xuống hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, Mỹ đã liên tiếp lên tiếng tố cáo đó là một hành động khiêu khích và nguy hiểm.

Tuy vậy, cho đến nay Mỹ không hề có động thái cụ thể nào để ngăn chặn hành động đó. Thái độ dè dặt của Mỹ đang khiến cho nhiều nước đồng minh châu Á sốt ruột, nhất là khi trong chuyến công du châu Á mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm dấy lên hy vọng về việc Washington sẵn sàng sát cánh cùng châu Á trong việc hạn chế tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Châu Á cho rằng ngành ngoại giao Mỹ cần có một thái độ kiên quyết hơn đối với Trung Quốc. Theo nhà ngoại giao này, các nước Đông Nam Á hiện ngày càng quan ngại trước khả năng Bắc Kinh lấn lướt thêm và cố ý thay đổi cục diện khu vực.

Theo một số nhà phân tích, với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ phải có những phản ứng cụ thể nhằm vào Trung Quốc hơn là những lời tố cáo suông. Đây chính là ý kiến của hai chuyên gia Mỹ Elizabeth Economy và Michael Levi, thuộc Hội đồng về các Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations) của Mỹ.

Trong một bài viết, hai chuyên gia này cho rằng việc tăng cường lực lượng hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ cung cấp cho Washington thêm cơ hội để đánh giá thực lực của Trung Quốc và góp phần làm cho căng thẳng xuống thang.

Hai chuyên gia này còn đề xuất một biện pháp khác, trực tiếp hơn. Đó là hạn chế các hoạt động tại Mỹ của CNOOC, một tập đoàn nhà nước và là chủ sở hữu của giàn khoan Hải Dương 981 đang là nguyên nhân gây mất ổn định tại Biển Đông.

Hai chuyên gia Elizabeth Economy và Michael Levi cảnh báo: “Nếu Mỹ không có khả năng gắn liền hành động với lời nói thì các cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực từng được Mỹ đưa ra sẽ trở thành rỗng tuếch”.

“Nhật Bản có thể can dự vào xung đột ở Biển Đông nếu quyết định mở rộng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á”. Đó là nhận định của Asahi Shimbun, tờ báo lớn thứ 2 của Nhật trong tuần qua, ngay sau khi một ban cố vấn an ninh trình báo cáo cho Thủ tướng Shinzo Abe, với đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể.

Theo Asahi Shimbun, một số quan chức cấp cao của Nhật đã đề cập khả năng mở rộng quyền phòng vệ tập thể không chỉ đối với Mỹ mà còn cả những quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Asahi Shimbun còn chỉ ra với tình trạng Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng theo sau vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, Nhật có thể hỗ trợ Việt Nam nếu Tokyo quyết định mở rộng áp dụng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á.

Nhiều nước trong số đó có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và theo Asahi Shimbun, việc Nhật tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác này có thể là cách kiềm chế khả năng mở rộng trên biển của Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền Abe lập luận rằng Nhật cần có quyền tham gia phòng vệ tập thể để ứng phó các tình huống khẩn cấp ở những tuyến đường biển quan trọng, trong đó có Biển Đông, theo tờ Asahi Shimbun. Đến ngày 15-5, sau khi nhận báo cáo trên, trước báo giới, Thủ tướng Abe cũng lưu ý rằng ngay lúc ông phát biểu thì ở Biển Đông đang xảy ra vụ đối đầu nghiêm trọng do hành động đơn phương được hậu thuẫn bởi vũ lực.

Tình trạng căng thẳng có thể dẫn tới một sai lầm kinh hoàng

Hãng thông tấn UPI (Mỹ) vừa đăng bài phân tích những nguyên nhân khiến Trung Quốc thay đổi chiến lược giàn khoan toàn cầu ở Biển Đông, nội dung như sau: Sự hiện diện của giàn khoan dầu Hải Dương 981 ngoài khơi bờ biển Việt Nam vào đầu tháng 5 đã trở thành một leo thang căng thẳng nghiêm trọng tại Biển Đông.

Trong khi rất nhiều ý kiến ở Washington nhận thấy thái độ ngạo mạn, hấp tấp của Bắc Kinh thì với Trung Quốc, sự khiêu khích này bắt nguồn từ những ý đồ có tính chiến lược. Bắc Kinh khẳng định, Biển Đông và tất cả nguồn tài nguyên của nó thuộc về Trung Quốc.

Trung Quốc cũng vừa khuếch trương tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn phân tách lãnh thổ của họ và điều các tàu cá, tàu hải giám và tàu hải quân đến khu vực này. Cả Việt Nam và Philippines đều kịch liệt phản đối những động thái của Trung Quốc. Các nước Indonesia, Brunei, và Malaysia cũng cùng một thái độ, dù cho có phần dè dặt hơn.

Hành động khiêu khích của Trung Quốc, trên thực tế, là phép thử vô hiệu hóa "cú đấm xoay" tổng lực truyền thống của Mỹ để bảo vệ khu vực cam kết bằng một cú đấm trực diện của "chiến tranh bất đối xứng" của Trung Quốc. Nếu hành động nhanh gọn, Trung Quốc tin sẽ khó để Mỹ giúp được các đồng minh của họ sau này.

Dường như, diễn biến ngày càng xấu hơn khi không bên nào chịu lùi bước. Trung Quốc đang tiến hành những động thái tương tự những tuyên bố về hàng hải như với Nhật Bản. Trừ phi những cái đầu đang kích động ở Bắc Kinh giảm bớt nhiệt, chứ không thì tình trạng rối loạn có thể dẫn tới một sai lầm kinh hoàng.

“Con giun xéo lắm cũng quằn”, Việt Nam giận dữ hơn Bắc Kinh tưởng tưởng. Một ASEAN liên minh lỏng lẻo đang bị buộc phải phối hợp với nhau trước những động thái của Trung Quốc nếu muốn đối diện với mục tiêu cuối cùng. Nhật Bản đang đẩy mạnh trở lại và hiện đại hóa quân sự. Mỹ không quá suy yếu đến mức Hải quân Quốc gia và Hạm đội Thái Bình Dương không thể hành động.

Trung Quốc dường như đang bị mờ mắt bởi ý nghĩ Trung Quốc đang mạnh lên, niềm tự hào ảo và những thành tích kinh tế khủng. Tuy nhiên, họ lại đang gặp nguy hiểm vì đã đi ngược lại châm ngôn sách lược của chính họ: “Qua cầu rút ván”, nghĩa là Trung Quốc đang có chiều hướng tự cô lập và về quân đội bằng các hành động quá hấp tấp. Những chính trị gia sáng suốt của Trung Quốc có thể sẽ giúp giảm căng thẳng trong tình thế hiện nay một cách hiệu quả.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.