Chủ Nhật, 20/12/2015, 06:35 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Những dấu hiệu tích cực

Thế giới tuần qua đã chứng kiến khá nhiều cuộc chuyển mình. Tiến trình hòa bình tại Syria được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua; các phe phái đối địch ở Libya ký thỏa thuận hòa bình; Saudi Arabia thành lập liên minh quốc tế mới chống khủng bố… hiệu quả của những đổi thay này còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm, nhưng đã góp phần khép lại những bất đồng dai dẳng và mang lại tia hy vọng mới cho người dân tại nhiều nước về một tương lai hòa bình, ổn định và phát triển.

1. Cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hứa hẹn nhiều thay đổi khi ngày 15-12, Saudi Arabia thông báo thành lập Liên minh quân sự mới chống chủ nghĩa khủng bố.

Pháo binh Saudi Arabia pháo kích vào một vị trí của phiến quân ở Yemen. Ảnh:Reuters
Pháo binh Saudi Arabia pháo kích vào một vị trí của phiến quân ở Yemen. Ảnh:Reuters

Liên minh này do Saudi Arabia dẫn đầu, với sự tham gia của 34 quốc gia Hồi giáo, trung tâm tác chiến chung đặt tại Riyadh để điều phối và hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Trong số 34 quốc gia tham gia Liên minh có các nước Arab như Ai Cập, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, cùng các nước Arab vùng Vịnh và châu Phi. Iran - quốc gia Hồi giáo theo dòng Shiite đối địch với Saudi Arabia theo dòng Sunni - không tham gia liên minh này. Indonesia và Pakistan cũng chưa quyết định tham gia Liên minh.

Liên minh này được thành lập với tham vọng bảo vệ quốc gia Hồi giáo khỏi các tổ chức và các nhóm khủng bố thuộc bất cứ tôn giáo nào và dưới bất cứ tên gọi nào gây chết chóc và lũng đoạn với mục đích khủng bố người vô tội.

Hiện Saudi Arabia đang dẫn đầu một liên minh khu vực chống phiến quân Hồi giáo dòng Shiite tại Yemen, đồng thời tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích chống IS tại Iraq và Syria.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17-12, Bộ trưởng Tài chính 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết ngăn chặn nguồn thu của IS.

2. Syria đang đứng trước hy vọng về một giải pháp chính trị kết thúc cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua, khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18-12 thông qua nghị quyết về tiến trình hòa bình tại quốc gia này. Dự thảo Nghị quyết do Mỹ đề xuất.

Binh sĩ quân đội chính phủ Syria. Ảnh: Sputnik
Binh sĩ quân đội chính phủ Syria. Ảnh: Sputnik

Nghị quyết nhất trí với kế hoạch đã được Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) thông qua giữa tháng 11-2015 trong cuộc gặp lần 2, theo đó thực thi ngừng bắn và khởi động các cuộc đối thoại chính trị do LHQ làm trung gian từ tháng 1-2016, tạo môi trường thuận lợi cho bầu cử, chuyển giao chính trị trong vòng 18 tháng. Nghị quyết yêu cầu tất cả các bên liên quan tại Syria ngừng các vụ tấn công vào các mục tiêu dân sự và dân thường, kêu gọi các bên tạo hành lang tiếp cận nhân đạo.

Ba vấn đề chính nhằm quốc tế hóa các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria bao gồm: xác nhận Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) gồm 17 thành viên là thể chế chính để giải quyết các vấn đề liên quan tới tiến trình hòa bình tại Syria; nhất trí với kế hoạch hòa bình mà ISSG đã thông qua; LHQ giữ vai trò lãnh đạo trong việc hợp tác với chính quyền hiện tại và phe đối lập ở Syria để đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và dự thảo hiến pháp.

3. "Bước đi đầu tiên" hướng tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya đã được thực hiện khi ngày 17-12, tại Skhirat (Maroc), các phe phái đối địch ở nước này đã ký thỏa thuận hòa bình do LHQ bảo trợ nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.   

Khung cảnh hoang tàn do nội chiến kéo dài tại Libya.  Ảnh Telegraph
Khung cảnh hoang tàn do nội chiến kéo dài tại Libya. Ảnh Telegraph

Theo thỏa thuận trên, một hội đồng tổng thống gồm 9 thành viên sẽ lập ra một chính phủ mới và Hạ viện hiện được quốc tế công nhận sẽ là cơ quan lập pháp chính và Hội đồng Nhà nước sẽ là cơ quan tham vấn thứ 2. Hội đồng tổng thống sẽ công bố thành phần chính phủ mới trong vòng một tháng và Hội đồng Bảo an LHQ sẽ đưa ra một nghị quyết về việc này.

Từ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011,  Libya rơi vào tình trạng có 2 chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Từ tháng 9 năm ngoái, LHQ đã làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí.

