Chủ Nhật, 06/12/2015, 06:36 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Những bất đồng chưa được giải quyết

“Quả bom nổ chậm” biến đổi khí hậu đang có nguy cơ phát nổ bất kỳ lúc nào khi đã qua hai thập kỷ đàm phán, kể từ khi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thông qua vào năm 1992, các quốc gia vẫn chưa giải quyết được bất đồng sâu sắc về tài chính để tiến tới thỏa thuận mang tính ràng buộc hơn.

1. Ngày 30-11, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã chính thức khai mạc tại Pháp với sự tham dự của 150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đến từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

 Việc sử dụng các nguồn năng lượng như than đá làm cho Trái Đất nóng thêm. Ảnh: Getty
Việc sử dụng các nguồn năng lượng như than đá làm cho Trái Đất nóng thêm. Ảnh: Getty

Trong hai tuần đàm phán tại Paris, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải thương lượng để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; xây dựng một hiệp ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giữ nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 tăng không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các vấn đề nổi cộm nhất trong hội nghị lần này vẫn là việc phân chia trách nhiệm cắt giảm lượng khí thải nhà kính giữa các quốc gia và hỗ trợ các quốc gia dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Đây là những tồn tại gây cản trở suốt 25 năm qua kể từ khi Liên hợp quốc tổ chức các hội nghị nhằm đi tìm giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Hiện tại vẫn còn 1.400 điểm bất đồng trong Dự thảo kỹ thuật.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, hàng chục nghìn người tại nhiều nước trên toàn thế giới đã xuống đường biểu tình đòi các nhà lãnh đạo thế giới phải có quyết tâm chính trị và thực hiện những biện pháp mạnh mẽ chống hiện tượng biến đổi khí hậu.

2. Philippines ngày 30-11 đã kết thúc một tuần tranh tụng trong vụ nước này kiện Trung Quốc liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Hay, Hà Lan - phiên tòa mà Bắc Kinh không tham dự.

Tại tòa, Philippines đã trình bày toàn bộ những luận điểm ủng hộ mục đích chính trong vụ kiện rằng, đường 9 đoạn của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Abigail Valte.
Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Abigail Valte.

“Chúng tôi đã có một vụ kiện có lợi và chúng tôi hy vọng rằng, sau phiên tòa này chúng tôi sẽ có thể nhận được một quyết định từ tòa án trong khoảng 6 tháng tới"- Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết.

Cũng về vấn đề Biển Đông, ngày 1-12, tại Canberra (Australia) đã diễn ra hội thảo với chủ đề: “Cộng đồng quốc tế và cân bằng chiến lược ở Biển Đông”. Hội thảo do Đại sứ quán Nhật Bản và Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) phối hợp tổ chức.

Tại cuộc hội thảo, các diễn giả nhất trí cho rằng, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ những hoạt động tôn tạo đảo, đá trái phép.

3. Cuộc “chiến tranh thương mại” Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu khi ngày 1-12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký quyết định thông qua một loạt biện pháp cụ thể nhằm thực hiện sắc lệnh trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Nguồn: AP
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Nguồn: AP

Những động thái này là bước đi đầu tiên và Nga sẽ hạn chế hoạt động các công ty vận tải cũng như siết chặt kiểm soát các hợp đồng xây dựng với công ty Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Nga. Ngoài ra, Nga ban hành các lệnh cấm và hạn chế đối với các hàng hóa, thực phẩm, công trình, dịch vụ do các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cũng như các biện pháp khác.

Trong một động thái mới nhất, ngày 3-12, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này đã ngừng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Nam Âu mang tên "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

Đây được xem là phản ứng của Nga nhằm đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga tại Syria. Hiện tại hai bên vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Nga tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ phải hối tiếc hơn”, Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ “không chịu quỳ gối”.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Ngoại trưởng hai nước đã có cuộc gặp gỡ, nhưng không đạt được bước đột phá nào.

