Việt Nam đã hành xử có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế
Đó là nhận định của Giáo sư Thái Văn Cầu, chuyên gia Khoa học Không gian Hoa Kỳ.
Theo Giáo sư Thái Văn Cầu, trong thời đại toàn cầu hoá kinh tế, Biển Đông không những quan trọng với các nước tiếp cận mà còn cực kỳ quan trọng với nhiều nước đã và đang phát triển khác trên thế giới. Hàng năm có hơn 5.300 tỷ USD mậu dịch quốc tế đi ngang qua Biển Đông, trong đó 1.200 tỷ là của Mỹ.
Khi sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh hải giữa riêng hai nước mà còn giúp mang lại an ninh và ổn định cho tất cả các nước phụ thuộc vào giao thông hàng hải ngang qua một khu vực quan trọng hàng đầu thế giới và có diện tích rộng bằng một phần ba diện tích nước Mỹ.
Cách hành xử như trên chứng minh mạnh mẽ cho thế giới thấy rằng Việt Nam là một nước tôn trọng luật pháp và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đang thật sự đối diện với một trách nhiệm to lớn mà lịch sử giao phó, đó là sử dụng luật pháp quốc tế để duy trì hoà bình trong một khu vực trọng yếu của thế giới.
Cần đi tới một thỏa hiệp vì sự phát triển chung
Trả lời phỏng vấn phát sóng trên Bloomberg, cựu Tổng thống Đông Timor, Jose Ramos Horta, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, chia sẻ: Chắc chắn, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines hay Việt Nam đều sẽ không lùi bước trước những tuyên bố chủ quyền của họ. Vì vậy, họ sẽ cần đi tới một thỏa hiệp. Và thỏa hiệp tốt nhất đối với các bên là hướng tới sự phát triển chung trong khu vực. Đó là lợi ích tốt nhất cho các bên và cho cả khu vực.
Trên cương vị là đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) kiêm người đứng đầu Văn phòng hỗn hợp xây dựng hòa bình LHQ (UNIOGBIS) ở Guinea-Bissau, ông Horta còn cho rằng, cơ quan LHQ cũng như tòa án trọng tài quốc tế rất khó giải quyết được cuộc tranh chấp lãnh thổ, mà gần đây leo thang sau động thái hạ đặt giàn khoàn Hải Dương 981 trái phép nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Một lý do khiến điều này không khả thi, theo ông Horta, là Bắc Kinh ngang ngược không tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), cũng như không muốn bên thứ 3 như Mỹ can dự vào việc này.
Ông nói: “LHQ không phải là diễn đàn duy nhất để các bên đưa cuộc tranh chấp ra thảo luận. Nếu Trung Quốc không mong muốn Mỹ nhảy vào, đó cũng là một điều tốt. Chúng ta còn có các phương án khác. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả các bên nên bắt đầu ngồi vào bàn để thảo luận về các căng thẳng leo thang trong khu vực”.
Theo ông Horta, lựa chọn tốt nhất với các bên có tuyên bố chủ quyền trong cuộc tranh chấp lãnh thổ là các bên hãy gặp gỡ và nói chuyện với nhau một cách hòa bình.
“Giải pháp duy nhất dành cho những nhà lãnh đạo trong khu vực đó là xuống thang căng thẳng, hạ giọng trong các phát ngôn và cùng nhau ngồi nói chuyện”, ông Horta nói.
(Theo chinhphu.vn)