Thứ Sáu, 02/01/2015, 07:35 (GMT+7)
.

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2014

Năm 2014 khép lại với những sự kiện quốc tế nổi bật, tác động đến nhiều mặt trong đời sống chính trị - xã hội. Sau đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2014 do Ban Quốc tế, Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam bình chọn.

1. Lần đầu tiên (sau gần 20 năm), các Bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố riêng, bày tỏ sự quan ngại của khu vực trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Trong đó, đặc biệt phải kể đến sự kiện từ đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.

Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động nguy hiểm của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.

Tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc hung hăng dùng vòi rồng phun xịt vào tàu CSB 2016 của Việt Nam. Ảnh: Trần Quỳnh
Tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc hung hăng dùng vòi rồng phun xịt vào tàu CSB 2016 của Việt Nam. Ảnh: Trần Quỳnh

2. 2014 - Năm thảm họa của ngành hàng không và đường thủy thế giới

2014 được xem là năm thảm họa đối với ngành hàng không Malaysia khi quốc gia này phải đối mặt với 3 vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp.

* Chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng Hàng không quốc gia Malaysia khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur, dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6 giờ 30 phút sáng 8-3 giờ địa phương (tức 22 giờ 30 phút ngày 7-3 theo giờ GMT).

Tuy nhiên, chiếc máy bay chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tín hiệu vào lúc 2 giờ 40 sáng 8-3. Trên máy bay có 227 hành khách đến từ 13 quốc gia, cùng 12 thành viên phi hành đoàn. Ngay sau vụ tai nạn, một chiến dịch tìm kiếm quốc tế đã khẩn trương được triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc này vẫn còn là một ẩn số.

* Hãng hàng không quốc gia Malaysia (MAS) ra thông báo xác nhận, ngày 17-7, chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trong hành trình từ sân bay Schiphol tại thủ đô Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị rơi gần thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine.

Vào thời điểm gặp nạn, chiếc máy bay chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn. Cho tới nay, đã gần 6 tháng trôi qua kể từ khi MH17 bị rơi tại miền Đông Ukraine và công tác nhận dạng các hành khách trong chuyến bay xấu số đã gần được hoàn tất. Tuy nhiên, nguyên nhân cuối cùng dẫn tới vụ rơi máy bay MH17 vẫn chưa được làm sáng tỏ.

* Chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia (Malaysia) chở theo 162 người đã bị mất liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu trên đường từ Indonesia đi Singapore vào sáng 28-12. Vụ mất tích chiếc máy bay Airbus mang mã hiệu QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia vào sáng 28-12 là sự kiện mới nhất đánh dấu một năm thảm họa của ngành hàng không Malaysia.

3 ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn, thi thể của những nạn nhân đầu tiên và các mảnh vỡ của QZ8501 đã được phát hiện. Hiện lực lượng tìm kiếm quốc tế từ các nước: Indonesia, Malaysia, Singapore… đang tích cực tìm kiếm và vớt thi thể của các nạn nhân trong vụ rơi máy bay. Trong khi đó, việc tìm kiếm các thiết bị hộp đen của QZ8501 cũng đang được ưu tiên bởi đây là manh mối chính dẫn tới việc xác định được nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn.

* Trưa ngày 16-4, phà Sewol, có trọng tải 6.825 tấn, đã bị chìm khi đang trong hành trình từ Incheon, phía Tây thủ đô Seoul đến đảo phía Nam Jeju của Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, phà đang chở theo 467 hành khách, hầu hết là học sinh trung học. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực giải cứu, các lực lượng chức năng chỉ cứu sống được 174 người.

Vụ chìm phà Sewol không chỉ trở thành một “thử thách” lớn nhất trong công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm, cứu nạn của Hàn Quốc trong thời bình, mà còn khiến chính phủ nước này phải đối mặt với một làn sóng giận dữ từ dư luận do cách thức “xử lý chưa hiệu quả và không đủ nỗ lực hay hành động nhanh chóng để cứu người vào thời điểm đầu tiên khi con phà bị chìm”.

Trong tình huống trên, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã thực hiện một loạt các biện pháp cải tổ mạnh mẽ trong bộ máy lãnh đạo và tăng cường an toàn trong xã hội nhằm xoa dịu sự giận dữ của dư luận.

