Thế giới tuần qua: Tương lai và hy vọng
Tạm gác lại ngổn ngang những công việc phải làm, từ cuộc chiến chống khủng bố; kinh tế tăng trưởng chậm; sự bất ổn ở Trung Đông và châu Phi hay sự đối đầu giữa Nga và phương Tây… người dân trên toàn thế giới đã hân hoan chào đón năm mới 2016 với hy vọng về một tương lai tốt đẹp và an bình hơn…
1. Người dân trên thế giới đón chào năm mới 2016 theo những múi giờ khác nhau, những màn pháo hoa rực rỡ cùng các hoạt động đón mừng năm mới diễn ra khắp nơi. Trong niềm vui hân hoan đó, an ninh đã được thắt chặt tại nhiều nước trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố đang tăng cao.
Màn pháo hoa rực rỡ đón năm mới tại Sydney, Australia. Ảnh: REUTERS/Jason Reed |
Năm nay, Samoa, quốc đảo Thái Bình Dương tiếp tục trở thành nơi đón tia nắng bình minh sớm nhất thế giới (vào lúc 17 giờ chiều 31-12, giờ Việt Nam) sau khi nước này chuyển từ múi giờ phía Tây năm 2011, sau hơn 100 năm nằm ở múi giờ phía Đông. Nhờ vậy, người dân đảo Samoa, có hai quần đảo cách nhau khoảng 160km, có thể được đón năm mới hai lần trong năm. Theo truyền thống, người Samoa đón năm mới bằng những điệu múa cổ truyền, ẩm thực đặc biệt, trao quà cho nhau và bắn pháo hoa.
Sau Samoa, New Zealand, Australia và khu vực Đông Á là những quốc gia tiếp theo chào đón năm mới trong tiếng pháo hoa rộn ràng.
Tại Nga, ngoài pháo hoa, cây thông và những trò chơi, lễ hội là những thứ không thể thiếu trong thời khắc đón chào năm mới. Mọi góc phố, con đường ở thủ đô Moscow được thắp đèn rực rỡ để phục vụ gần 12 triệu cư dân thành phố và hơn 10 triệu du khách đang có mặt tại đây.
Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, người dân chào đón năm mới trong điều kiện an ninh được tăng cường. Pháp và Bỉ không tổ chức bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa do lo ngại khủng bố.
Tại khu vực nam Mỹ, hơn 2 triệu người đã đổ về bãi biển Copacabana nổi tiếng ở Rio de Janeiro, Brazil để ăn mừng năm mới.
Philippines đón năm mới khi 1000 căn nhà ở thủ đô Manila bị thiêu trụi do đốt pháo.
2. Theo số liệu công bố ngày 30-12 của Cục Thống kê dân số Mỹ, đúng vào ngày đầu tiên của năm mới 2016, dân số thế giới ước đoán sẽ lên tới 7.295.889.256 người, tăng 77.918.825 người so với ngày đầu tiên của năm 2015.
Hiện Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia và Brazil lần lượt là những quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: theguardian.com |
Cũng từ ngày 1-1-2016, Trung Quốc bắt đầu thực hiện Luật kế hoạch hóa gia đình sửa đổi, theo đó cho phép mỗi cặp vợ chồng nước này được sinh hai con nhằm thúc đẩy phát triển cân bằng dân số quốc gia.
Chính sách một con trước đây của Trung Quốc đã giúp ngăn dân số nước này tăng thêm 400 triệu người và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm sức ép lên nguồn tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, chính sách này cũng kéo theo một số vấn đề xã hội, chủ yếu là sự giảm sút lực lượng lao động và tình trạng dân số già hóa.
3. Cuộc chiến thương mại Nga – Ukraine đang căng như dây đàn khi ngày 30-12-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật về việc tạm ngừng thực hiện Hiệp định thương mại tự do với Ukraine từ ngày 1-1-2016.
Theo đó, Nga sẽ tạm ngừng thực hiện quy chế thương mại ưu đãi với Ukraine để ngăn chặn nguy cơ đối với an ninh kinh tế của Nga sau khi thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu có hiệu lực.
Bộ Tài chính Nga bắt đầu các thủ tục khởi kiện Ukraine đối với khoản vay hơn 3 tỷ USD. Ảnh AP |
Đạo luật nhấn mạnh, Ukraine thực tế đã từ bỏ việc phát triển hợp tác kinh tế thương mại trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và chọn con đường liên kết toàn diện với EU. Các cam kết của Ukraine về liên kết với EU trái ngược với các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do với Nga.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yasenyuk tuyên bố, Ukraine sẽ có hành động đáp trả tương ứng.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính Nga bắt đầu các thủ tục khởi kiện Ukraine do Kiev không trả khoản vay 3 tỷ USD mà nước này nợ Nga. Việc này khiến quan hệ hai nước vốn có nhiều duyên nợ ngày càng trở nên sóng gió hơn. Đồng thời khiến Ukraine “đã khó càng khó hơn” trong bối cảnh miền Đông nước này vẫn chưa im tiếng súng, mặc dù Thỏa thuận Minsk 2 được “Bộ tứ Normandy” (gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nga) cùng Ukraine thông qua có hiệu lực ngày 15-2 và việc tuyên bố “vỡ nợ” đối với khoản vay này cũng đồng nghĩa với việc các chủ nợ quốc tế, trong đó có IMF rất khó có thể tiếp tục cung cấp gói cứu trợ tài chính cho Ukraine và sẽ khiến nền kinh tế nước này suy sụp.