Tháng 12-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo kế hoạch xây dựng dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", sau khi Nga hủy bỏ dự án "Dòng chảy phương Nam" dự kiến sẽ đưa khí đốt của Nga đến Nam Âu và Bulgaria, với cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) gây khó khăn cho quá trình triển khai dự án này. Hệ thống đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" dẫn khí đốt từ miền Nam nước Nga đến miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen gồm 4 đường ống. Dự án trị giá 22 tỷ USD này nhằm mục đích cung cấp khi đốt của Nga cho châu Âu mà không cần đi qua Ukraine, quốc gia đang chìm sâu vào khủng hoảng trong thời gian gần đây.

4. Xả súng kinh hoàng lại xảy ra tại Mỹ. Ít nhất 14 người đã thiệt mạng và 17 người khác bị thương trong một vụ xả súng ngày 3-12, tại thành phố San Bernardino, thuộc tiểu bang California, Mỹ.

Cảnh sát Mỹ phong tỏa hiện trường vụ thảm sát. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Mỹ phong tỏa hiện trường vụ thảm sát. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Mỹ đã xác định được danh tính và tiêu diệt hai nghi can sau nhiều giờ truy đuổi. Động cơ xả súng đang được cảnh sát tiếp tục điều tra. Theo đại diện Cơ quan an ninh Mỹ FBI không loại trừ vụ xả súng là do khủng bố tiến hành.

Sau vụ xả súng, Tổng thống Barack Obama ngay lập tức lên truyền hình thúc giục Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật Kiểm soát súng đạn. Theo thống kê, cứ 3 hộ gia đình tại Mỹ, có một hộ sở hữu vũ khí. Vụ xả súng vừa qua tại San Bernardino là vụ thứ 353 trong 336 ngày từ đầu năm 2015 tại Mỹ.

5. Ngày 3-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc bản Thông điệp liên bang hằng năm nhằm đánh giá tình hình đất nước và định hướng chính sách đối nội, đối ngoại trong thời gian tới. Đây là bản thông điệp liên bang thứ 22 trong lịch sử nước Nga hiện đại và là thông điệp thứ 12 của Tổng thống Putin.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Putin nêu rõ việc quân đội Nga chiến đấu tại Syria là nhằm bảo vệ an ninh của nước Nga, đồng thời khẳng định các quốc gia trên thế giới không được phép áp dụng tiêu chuẩn kép về vấn đề khủng bố và không được sử dụng các nhóm khủng bố để phục vụ lợi ích riêng. Ông tuyên bố, Nga sẽ không tha thứ cho việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga tại biên giới Syria và chính quyền Ankara sẽ phải hối tiếc về hành động này.

Ông Putin cho rằng, một nước đơn độc sẽ không thể chiến thắng khủng bố quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh biên giới giữa các nước gần như được mở và thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng di cư mới.  

Trong thông điệp, Tổng thống Nga cũng nhắc tới việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam thông qua việc thành lập hành lang mậu dịch giữa hai nước.

6. Hiện thế giới vẫn có 21 triệu người đang sống trong cảnh nô lệ, phần lớn đều phải đối mặt với nhiều hiểm nguy và các quốc gia cần phải nỗ lực hết sức để chấm dứt tình trạng tồi tệ này.

Đây là tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra tại buổi họp báo nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ nô lệ 2-12.  Ông Ban Ki-moon cho biết, nô lệ thời hiện đại tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trẻ em bị cưỡng ép làm các công việc phục vụ, nông dân tại các trang trại và công nhân tại các nhà máy bị bóc lột sức lao động, cho tới các lao động phải làm việc không lương để trả nợ, hay các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục.

Lao động trẻ em tại một nhà máy đóng gạch ở Kabul, Afghanistan. Ảnh minh họa: THX
Lao động trẻ em tại một nhà máy đóng gạch ở Kabul, Afghanistan. Ảnh minh họa: THX

Ông Ban Ki-moon cũng hối thúc các nước thành viên, các doanh nghiệp, các quỹ tư nhân cũng như những nhà hảo tâm khác thể hiện quyết tâm chấm dứt nạn nô lệ thông qua việc đóng góp, bảo đảm Quỹ tình nguyện Liên hợp quốc về các dạng thức nô lệ hiện đại có đủ nguồn lực cho các công tác trên.

Ngày Quốc tế xóa bỏ nô lệ đánh dấu ngày 2-12-1949 khi Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước Liên hợp quốc về tiêu diệt nạn buôn người và mại dâm.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.