3. Quan hệ Nga – phương Tây căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Ukraine

Ngay từ những ngày đầu năm 2014, quan hệ Nga và phương Tây đã bị kéo căng bởi một loạt các sự kiện liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Đỉnh điểm của sự căng thẳng này là sự kiện ngày 20/3, Hạ viện (Duma quốc gia) Nga đã chính thức thông qua Hiệp ước sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol vào Liên bang Nga với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối.

Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục có dấu hiệu leo thang sau khi chính quyền Kiev phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nhằm trấn áp lực lượng đòi ly khai ở miền Đông. Diễn biến quân sự căng thẳng tại Đông Ukraine đã đẩy người dân tại điểm nóng chiến sự này vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 4.700 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người khác bị thương và các điều kiện sinh hoạt cơ bản không được đáp ứng.

Chiến sự tiếp diễn miền Đông Ukraine không chỉ đẩy quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga - Ukraine vào trạng thái căng thẳng mà còn làm bùng phát một cuộc tranh cãi mới giữa Nga và phương Tây liên quan tới vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng này dẫn tới việc Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước đồng minh liên tiếp đưa ra các lệnh siết chặt trừng phạt Nga.

Ngoài ra, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tiếp có những động thái răn đe quân sự và tăng cường sự hiện diện tại khu vực Đông Âu, đặc biệt là các nước có biên giới tiếp giáp với Liên bang Nga, buộc Moscow phải đưa ra những đáp trả “phù hợp”. Những diễn biến này đã khiến dư luận phải lo ngại về nguy cơ gia tăng đối đầu trong quan hệ giữa các nước lớn.

Dân thường chính là nạn nhân đau khổ và trực tiếp nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AP
Dân thường chính là nạn nhân đau khổ và trực tiếp nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AP

4. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – mối đe dọa mới với nền an ninh thế giới

Năm 2014, lực lượng IS đã mở rộng chiếm đóng tại một phần lớn lãnh thổ Iraq, Syria, đẩy khu vực Trung Đông rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Với một lực lượng hùng hậu, được đào tạo bài bản, với những loại vũ khí tối tân chiếm được tại các căn cứ ở Iraq, Syria cùng một sự hậu thuẫn tài chính vững chắc từ các hoạt động cướp bóc, tống tiền, buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp từ các mỏ dầu chiếm đóng…

IS ngày càng lộng hành và ngang nhiên mở rộng hành động khủng bố man rợ, âm mưu mở rộng lãnh thổ chiếm đóng và theo đuổi một chiến lược chiêu mộ binh sỹ tinh vi tại nhiều khu vực trên thế giới. Từ một lực lượng trỗi dậy ở Trung Đông, IS đang thực sự trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu.

Bắt đầu từ ngày 8-8, Mỹ và liên quân đã khởi động chiến dịch chống IS tại Iraq và lan rộng sang nước láng giềng Syria vào ngày 23/9. Hiện các nước tham gia liên quân quốc tế chống IS tại Iraq bao gồm: Mỹ, Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Anh và Hà Lan. Trong khi các nước tham gia liên quân quốc tế chống IS tại Syria bao gồm: Mỹ, Bahrain, Jordan, Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Cho tới nay, các quan chức Mỹ đều khẳng định rằng, cuộc chiến chống IS đang thu được những thành tựu ban đầu và chặn đứng được đà thắng thế của lực lượng này trong các cuộc giao tranh tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, có một thực tế mà các nhà chức trách Mỹ đã phải thẳng thắn thừa nhận, đó là cuộc chiến chống IS có nguy cơ kéo dài và thậm chí phải diễn ra trong vài năm trước khi thu được thành quả cuối cùng.

5. Đại dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi khiến thế giới hoang mang

Năm 2014, đại dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi với một tốc độ và quy mô lây lan nhanh chóng. Theo số liệu thống kê mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 30-12, đã có 7.879 trường hợp tử vong trong tổng số 20.129 ca lây nhiễm virus Ebola.

