Thứ Ba, 12/08/2014, 08:31 (GMT+7)
.

Campuchia: Chấm dứt một năm khủng hoảng chính trị

Quốc hội Campuchia đã tiến hành phiên họp bất thường, với sự tham dự của các nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin. Đây là lần đầu tiên 55 nghị sĩ CNRP dự họp Quốc hội sau hơn 10 tháng tẩy chay.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Hun Sen, Phó Chủ tịch CPP tuyên bố cuộc khủng hoảng chính trị hậu bầu cử tại Campuchia đã chấm dứt. Thủ tướng Hun Sen hoan nghênh sự có mặt của các nghị sĩ CNRP, đồng thời cho biết nội dung thỏa thuận cấp cao ngày 22-7 giữa hai đảng sẽ được nhóm làm việc từng bước cụ thể hóa, hoàn tất để hai bên cùng thực hiện.

Ông Hun Sen cũng kêu gọi người dân theo dõi, giám sát các nội dung cũng như tuyên bố của lãnh đạo CPP và CNRP trong quá trình thực hiện thỏa thuận giữa hai đảng, đồng thời yêu cầu CNRP chấm dứt các chỉ trích sai lệch đối với CPP.

Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch CNRP Sam Rainsy bắt tay tuyên bố về thỏa thuận giải quyết bế tắc chính trị vừa đạt được. (Ảnh: Trần Chí Hùng/TTXVN)
Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch CNRP Sam Rainsy bắt tay tuyên bố về thỏa thuận giải quyết bế tắc chính trị vừa đạt được. Ảnh: Trần Chí Hùng/TTXVN

Thay mặt các nghị sĩ CNRP, ông Sam Rainsy, Chủ  tịch CNRP nói rằng CNRP sẽ hợp tác chặt chẽ với CPP, bày tỏ cảm ơn các nghị sĩ CPP, đặc biệt là Thủ tướng Hun Sen và các lãnh đạo khác của CPP đã thiện chí và tích cực cùng lãnh đạo CNRP đàm phán phá vỡ bế tắc chính trị.

Tại cuộc họp lần này, nghị sĩ hai đảng đã thông qua sửa đổi điều 6 mới của Quy chế hoạt động nội bộ của Quốc hội để thành lập thêm Ủy ban thứ 10 của Quốc hội là “Ủy ban Điều tra và Chống tham nhũng”.

Sau cuộc họp, nhóm công tác của hai đảng sẽ tiếp tục làm việc để hoàn thiện bộ máy lãnh đạo Quốc hội phù hợp với thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng ngày 22-7. Theo thỏa thuận cấp cao, trong 13 ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội và 10 Chủ nhiệm Ủy ban. Trong Ủy ban thường vụ Quốc hội, CPP có 7 ủy viên, 6 ủy viên còn lại thuộc về CNRP. Chủ nhiệm 10 Ủy ban của Quốc hội sẽ được chia đều cho hai đảng và Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội sẽ thuộc về đảng CNRP.

Trước đó, 55 nghị sĩ CNRP đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc vương Norodom Sihamoni, chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài một năm qua ở  Campuchia. Đây là những nghị sĩ được bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 28-7-2013.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái, CPP giành được 68/123 ghế nghị sĩ, CNRP giành được 55 ghế còn lại. Tuy nhiên, các nghị sĩ CNRP đã tẩy chay Quốc hội với cáo buộc có gian lận bầu cử. Họ tổ chức nhiều cuộc biểu tình đường phố để yêu cầu điều tra và bầu cử lại.

Bất chấp sự tẩy chay của CNRP, phiên họp đầu tiên của Quốc hội Campuchia đã diễn ra ngày 23-9-2013, theo đúng quy định của Hiến pháp Campuchia, nguyện vọng của nhân dân Campuchia và chỉ dụ của Quốc vương Norodom Sihamoni.

Theo Hiến pháp Campuchia năm 2006, một đảng giành được quá bán số phiếu (tức 50%+1) trong Quốc hội khóa mới sẽ có quyền thành lập chính phủ, vì vậy không có trở ngại đối với CPP khi tiến hành lập bộ máy lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia, dù CNRP có tham gia hay không.

Với Hiến pháp của Campuchia, việc tẩy chay Quốc hội của Đảng đối lập CNRP cũng đồng nghĩa với việc  đảng này từ bỏ quyền của mình được pháp luật bảo hộ. Nhưng điều đó không có nghĩa đảng đối lập sẽ mất số ghế của mình.

Sau cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ tại trụ sở Thượng viện chiều 22-7-2014, Thủ tướng Hun Sen, Trưởng đoàn đàm phán CPP và Chủ tịch CNRP Sam Rainsy tuyên bố với báo giới hai bên đã  đạt được thỏa thuận chấm dứt bế tắc chính trị  kéo dài gần 1 năm qua ở nước này kể từ cuộc bầu cử Quốc hội ngày 28-7-2013.

Với việc 2 đảng CPP và CNRP đạt được thỏa thuận, khai thông bế tắc chính trị, dư luận hiện đang trông đợi Quốc hội và Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò và phát huy sức mạnh trong chặng đường dẫn dắt đất nước chùa Tháp tới một tương lai phát triển.

Trong thời gian gần 1 năm qua, CPP đã tỏ ra thiện chí, nhiều lần ngồi vào thương lượng với CNRP, trong đó có cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Hun Sen và Chủ  tịch CNRP Sam Rainsy, song đều không có kết quả.

Bất chấp sự tẩy chay Quốc hội mới, CPP vẫn điều hành và lãnh đạo đất nước một cách suôn sẻ. Minh chứng thuyết phục nhất là kinh tế Campuchia tăng trưởng 7,6% năm 2013 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 7% trong năm nay với sự phát triển mạnh của nông nghiệp, xuất khẩu may mặc và du lịch. Thành tích ấn tượng đó của CPP đã được người dân Campuchia ghi nhận và đánh giá cao.

Trong cuộc bầu cử hội đồng các cấp diễn ra trung tuần tháng 5-2014 vừa qua, CPP đã thắng lớn khi giành tới được 306 ghế, chiếm 77% ghế tại hội đồng Thủ đô Phnom Penh và 25 tỉnh và được 2.237 ghế, chiếm 76% số ghế tại hội đồng cấp thành phố, quận, huyện trên cả nước; trong khi các tỷ lệ tương ứng của CNRP chỉ lần lượt là 86 ghế (21%) và 683 ghế (23%).

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục tẩy chay Quốc hội và tổ chức biểu tình đường phố không mang lại điều gì tốt cho đất nước Campuchia và cho chính đảng đối lập CNRP.

Bởi vậy, CNRP đồng ý thỏa thuận với CPP để tham gia Quốc hội có thể xem là bước chuyển phương thức  đấu tranh của CNRP sang nghị trường nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018. Dù tính toán của đảng đối lập CNRP là thế nào thì việc chấm dứt thế bế tắc chính trị ở Campuchia mang lại những hy vọng mới và cơ hội mới cho đất nước Chùa tháp tiếp tục ổn định và phát triển.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.