Thế giới tuần qua: Những nấc thang căng thẳng
Căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á và Trung Đông tiếp tục leo thang sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch và mối quan hệ ngoại giao giữa Iran và A-rập Xê-út đang ngày càng rạn nứt…
1. CHDCND Triều Tiên ngày 6-1 đã tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch mà họ chế tạo. Nếu được xác nhận, đây sẽ là thông tin gây sốc cho những bên quan ngại về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin trên truyền hình về dư chấn 5,1 độ Richter gần khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, mà Bình Nhưỡng tuyên bố đó là vụ thử bom nhiệt hạch. Ảnh: abc7news.com |
Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ sự việc trên như một “hành động khiêu khích nguy hiểm” đối với hòa bình và an ninh khu vực, là một “thách thức nguy hiểm” đối với các nỗ lực giải giáp vũ khí hạt nhân và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, các nước đều cho rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ Triều Tiên đã có thể chế tạo và thử thành công bom nhiệt hạch, thế nên tuyên bố của Bình Nhưỡng chỉ là "nói suông".
Bên cạnh những hoài nghi, hiện nay cũng tồn tại nhiều lo ngại đến từ các nước, đòi phải trừng phạt Triều Tiên. Mặc dù vậy, vụ thử nghiệm cho thấy các lệnh trừng phạt, vốn được áp dụng đối với Triều Tiên nhiều năm qua, không có ảnh hưởng gì đối với nước này, dù có làm tổn thương Bình Nhưỡng về mặt kinh tế ở một mức độ nào đó. Vì thế, việc gia tăng các lệnh trừng phạt nhiều khả năng không mang lại kết quả như mong muốn.
Hàn Quốc đâ nối lại các buổi phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên dọc biên giới hai miền. Không lâu sau đó, Triều Tiên cũng đáp trả bằng hành động tương tự. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn chẳng mấy lúc êm thấm lại càng trở nên phức tạp hơn.
2. Cuộc đối đầu giữa A-rập Xê-út và Iran đang có nguy cơ lan rộng và ngày càng phức tạp khi có thêm nhiều quốc gia bị lôi kéo tham dự, đe dọa tới an ninh và sự ổn định ở khu vực Trung Đông cùng nhiều hệ lụy khác.
Đám đông người biểu tình đã ném bom xăng vào đại sứ quán A-rập Xê-út trong đêm 2-1, sau khi Riyadh hành quyết 47 tù nhân, trong đó có một giáo sĩ Shiite Sheikh Nimr al-Nimr. Ảnh: EPA |
Căng thẳng giữa Iran, quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi dòng Shiite và A-rập Xê-út, quốc gia có đông dân cư theo dòng Hồi giáo Sunni, leo thang sau khi Riyadh xử tử 47 người với tội danh khủng bố, trong đó có giáo sĩ dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr.
Không những thế, mối quan hệ giữa hai dòng Shiite và Sunni cũng lâm vào tình trạng hỗn loạn. Nhiều nước trong khu vực cũng "tiếp bước" A-rập Xê-út áp dụng các biện pháp trả đũa ngoại giao nhằm vào Iran khiến không chỉ ảnh hưởng tới an ninh khu vực mà còn khoét sâu thêm mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo ở “chảo lửa” Trung Đông.
Tất cả những bất đồng, chia rẽ và mâu thuẫn bấy lâu nay giữa Tehran và các quốc gia khác ở Trung Đông lại có dịp trỗi dậy. Năm 2016 có thể sẽ chứng kiến nhiều biến động phức tạp tại khu vực này.
3. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6-1 đã quyết định đơn phương giải quyết vấn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội Mỹ-an ninh súng đạn, bằng cách sử dụng quyền hành pháp của Tổng thống để đưa ra một loạt quy định kiểm soát súng đạn, mà không thông qua Quốc hội.
Tổng thống B. Obama trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp tại Nhà Trắng. |
Theo đó, Cục quản lý Rượu, Thuốc lá và Vũ khí Mỹ (ATF) sẽ yêu cầu người bán súng tại cửa hàng, triển lãm súng đạn hoặc qua Internet phải có giấy phép kinh doanh. ATF cũng hoàn thiện quy định kiểm tra lý lịch đối với người muốn mua vũ khí nguy hiểm.
Tổng thống Obama so sánh việc kiểm soát súng đạn giống như cách Mỹ từng thực hiện để hạn chế thương vong do tai nạn giao thông hay dùng vân tay để mở khóa máy tính bảng.
Hiện ở nước Mỹ có tới hơn 300 triệu khẩu súng đang lưu hành, nhiều hơn cả dân số Mỹ, và khoảng 30.000 người Mỹ thiệt mạng mỗi năm vì súng đạn. Những số liệu trên phản ánh một thực tế đáng lo ngại khi ngày càng xuất hiện nhiều phần tử cực đoan ngay trong lòng nước Mỹ, trong khi nhà chức trách vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề kiểm soát súng đạn-căn nguyên của các vụ xả súng bừa bãi nhằm vào người vô tội.
4. Dư luận thế giới cũng bày tỏ quan ngại khi chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, Trung Quốc hai lần (ngày 2 và 6-1) đưa máy bay ra đường băng trái phép ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đưa máy bay trái phép ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: news.cn |
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ “hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa”, và “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự”.
Đồng quan điểm này, Philippines, Mỹ, Nhật Bản… bày tỏ lo ngại về động thái mới nhất của Bắc Kinh trên Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và dấy lên quan ngại rằng Bắc Kinh có thể áp đặt kiểm soát quân sự ở khu vực này.
5. Nhiều hoạt động diễn ra ở thủ đô Paris, như đặt nến, hoa và trồng cây để tưởng niệm 1 năm vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn Charlie Hebdo.
Hoa và quốc kỳ tưởng niệm các nạn nhân ở quảng trường Place de la Republique trong những ngày qua. Ảnh: theintercept.com |
Vụ tấn công này được coi là vụ 11-9 ở Pháp, đánh dấu khởi đầu một chuỗi các cuộc tấn công tại nước này sau đó, đặc biệt là vụ khủng bố ở Paris khiến 130 người thiệt mạng ngày 13-11-2015.
Các vụ thảm sát trong năm 2015 đã để lại nỗi đau nhức nhối đối với gia đình các nạn nhân và những ký ức kinh hoàng đối với người dân Pháp, đồng thời cũng cho thấy những lỗ hổng an ninh của Pháp.
6. Những ngày đầu năm 2016, châu Âu vẫn chưa tìm được sự đồng thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn đang làm đau đầu nhiều quốc gia ở địa lục già.
Người di cư vượt qua hàng rào dây thép gai gần Roszke, Hungaria, giáp giới Serbia. |
Theo số liệu mới công bố của Tổ chức di cư quốc tế (IOM), số lượng người tị nạn, di cư do xung đột, chiến tranh, nghèo đói ở khắp nơi trên thế giới đến ngày 31-12-2015 đã vượt xa con số 60 triệu người.
Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể trong năm ngoái khi châu Âu tổ chức cứu hộ tốt hơn trên biển Địa Trung Hải và đón nhận hàng trăm nghìn người di cư khốn khổ. Song các nước phải làm nhiều công việc hơn để quản lý và kiểm soát tốt hơn cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất từ trước tới nay, từ đó duy trì những giải pháp bền vững cho vấn đề này.
(Theo qdnd.vn)