Riêng tại 3 quốc gia Tây Phi nằm trong "tâm dịch", số ca tử vong và lây nhiễm tăng tương ứng 37 và 48 so với báo cáo trước đó một ngày. Hầu hết các trường hợp tử vong và lây nhiễm được ghi nhận ở 3 quốc gia bị tác động nặng nề nhất là Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Đại dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi không chỉ khiến người dân tại khu vực này phải đối mặt với những áp lực về kinh tế và khủng hoảng lương thực, nhân đạo nghiêm trọng…mà còn làm dấy lên những mối lo ngại từ khắp các châu lục.

Kể từ khi bùng phát đến nay, dịch bệnh Ebola liên tục có những diễn biến phức tạp, bất thường gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng nhằm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh, cuộc chiến chống lại Ebola đã và đang từng bước thu được một số kết quả tích cực, hứa hẹn hy vọng có thể chiến thắng được đại dịch này trong một tương lai không xa.

Guinea là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh Ebola. Ảnh: Reuters
Guinea là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh Ebola. Ảnh: Reuters

6. Mỹ – Cuba bình thường hóa quan hệ sau 53 năm gián đoạn

Ngày 17-12 trở thành mốc lịch sử mới trong quan hệ Mỹ - Cuba. Trên truyền hình ở cả hai nước và hầu như trong cùng một thời điểm, Tổng thống Mỹ Barak Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng thông báo với toàn thế giới về những bước đi, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trong đó, có việc mở đại sứ quán của nhau ở mỗi nước.

Quyết định đột phá đạt được sau một loạt các cuộc đàm phán bí mật cấp cao giữa Mỹ và Cuba từ tháng 6-2013. Canada và Tòa thánh Vatican được cho là đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán.

Tin tức về việc tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba lập tức trở thành sự kiện hàng đầu, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Các hãng truyền thông trên thế giới nhất loạt đưa tin với hàng tít lớn về “sự kiện thế kỷ này” và đánh giá tầm quan trọng của sự kiện này, không chỉ đối với quan hệ giữa hai nước mà còn có ý nghĩa lớn đối với nền chính trị thế giới.

7. Xung đột đẫm máu lại bùng phát tại dải Gaza

Ngày 8-7 vừa qua, quân đội Israel phát động chiến dịch “Bảo vệ biên giới" nhằm trả đũa các vụ bắn rocket của phong trào Hamas từ dải Gaza vào lãnh thổ nước này. Diễn biến này đã đặt dấu chấm hết cho chuỗi những ngày tạm yên ổn giữa người Israel và Palestine, đồng thời đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông lâm vào ngõ cụt.

Ngày 26-8, Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn mới do Ai Cập làm trung gian. Thỏa thuận ngừng bắn “vô thời hạn” tại dải Gaza có hiệu lực từ 16 giờ ngày 26/8 sau 50 ngày xung đột giữa lực lượng Hamas và quân đội Israel khiến hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng và khoảng 11.000 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Người dân Palestine, người dân Israel và cộng đồng quốc tế đều kỳ vọng thỏa thuận ngừng bắn trên sẽ mang lại một tương lai hòa bình lâu dài cho vùng đất Gaza vốn luôn rình rập nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, những khó khăn còn đọng lại sau khi chiến sự qua đi luôn chồng chất, người dân Palestine và cộng đồng quốc tế đang chật vật với những nỗ lực tái thiết dải Gaza với chi phí ước tính lên tới 7,8 tỷ USD. Khoản tiền tái thiết này đã trở thành một gánh nặng lớn khi mà nền kinh tế dải Gaza đang kiệt quệ và vẫn phải đối mặt với những lệnh phong tỏa, cấm vận từ Israel.

Liệu Dải Gaza có thoát khỏi bóng đen của xung đột và bạo lực nhờ thỏa thuận ngừng bắn trong dài hạn? Ảnh: AP
Liệu Dải Gaza có thoát khỏi bóng đen của xung đột và bạo lực nhờ thỏa thuận ngừng bắn trong dài hạn? Ảnh: AP

8. Người dân Scotland quyết định ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh

Sau nhiều chờ đợi, người dân Scotland đã đưa ra lựa chọn cuối cùng của mình về tương lai ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 19/9, với 84,59% cử tri hợp lệ tham gia.