Trước đó, ngày 13-12, đại diện các nước và tổ chức tham gia hội nghị quốc tế về Libya tại Rome (Italy) đã ký thông cáo chung kêu gọi các bên giao tranh tại Libya ngừng bắn để mở đường cho một thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.   

4. Ngày 14-12, Toà án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) tại Campuchia đã quyết định kết tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với Meas Muth, một cựu quan chức Khmer Đỏ.

Meas Muth, 78 tuổi, là cựu chỉ huy Lữ đoàn 64 hải quân tại Sihanoukvill và Kampot giai đoạn năm 1975-1979, còn bị ECCC kết tội vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva 1949 và vi phạm luật hình sự Campuchia năm 1956 về tội giết người có chủ đích. Meas Muth đã gây tội ác tại các nhà tù Tuong Sleng ở Phnom Penh, nhà tù Enta Nhien tại Kampong Som và tại các địa điểm xung quanh Kampot, Sihanoukvill.

 Meas Muth tại nhà riêng ở tỉnh Battambang, Campuchia. Nguồn: phnompenhpost.com.
Meas Muth tại nhà riêng ở tỉnh Battambang, Campuchia. Nguồn: phnompenhpost

Năm 2015, ECCC đã điều tra và buộc tội 5 cựu quan chức Khmer Đỏ, bao gồm Xu Meng, Ao An, Yim Tith, Meas Muth và Im Chaem về những tội ác chống lại loài người hay vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền.

Hiện ECCC đang tiến hành các phiên điều trần, kiểm tra chứng cứ hồ sơ nhằm vào Khieu Samphan và Noun Chea về những tội ác gây ra đối với các nạn nhân cộng đồng người Việt Nam và người Chăm dưới thời Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia.  

5. Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) ngày 15-12 đã công bố báo cáo thường niên cho thấy số các nhà báo bị bắt cóc trong năm 2015 đã gia tăng đột biến.

Một nhà báo Tây Ban Nha bị mất tích tại Syria tháng 7-2015. Ảnh: Guardian
Một nhà báo Tây Ban Nha bị mất tích tại Syria tháng 7-2015. Ảnh: Guardian

Theo đó, trong năm 2015, có tới 54 nhà báo bị bắt làm con tin, tăng 35% so với năm ngoái. Syria là quốc gia có số lượng lớn nhất các nhà báo rơi vào tay các đối tượng có quan điểm cực đoan hoặc các tổ chức tội phạm, với 26 người. Chỉ riêng IS  đã bắt cóc tới 18 phóng viên, chủ yếu tại Syria và Iraq.

RSF khẳng định vấn nạn bắt cóc các nhà báo đang ngày càng gia tăng tại các khu vực xung đột, đồng thời bày tỏ lo ngại Yemen là quốc gia mới nhất xuất hiện hiện tượng này, với việc xảy ra 33 vụ bắt cóc trong năm nay do phiến quân Houthi và tổ chức khủng bố Al-Qaeda tiến hành.

Cũng theo RSF, Libya là quốc gia có số lượng lớn nhất các nhà báo được thông báo mất tích trong năm nay, với 8 người.

6. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết khoảng 180.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm, tương đương 500 trẻ mỗi ngày, tại khu vực miền Nam sa mạc Sahara châu Phi do các bệnh tiêu chảy liên quan đến thiếu nước và vệ sinh môi trường. Tình trạng này đang gây tổn thất kinh tế lớn lao cho châu Phi. Không một quốc gia nào ở Tây và Trung Phi có điều kiện cung cấp nước sạch cho toàn bộ người dân.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Hiện gần một nửa dân số thế giới không được tiếp cận với nguồn nước sạch nằm ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara châu Phi và khoảng 700 triệu người trong khu vực này sống trong điều kiện thiếu vệ sinh. Trong khi số dân khu vực này đã tăng gần gấp đôi trong 25 năm qua, thì điều kiện vệ sinh chỉ tăng 6% và nước sạch chỉ tăng 20%.

LHQ ước tính những thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiếu nước và vệ sinh môi trường lên đến 260 tỷ USD mỗi năm, trong đó khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, khu vực Tây và Trung Phi cũng trong hoàn cảnh tương tự.

7. Sau rất nhiều lần trì hoãn, ngày 16-12, lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức công bố quyết định tăng 0,25% lãi suất cơ bản, từ 0%-0,25% lên 0,25%-0,5%.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington DC.  Ảnh: Reuters
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington DC. Ảnh: Reuters

Ngay sau tuyên bố của FED, hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng nhẹ. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones tăng 136 điểm, chỉ số S&P 500 và Nasdaq thậm chí tăng tới 1%.

Bên ngoài nước Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu cũng đậm sắc xanh; vàng tiếp tục vững giá; nhưng thị trường dầu mỏ phần nào chịu tác động tiêu cực trong bối cảnh thời gian qua tình trạng dôi dư nguồn cung trên toàn cầu.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.