Thứ Ba, 08/07/2014, 11:56 (GMT+7)
.

Trung Quốc phải tuân thủ nguyên tắc và luật pháp

Đó là khẳng định của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel trong bài phỏng vấn của báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 5-7. Ông Russel cũng chỉ thẳng ra rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây căng thẳng cho khu vực.

Ông Russel nói: “Có gì là ngạc nhiên khi phản ứng của khu vực là gia tăng căng thẳng? Chúng tôi muốn Trung Quốc có quan hệ tốt với các nước láng giềng”. “Chúng tôi đã liên tục kêu gọi các bên đòi hỏi chủ quyền cần làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông và các nơi khác phải phù hợp với luật pháp quốc tế, vì chúng tôi cho rằng, sự mơ hồ về những yêu sách sẽ khơi mào sự hiểu lầm và đối đầu”, ông nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: “Cho dù Trung Quốc có hay không có quyền hạ đặt giàn khoan, được hộ tống bởi nhiều tàu tuần duyên và cả một số tàu quân sự của hải quân Trung Quốc, câu hỏi mà tất thảy chúng ta đặt ra là: Liệu đó có phải là ý tưởng tốt? Nó có gây ra vấn đề nhạy cảm nào không?

Trong giai đoạn rất căng thẳng ở khu vực khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng công khai tuyên bố cam kết về một môi trường hòa bình, liệu có cần thiết để Trung Quốc đột nhiên triển khai giàn khoan trong vùng biển mà người ta biết rõ Việt Nam xem đó là vùng đặc quyền kinh tế của mình và người Việt Nam đã hoạt động suốt nhiều năm qua? Tại sao lại gây chuyện lúc này? Đó có phải một ý tưởng tốt?”.

Ông Russel phủ nhận việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Lý thuyết Mỹ sử dụng quyền lực siêu cường để “gây bất ổn” cho Trung Quốc không được thực tế chứng minh. Trái lại, không quốc gia hay cường quốc nào làm nhiều việc để tạo thuận lợi cho sự nổi lên thịnh vượng và ổn định của Trung Quốc hơn Mỹ.

Ông dẫn chứng việc Trung Quốc gia nhập WTO, nhóm G-20 và hàng loạt sự kiện khác. Đổi lại, Mỹ yêu cầu khả năng trợ giúp thiết lập những quy tắc cho phép Trung Quốc phát triển và thịnh vượng; Trung Quốc phải chấp nhận những nguyên tắc và luật lệ ràng buộc cả những nước lớn mạnh và những quốc gia nhỏ yếu. “Đó là thông điệp của chúng tôi cho Trung Quốc đối với một số vấn đề và thách thức nổi lên trong khu vực”, ông Russel nhấn mạnh.

Trong bài bình luận mới nhất đăng trên chuyên trang War on the Rocks, Giám đốc chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) Patrick M.Cronin khẳng định Trung Quốc hoàn toàn bất chấp đạo lý và pháp lý khi tuyên bố nước này có quyền dùng tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu cá để bảo vệ giàn khoan trong phạm vi bán kính ít nhất 3 hải lý.

Ông Cronin chỉ rõ: thứ nhất là giàn khoan Hải Dương 981 rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; thứ hai, theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), kể cả đối với những giàn khoan nằm trong vùng biển Trung Quốc thì nước này cũng chỉ có quyền khoanh vùng bảo vệ bán kính tối đa 500 m.

Nhận định về những động thái của Trung Quốc như đưa thêm giàn khoan Nam Hải 09 hoạt động tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc và đang có hoạt động cải tạo phi pháp tại ít nhất 5 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mới đây nhất, là đã ngang ngược bắt giữ tàu cá QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân xã Phổ Thạnh, Huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, chuyên gia Cronin nói: Trung Quốc là nước lời nói không đi đôi với việc làm. Luôn tỏ ra tích cực tham gia các diễn đàn, khuôn khổ đa phương, nhưng chuyên hành động đơn phương dồn ép các nước khác và sẽ không chấp nhận luật pháp quốc tế”.

Cũng trên War on the Rocks, một đồng sự của ông Cronin tại CNAS là chuyên gia Ely Ratner đã chỉ trích Trung Quốc hiện nay không chấp nhận thực tế phân chia chủ quyền ở châu Á và đang tiến hành các hành động cưỡng bách láng giềng để thay đổi hiện trạng. Theo ông, có 3 yếu tố cần lưu ý trong những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Thứ nhất là nước này tin rằng mình có thể và sẵn sàng dùng sức mạnh để đạt mục tiêu về lãnh thổ, đồng thời chấp nhận nguy cơ bất ổn đối với khu vực.

Thứ hai là sau một thời gian hoạt động riêng rẽ, thậm chí cạnh tranh với nhau trong chính sách về biển và an ninh quốc gia, các đơn vị, lực lượng Trung Quốc đã bị ban lãnh đạo mới ép vào khuôn phép phải thống nhất và phối hợp chặt chẽ hơn.

Thứ ba là những công cụ kinh tế như giàn khoan dầu đang bị biến thành một “lực lượng tiên phong” để mở đường tạo cớ cho máy bay, tàu quân sự và bán quân sự xâm nhập những vùng biển Trung Quốc muốn chiếm đoạt.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.