Chủ Nhật, 13/12/2015, 10:12 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: "Màn dạo đầu" cho hòa bình

Trong bối cảnh phức tạp, những bước đi tích cực đầu tiên hướng đến giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria và Libya đã được ghi nhận. Ngoài ra, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama về những nỗ lực chống khủng bố cũng được dư luận quốc tế cũng quan tâm.

1, Lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu năm 2011, ngày 8-12, cuộc họp quan trọng đầu tiên của các nhóm đối lập tại Syria sau nhiều lần trì hoãn, đã được tổ chức tại Thủ đô Riyadh, A-rập Xê-út, nhằm thống nhất các phe đối lập Syria trước thềm vòng đàm phán giữa các bên trong cuộc nội chiến.

Theo thỏa thuận đạt được tại Vienna, Áo, giữa các cường quốc thế giới bao gồm Nga, Mỹ, Iran và Liên hợp quốc, các vòng đàm phán này được hy vọng sẽ diễn ra trước ngày 1-1-2016 dưới sự trung gian hòa giải của Liên hợp quốc.

Cuộc nội chiến Syria bùng phát do những căng thẳng giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ có thể sớm tìm được đích hòa bình. Ảnh: Wordpress
Cuộc nội chiến Syria bùng phát do những căng thẳng giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ có thể sớm tìm được đích hòa bình. Ảnh: Wordpress

Tuy nhiên, lộ trình chính trị đặt ra sẽ không hề dễ dàng cho Syria đang trong tình cảnh “chia năm xẻ bảy”. Việc thống nhất lập trường trong các vấn đề là rất nan giải vì phe đối lập Syria được hình thành từ nhiều phe nhóm khác nhau, trong khi sợi dây liên kết giữa các lực lượng này là rất yếu, lại bị chi phối với tham vọng lớn của các lực lượng.

Trong khi đó, hơn 2 tuần sau vụ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu của Nga tại biên giới Syria, căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi hai bên đều cáo buộc lẫn nhau gây cản trở cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

2, Cánh cửa hòa bình và ổn định đang dần hé mở với Libya khi các phe đối địch Libya đã nhất trí ấn định ngày 16-12 tới là thời điểm ký thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi năm 2011.

 Người dân Libya trong một cuộc tuần hành vì hòa bình. Ảnh: Gulf Times
Người dân Libya trong một cuộc tuần hành vì hòa bình. Ảnh: Gulf Times

Việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Libya ngày càng trở nên cấp bách, bởi đất nước này đã bị nhấn chìm trong tình trạng hỗn loạn, bạo lực và bị chia xé bởi những cuộc giao chiến giữa các dân quân có vũ trang, kể cả vũ khí hạng nặng, thuộc các phe phái khác nhau.

Có thể thấy rõ vai trò của các nước láng giềng trong tất cả vòng đàm phán về vấn đề Libya. Họ có những phát biểu mang tính xây dựng và những bước đi cụ thể giúp xây dựng một nhà nước Libya mới thống nhất, để cùng cộng đồng quốc tế chống lại IS ngày càng mạnh lên và bành trướng khắp khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

Thêm một nước hòa bình không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Libya mà còn có nghĩa là đã thu hẹp thêm nơi ẩn náu của IS.

3, Năm 2015, lần thứ hai liên tiếp nữ Thủ tướng đầy quyền lực Angela Merkel của nước Đức được tạp chí danh tiếng Time (Mỹ) bình chọn là “Nhân vật của năm”.

 Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Forbes
Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Forbes

Tham gia vào mọi điểm nóng trên thế giới, gần như một mình chèo lái cả con thuyền châu Âu vượt qua rất nhiều “sóng gió” trong thời gian qua, Thủ tướng Angela Merkel hoàn toàn xứng đứng với danh hiệu này.

Trước đó, tạp chí danh tiếng khác của Mỹ là Forbes cũng năm thứ năm liên tiếp bầu chọn bà Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

4, Singapore đã nhất trí cho phép Mỹ triển khai máy bay do thám tới quốc gia Đông Nam Á để hỗ trợ “các nỗ lực an ninh hàng hải” và giám sát các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây là bước đi tiếp nối trong các chính sách ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực gia tăng do các hành động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc.

 Một chiếc P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: Defence.dk
Một chiếc P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: Defence.dk

Sự hợp tác giữa Singapore và Mỹ lần này không nhằm trực tiếp vào Trung Quốc bởi Singapore không phải là một bên yêu sách trong những tranh chấp ở Biển Đông. Việc Singapore chào đón máy bay do thám của Mỹ chỉ là nhằm bảo vệ những lợi ích của quốc gia này trong tự do hàng hải, hải không ở Biển Đông.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Phạm Thu Hằng nêu rõ, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Mọi hành động đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực đều được hoan nghênh.

5. Sáng 7-12 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu đặc biệt gửi tới người dân về những nỗ lực chống khủng bố, chỉ diễn ra vài ngày sau vụ xả súng đẫm máu ở bang California.

Việc bài phát biểu được phát đi từ căn phòng đặc biệt - Phòng Bầu Dục và vào khung giờ vàng của nước Mỹ đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của vấn nạn xả súng cũng như chiến dịch chống khủng bố trong và ngoài nước đối với Washington vào thời điểm này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu đặc biệt gửi tới người dân về những nỗ lực chống khủng bố. Ảnh: VNA
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu đặc biệt gửi tới người dân về những nỗ lực chống khủng bố. Ảnh: VNA

Vụ xả súng tại California đã trở thành dẫn chứng hùng hồn nhất trong toàn bộ bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama và cũng trở thành nhân tố thúc đẩy nỗ lực cao hơn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bài phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng được cho là để trấn an người dân Mỹ giữa lúc nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu cùng những quan ngại về việc ông không có một kế hoạch cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng.

6. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 10-12 đã đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước này sở hữu bom nhiệt hạch.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một chuyến thị sát: Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một chuyến thị sát: Ảnh: KCNA

Hiện các chuyên gia nước ngoài vẫn chưa xác nhận việc Triều Tiên có thể nghiên cứu chế tạo thành công loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nói trên.

Dù chưa có nguồn tin hay cơ sở nào để khẳng định, tuy nhiên đây là lần thứ 5 trong mấy năm gần đây Bình Nhưỡng tuyên bố các vũ khí liên quan tới hạt nhân sau vụ thử bom nguyên tử năm 2013.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.