Thứ Tư, 08/07/2015, 06:01 (GMT+7)
.

Hy Lạp: Vì sao cánh cửa lại mở?

"Cánh cửa đã lại mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo", Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào chiều 6-7 tại Paris.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande gặp gỡ báo chí sau cuộc họp - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande gặp gỡ báo chí sau cuộc họp - Ảnh: Reuters

Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của lãnh đạo hai nước được coi là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ châu Âu trong tìm kiếm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân Hy Lạp.

Tuy nhiên, ông Hollande cũng lưu ý, “giờ là lúc Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cần phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin và mong muốn ở lại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cần được thể hiện bởi một kế hoạch có tính dài hạn".

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, "hiện chúng tôi đang đợi những đề xuất cụ thể từ phía Thủ tướng Hy Lạp và giờ đã là thời điểm rất gấp để nhận những đề xuất này ,từ đó, chúng ta có thể tìm lối thoát cho tình hình hiện nay".

Quan điểm thống nhất của hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức sau cuộc gặp tối 6/7 sẽ là cơ sở nền tảng tại cuộc gặp thượng đỉnh lãnh đạo 19 nước Eurozone diễn ra vào tối nay, 7/7, tại Brussels.

Vì sao EU “mở lòng”

Cho đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá của các chuyên gia, tổng số tiền đầu tư mà các ngân hàng, các quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm của Đức đã chi cho các dự án ở một loạt nước trong EU đạt 800 tỷ euro. Nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone thì hệ lụy cho hệ thống ngân hàng của Đức sẽ rất lớn.

Theo Công ty chuyên về tư vấn GaveKal Dragonomics: “Nếu Hy Lạp từ chối trả 50% tổng nợ thì hệ quả là một loạt nước như Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ đi theo “lối mòn” này. Điều này cực kỳ nguy hiểm với hệ thống ngân hàng của Đức, vì số tiền tổn thất có thể lên tới 500 tỷ euro, hoàn toàn có thể làm hệ thống này sụp đổ”.

Charles Geyva - người sáng lập ra GaveKal Dragonomics cho rằng: “Nếu như thời còn chưa có đồng tiền chung euro thì việc giải quyết sẽ đơn giản hơn. Ví dụ, có thể dùng đồng franc để tái đầu tư vào nền kinh tế Pháp hoặc quy đổi từ đồng franc hay đồng tiền nào đó của nước mà Đức đã đầu tư vào để chuyển đổi sang đồng mark của Đức và thậm chí mua lại chính đối thủ cạnh tranh của mình tại quốc gia đó… Hiện nay, do chỉ có 1 đồng tiền chung là euro, chính vì thế cơ chế điều chỉnh tiền tệ trong khu vực khó khăn hơn, phải thông qua hệ thống thanh toán bù trừ của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Anton Krasko, người đứng đầu bộ phận phân tích của MFX Capital thì đánh giá rằng, việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ gây nên những thiệt hại đáng kể cho các nước ở Nam Âu, những láng giềng cận kề với quốc gia này. Cụ thể, Italy sẽ mất khoảng 6-7 tỷ euro, Tây Ban Nha mất khoảng 10 tỷ và Bồ Đào Nha mất khoảng 2-3 tỷ euro.

Ngoài ra, khu vực ngân hàng của Pháp và của một số nước ở Trung và Đông Âu cũng chịu thiệt hại không hề nhỏ. Nhạy cảm nhất với kinh tế Hy Lạp đó là quốc đảo Syprus. Hệ thống ngân hàng của nước này phụ thuộc hoàn toàn vào nền tài chính của Hy Lạp.

Hầu hết các khoản nợ mà Hy Lạp phải thanh toán đều chưa đến hạn (phải từ sau 2015) và số tiền mà Hy Lạp đang cần được trợ giúp để chi trả trong thời gian này là con số hoàn toàn nhỏ so với lượng tiền mà Quỹ bình ổn Tài chính của châu Âu đang quản lý (780 tỷ euro).

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.