Giáo sư Rommel Banlaoi: Trung Quốc cần phải hiểu Việt Nam
Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Trung Quốc cần phải hiểu điều này.
Ngày 25-6, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) đã tổ chức tại Paris hội thảo “Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực Biển Đông”. Diễn giả chính của hội thảo là giáo sư Rommel Banlaoi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS).
Theo giáo sư Rommel Banlaoi, Trung Quốc là một con rồng đã thức dậy và vươn lên mạnh mẽ. Thoạt đầu, rất nhiều người mong đợi rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại tác động tích cực cho khu vực và thế giới. Thế nhưng, sự thất vọng, hoài nghi và lo ngại đã dần xuất hiện. Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt các động thái gây bất ổn tại khu vực Biển Đông.
Để minh họa cho các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, giáo sư Rommel Banlaoi đã trích dẫn việc Trung Quốc điều tàu đến gây rối các hoạt động của tàu tiếp tế Phillippines tại các khu vực do Phillippines quản lý (Bãi Cỏ Mây), và đặc biệt là ngày 2-5, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
“Rõ ràng hành động của Trung Quốc đã vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết như UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tất cả đều phục vụ mục đích là cụ thể hóa tham vọng chiếm trọn Biển Đông thông qua tuyên bố vô căn cứ Đường chín đoạn” học giả người Philippines nói.
Giáo sư Banlaoi cũng chỉ rõ là sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc, tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này.
Giáo sư Banlaoi cũng cho rằng tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đưa thêm bốn giàn khoan nữa vào thăm dò ở khu vực Biển Đông. Theo ông, để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc phải tôn trọng những gì họ đã thỏa thuận và trên hết là các nước ASEAN phải có tinh thần đoàn kết vì chỉ có đoàn kết và hợp tác mới góp phần giải quyết tình hình căng thẳng tại Biển Đông.
Giáo sư Rommel Banlaoi cũng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bá quyền và việc sử dụng vũ lực không thể giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, nó chỉ đem lại những hậu quả tiêu cực, cần phải tiến hành các đối thoại. Chỉ có các biện pháp ngoại giao và hòa bình mới giải quyết được các bất đồng và tranh chấp.
Bên lề hội thảo, bà Marie-Sybille de Vienne, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO) có trụ sở tại Paris, Giám đốc Trung tâm Nam Á và Đông Nam Á, đã bày tỏ lo ngại khi nhận thấy Trung Quốc sẵn sàng làm mọi cách để thể hiện rằng họ đã trở thành một cường quốc, có thể làm gì tùy thích trong khi các nước Đông Nam Á không có đủ phương tiện để ứng phó.
Bà đánh giá “không dễ nhìn thấy lối thoát cho sự gia tăng căng thẳng hiện nay khi nó diễn ra cùng với sự tăng cường đều đặn lực lượng răn đe chiến lược của Trung Quốc, xét cả ở khía cạnh quân sự lẫn kinh tế. Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh to lớn của mình bắt đầu từ việc áp đặt trên thực địa khu vực trước khi triển khai các tham vọng ra quy mô toàn cầu”.
Trung Quốc không thể hiện một chút trách nhiệm đạo lý nào
“Với việc hạ đặt giàn khoan trái phép và liên tục điều thêm giàn khoan ra Biển Đông, Trung Quốc đã đặt Việt Nam và Philippines trên cùng một con tàu”. Đó là phát biểu của Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle ở thủ đô Manila (Philippines).
Giáo sư Renato nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tranh thủ dư luận quốc tế bởi sức mạnh và vai trò quan trọng của nó. “Việt Nam đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong những năm 60 của thế kỷ trước và điều này đã góp phần giúp Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam và khi Trung Quốc đâm một tàu cá nhỏ của Việt Nam, Việt Nam đã có sự ủng hộ của công luận quốc tế.
Giáo sư Renato nhấn mạnh: “Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc nghĩ có thể dùng tiền để mua được các nước ở châu Phi, châu Mỹ Latinh hay Đông Nam Á, nhưng họ lại không có bất kỳ “quyền lực đạo lý” - giá trị cốt lõi của đạo Khổng Trung Quốc. Trung Quốc muốn có quyền lực, họ phải có trách nhiệm đạo lý.
Bằng cách bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không thể hiện được một chút trách nhiệm đạo lý nào, đi ngược lại với giá trị đạo Khổng của họ. Trung Quốc sẽ phải nỗ lực nhiều để trở thành một cường quốc lớn trong thế kỷ 21 nhưng Trung Quốc đã đánh mất trách nhiệm đạo đức để tăng cường sức mạnh cường quốc đó, không thể hiện sự kiềm chế, tôn trọng với các nước nhỏ”,.
Chia sẻ về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, giáo sư Renato DeCastro cho biết, ít nhất cho đến nay mọi người nhận biết được vấn đề và đang bàn luận về nó. Điều này đã khiến Trung Quốc bị đẩy vào thế luôn phải đi biện hộ. Mỹ, Nhật và các nước đã thể hiện sự ủng hộ đối với Philippines và các cuộc bàn luận đã gây áp lực đối với Trung Quốc.
Học giả và dư luận Na Uy hiểu rõ hơn về tình hình Biển Đông
Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy đã phối hợp cùng Viện Quan hệ quốc tế Na Uy (NUPI) vừa tổ chức buổi tọa đàm về tình hình Biển Đông và các tác động đối với an ninh khu vực. Nhiều ý kiến phát biểu tại tọa đàm bày tỏ lo ngại về cách hành xử đơn phương và quyết đoán của Trung Quốc, đồng thời chỉ rõ chỉ có giải pháp đạt được trên cơ sở thương lượng hòa bình, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mới đem lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực Đông Á.
Tại cuộc tọa đàm, Tiến sĩ Asmund Weltzien, Giám đốc truyền thông của NUPI, các học giả NUPI và Đại sứ Philippines tại Na Uy Bayani S. Mercado hoan nghênh việc Việt Nam chủ động trao đổi, góp phần giúp giới học giả và dư luận Na Uy hiểu rõ hơn tình hình tranh chấp ở Biển Đông hiện nay và các nguy cơ đối với an ninh và ổn định khu vực.
Cuộc tọa đàm này là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hoạt động và vận động ngoại giao gần đây của Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy như gặp gỡ các giới chức chính quyền, lãnh đạo Quốc hội, báo giới, học giả và bà con cộng đồng người Việt ở Na Uy để thông tin về hành động sai trái của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như chủ trương, biện pháp đấu tranh của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền, biển đảo, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
(Theo chinhphu.vn)