4. Một tin vui cho khu vực Đông Bắc Á khi ngày 28-12, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui"
Theo đó, phía Nhật Bản đồng ý nhận trách nhiệm về vấn đề phụ nữ bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và cam kết đóng góp 1 tỷ yên để hỗ trợ các nạn nhân. Phía Hàn Quốc cam kết chấm dứt cuộc tranh cãi này nếu phía Nhật Bản hoàn tất các trách nhiệm của mình.
Bức tượng đồng biểu tượng cho “phụ nữ mua vui” đặt trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul. Ảnh: japantimes.co.jp |
Ước tính có hơn 200.000 phụ nữ, phần đông là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản thời Chiến tranh Thế giới II. Việc giải quyết vấn đề này đang trở nên cấp bách do nhiều nạn nhân đã qua đời.
Giới chức và dư luận hai nước đều bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận này. Phía Trung Quốc thận trọng khi hoan nghênh thỏa thuận trên. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản ngày 30-12 cho biết, việc triển khai thực hiện kế hoạch này còn phụ thuộc vào việc dỡ bỏ bức tượng một cô gái biểu tượng cho vấn đề "phụ nữ mua vui" bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
5. Lịch sử Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á đã bước sang một trang mới khi ngày 31-12, Cộng đồng ASEAN chính chức được thành lập, mở ra cơ hội để các dân tộc ở Đông Nam Á cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển.
Cộng đồng ASEAN sẽ là một tổ chức hợp tác liên chính phủ ở mức sâu rộng và nhiều ràng buộc hơn. Ảnh minh họa |
Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng phát triển trên cả ba trụ cột gồm chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Ba trụ cột này được thể hiện bằng ba chữ P: Hòa bình (Peace), Thịnh vượng (Prosperity) và Con người (People).
Trong đó, cộng đồng chính trị - an ninh đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp đảm bảo cho khu vực một môi trường hòa bình, ổn định, không có chiến tranh để tập trung phát triển kinh tế.
Với đặc trưng là nền kinh tế trẻ và năng động nhất thế giới, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung, khuyến khích chuyển dịch lao động, vốn và thương mại.
Về văn hóa - xã hội, Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm. Trong quá trình hội nhập, các nước thành viên sẽ nỗ lực đồng bộ hóa chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, xác định hệ thống tiêu chuẩn hành nghề, tăng cường sự kết nối về cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc. Người dân ASEAN sẽ được sống trong môi trường chính sách lành mạnh, kinh tế năng động, tự do và văn hóa - xã hội tiến bộ.
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ ở mức sâu rộng và nhiều ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.
6. Trước thềm năm mới 2016, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với thời tiết cực đoan.
Tại Mỹ, sau đợt bão lớn và lốc xoáy bất thường, các bang Đông Nam nước này tiếp tục đương đầu với đợt lũ lịch sử cướp đi sinh mạng của ít nhất 24 người, đồng thời nhấn chìm nhiều thị trấn.
Đường phố tại Alabama (Mỹ) chìm trong biển nước. Ảnh Reuters |
Bão Frank đã khiến giới chức Scotland phải ban bố báo động đỏ tại một số khu vực, gây cản trở giao thông trên khắp Scotland và gây mất điện cho hơn 5.500 hộ gia đình. Nhiều chuyến bay cũng bị ảnh hưởng do mưa bão. Mưa lớn cũng gây ra lũ lụt tại nhiều nơi ở phía Bắc vùng England của Anh khiến hàng trăm người phải đi sơ tán.
Trong khi đó, Colombia đã ban bố cảnh báo đỏ tại 23 tỉnh do mực nước quá thấp ở hai con sông lớn Magdalena và Cauca, cung cấp nước cho hàng trăm thành phố và thị trấn. Tình trạng hạn hán đang ảnh hưởng đến gần một nửa diện tích canh tác cà phê của Colombia.
Mexico cũng đã phải hứng chịu trận bão tuyết dữ dội nhất trong hơn 50 năm qua. Tuyết rơi đã phủ kín 32 thị trấn của bang Chihuahua, một số nơi tuyết rơi dày tới 30 cm và nhiệt độ hạ xuống -18 độ C. Tình trạng tương tực cũng đang xảy ra ở nhiều thành phố ở Canada.
Tại khu vực Nam Mỹ, người dân các nước Paraguay, Uruguay, Brazil và Argentina cũng đang phải vật lộn với lở đất và mưa lũ.
(Theo qdnd.vn)