Myanmar không muốn làm công cụ cho Trung Quốc
Myanmar khó có thể là một cường quốc hải quân và cũng không hẳn là một đối trọng ngoại giao lớn. Vì vậy việc Trung Quốc tìm đến mảnh đất Myanmar để hạ nhiệt cho cơn đau đầu của họ ở Biển Đông là có phần lạ lẫm.
Tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã tiếp đón lãnh đạo Myanmar - Tổng thống Thein Sein - ở Bắc Kinh vào tuần trước, không bỏ lỡ cơ hội lấy lòng ông Thein Sein. Đó là vì Myanmar giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á năm 2014.
Tổng thống Myanmar Thein Sein tại một triển lãm tranh ở Bắc Kinh (ảnh: NYT) |
U Zaw Htay, Giám đốc văn phòng Tổng thống Myanmar cho rằng ông Tập Cận Bình đang vận động hành lang cho vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên Tổng thống Myanmar vẫn đứng vững và ông từ chối đứng về phía Trung Quốc. Thay vào đó, ông Thein Sein cổ xúy cho cách tiếp cận thân thiện trong việc giải quyết tranh chấp - ông Zaw Htay khẳng định như vậy trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên New York Times.
Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, bãi san hô, và bãi cạn với từng nước, như là Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên, ASEAN - được Mỹ hậu thuẫn - đang cố gắng xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông dựa trên pháp luật, giúp ngăn ngừa tập trận ở vùng tranh chấp và có thể sẽ khuyến cáo sử dụng trọng tài quốc tế cho các tranh chấp ở một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới.
Ông Zaw Htay nhấn mạnh: “Myanmar ủng hộ ASEAN về vấn đề này”.
Myanmar sẽ đăng cai một hội nghị giữa các nhà ngoại giao ASEAN và Trung Quốc vào tháng 7-2014 - cuộc gặp đầu tiên kể từ khi xảy ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về vụ Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam.
Myanmar đã và đang coi trọng vai trò lãnh đạo ASEAN của mình. Nước này ít có mong muốn bị xem là đại diện cho các lợi ích của Trung Quốc.
(Theo VOV)