Thứ Năm, 26/06/2014, 08:08 (GMT+7)
.

Philippines và Nhật Bản tăng cường liên kết đối phó Trung Quốc

Nhật Bản và Philippines vào ngày 24-6 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng luật pháp để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trong thời điểm Trung Quốc đang có những động thái ngày càng hung hăng.

Theo hãng Kyodo ngày 24-6, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino tuyên bố Manila đã nối lại kế hoạch kêu gọi tổ chức một cuộc họp giữa 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, để đề ra một lập trường chung về cách thức đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo này.

Tổng thống Aquino cho biết ông đã thông báo với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe về kế hoạch trên. Ông Aquino nói: “Chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi sẽ thảo luận với các nước ASEAN anh em, đặc biệt là ba nước có tuyên bố chủ quyền khác đang chuẩn bị tiến hành cuộc gặp với Trung Quốc để chúng tôi có một lập trường chung”.

Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng Manila đang cố gắng “tạo sự đồng thuận giữa các nước tuyên bố  chủ quyền và hy vọng các bên sẽ nhất trí  để chúng tôi có thể lên lịch trình”. Ông cho biết Philippines sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc họp này mà ông hy vọng sẽ diễn ra trước hội nghị ngoại trưởng ASEAN, dự kiến vào tháng 8 tới ở Myanmar.

Ông khẳng định Manila sẽ hối thúc đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng công việc lấn biển tại những vùng biển tranh chấp, như bãi Johnson South (Gạc Ma) và Fiery Cross (Đá chữ thập) ở quần đảo Trường Sa.

Nhật Bản và Philippines vào ngày 24-6 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng luật pháp để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trong thời điểm Trung Quốc đang có những động thái ngày càng hung hăng.

Chuyến thăm Nhật ngày 24-6 của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, trong bối cảnh cả hai nước đều đang có các cuộc tranh cãi với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ. Tuyên bố chung Nhật Bản- Philippines cũng phản ánh nỗ lực tăng cường liên kết của các nước láng giềng nhằm đối phó sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc tăng cường hiện diện tại các vùng biển trong khu vực. Quan hệ giữa Tokyo và Manila đã trở nên gần gũi hơn trong những năm gần đây khi hai bên phải đối phó với những yêu sách về lãnh thổ của Bắc Kinh.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Tổng thống Aquino tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: “Trong bối cảnh tình hình trong khu vực đang trở nên nghiêm trọng, cả 2 nước (Nhật Bản và Philippines) đang phối hợp chặt chẽ với nhau”.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines cho biết chuyến thăm Nhật của ông chủ yếu tập trung vào “những thách thức trong việc bảo vệ an ninh trong khu vực của chúng ta thông qua thực thi luật pháp để bảo vệ lợi ích chung của 2 nước cũng như của khu vực và thế giới". Tổng thống Benigno Aquino cũng tuyên bố ủng hộ chính sách của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mở rộng vai trò quân sự, trong bối cảnh tình hình khu vực đang "ngày càng khốc liệt".

Theo báo Inquirer của Philippines, các chuyên gia tin rằng Philippines đang tìm kiếm hợp tác với các nước mạnh ở Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Để đối phó với Trung Quốc, Nhật và Philippines đã mở rộng cánh cửa quân sự cho Mỹ xây căn cứ quân sự ở khu vực nước này. Mỹ và Nhật vừa thống nhất địa điểm xây sân bay quân sự trên hòn đảo gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật tranh chấp với Trung Quốc.

Các quan chức Bộ Quốc phòng và Ngoại giao hai nước đạt được thỏa thuận hôm 20-6, trong đó lấy một vùng đất nằm dọc bãi biển thuộc đảo Okinawa, Nhật Bản, làm địa điểm xây sân bay. Khu vực được chọn ở gần căn cứ quân sự Mỹ Schwab tại thành phố Nago, phía bắc đảo Okinawa. Theo thỏa thuận, sân bay quân sự mới sẽ thay cho sân bay Futenma của Mỹ vốn nằm giữa khu vực đông dân cư tại một thành phố khác cũng thuộc đảo Okinawa.

Chính phủ Nhật dự kiến phê duyệt kế hoạch xây dựng trong cuộc họp nội các sắp tới. Khi được thông qua, vùng đất có diện tích khoảng 5,6 km2 sẽ trở thành khu vực giới hạn, chỉ những tàu thuyền tham gia thi công mới có quyền ra vào.

Không chỉ có Nhật, Philippines cũng sẵn sàng mở cửa tất cả 8 căn cứ không quân để Mỹ sử dụng một khi các rào cản pháp lý đối với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường giữa 2 nước được xóa bỏ, dốc toàn lực chống Trung Quốc. Thiếu tướng Jeffrey Delgado, Tư lệnh Không quân Philippines, cho hay tất cả 8 căn cứ của không quân Philippines sẽ được thảo luận cho việc hợp tác quân sự với Mỹ trong tương lai.

Trung Quốc phân biệt đối xử với các nước trong ASEAN

Bắc Kinh không có phản ứng nào trước việc một tập đoàn năng lượng quốc tế Malaysia phát hiện khí đốt ngoài khơi bờ biển Malaysia và tiến hành khai thác, mặc dù nó nằm bên trong cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Tờ The Wall Street Journal ngày 25-6 đưa tin, vị trí Malaysia phát hiện mỏ khí đốt cách bờ biển bang Sarawak khoảng 144 km, trong khi đó đường lưỡi bò Trung Quốc chỉ cách bờ biển bang này khoảng 55 km. Thái độ im lặng của Bắc Kinh khác hoàn toàn những gì đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam khi tàu thuyền 2 nước đang đối đầu kể từ đầu tháng 5 sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.

Mối quan hệ Trung Quốc – Malaysia đang được duy trì bất chấp sự quyết đoán (hung hăng, hiếu chiến) ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm cả những hành động trong khu vực Malaysia yêu sách chủ quyền. “Malaysia và Trung Quốc có tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên hai bên chia sẻ sự đồng thuận rộng rãi về việc xử lý một cách thích hợp các vấn đề tranh chấp”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với The Wall Street Journal.

Về phần mình, Chính phủ Malaysia vốn gắn bó với chính sách ít nói về những hành động dằn mặt bằng quân sự của Trung Quốc hay bất kỳ tranh chấp nào với đối tác thương mại lớn nhất của họ, đã từ chối bình luận về  thông tin này khi tờ báo Mỹ liên hệ.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.