Theo luật, Scotland chỉ tuyên bố độc lập nếu có 50%+1 cử tri bỏ phiếu ủng hộ quyết định này. Kết quả cuối cùng (55,3% ủng hộ phương án ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh; 44,7% số phiếu bày tỏ mong muốn độc lập) cho thấy, các cử tri Scotland đã không đi theo lựa chọn của Thủ hiến Scotland, Alex Salmond nhằm hình thành nên một đất nước mới, mà tiếp tục bày tỏ mong muốn được hưởng những “cam kết bảo đảm về an ninh” khi được chung sống trong đại gia đình Liên hiệp Vương quốc Anh.

Quyết định cuối cùng của người dân Scotland nhằm tiếp tục giữ vững truyền thống 307 năm liên tiếp thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh được cho là đã giúp Thủ tướng Anh David Cameron cởi bỏ được một “mối lo về chính trị” khi nhà lãnh đạo này đã phải đối mặt với những đe dọa kêu gọi từ chức nếu như người dân Scotland đi theo con đường độc lập.

Trong một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng ở phố Downing, ông Cameron cam kết sẽ tôn trọng những lời hứa đã đưa ra từ trước nhằm trao thêm cho người Scotland những “quyền hạn” mới trong các chính sách thuế, các khoản chi tiêu và phúc lợi xã hội. Bản kế hoạch liên quan tới những chính sách này sẽ được trở thành dự thảo luật vào tháng 1-2015.

9. Quan hệ Nga – Trung Quốc tiếp tục được củng cố

Một trong những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Nga - Trung năm qua được đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Trung Quốc vào tháng 5/2014. Đây không phải lần đầu Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc nhưng chuyến đi này đóng vai trò hết sức đặc biệt bởi trước khi lên đường, ông Putin đã từng tuyên bố: “Hợp tác Nga - Trung đã đạt tầm cao nhất trong cả lịch sử hàng thế kỷ nay” và Nga coi thiết lập quan hệ với Trung Quốc “là một ưu tiên ngoại giao vô điều kiện".

Mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2014 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 11-2014. Nhân sự kiện này, lãnh đạo hai bên đã ký kết 17 thỏa thuận bao quát nhiều lĩnh vực, với trọng tâm chính nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ria Novosti tháng 12-2014, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow không có ý định thay đổi đường lối quan hệ với Bắc Kinh vốn đáp ứng lợi ích căn bản của cả hai nước. Đây là một mối quan hệ dựa trên cơ sở cùng có lợi, trong đó không có nước lớn và nước bé, không có bên chỉ đạo và bên bị dẫn dắt.

Tuyên bố trên được ông Lavrov đưa ra chỉ ít lâu sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ việc phát triển các mối quan hệ Nga - Trung dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tin cậy và hữu nghị, không mang tính đối đầu và không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba nào.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp gỡ. Ảnh: WSJ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp gỡ. Ảnh: WSJ

10. Giá dầu thế giới giảm kỷ lục

Năm 2014 chứng kiến thời điểm giá dầu thô thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, thậm chí có lúc xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng. Sự sụt giảm liên tiếp của giá dầu trong năm qua đã để lại những tác khác nhau đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Cho dù diễn biến này không được xem là một “tin tốt lành” đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, song nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, việc giá dầu giảm là có lợi cho nền kinh tế thế giới, là yếu tố để thúc đẩy sự tăng trưởng cho các nền kinh tế, từ đó tạo sự cân bằng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về kinh tế khu vực, triển vọng tăng trưởng cho các nền kinh tế châu Á đang phát triển vẫn vững chắc và giá dầu giảm xuống mức thấp là một cơ hội "vàng" cho nhiều cải cách có lợi. ADB lưu ý giá dầu thế giới giảm là một cơ hội "vàng" cho các nhà nhập khẩu dầu lớn như Indonesia và Ấn Độ tiến hành cải cách các chương trình trợ cấp nhiên liệu tốn kém của họ, trong khi các nước xuất khẩu dầu có thể nắm bắt cơ hội để phát triển các ngành sản xuất khác của mình khi giá hàng hóa thấp có xu hướng làm cho tỷ giá hối đoái thực của họ cạnh tranh hơn.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.