Lào mong muốn làm hết sức để cứu hạn ở hạ lưu sông Mekong
Sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào về việc xả nước nhằm ứng cứu tình trạng khô hạn phía hạ nguồn sông Mekong, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, từ ngày 23/3 vừa qua, Nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1, một trong 4 đập thủy điện của Lào đã tiến hành xả nước cứu hạn.
Đập thủy điện Nậm Ngừm. Nguồn: Báo ảnh Việt Nam |
Theo kế hoạch, trong năm nay, Nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1 của Lào có 12 tháng xả nước trung bình từ trên 260 m3/giây đến trên 392 m3/giây. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách của việc cứu hạn phía hạ nguồn sông Mekong; trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, Nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1 được lệnh tăng lượng xả từ 392,44 m3/giây lên 400,54 m3/giây và dự kiến trong khoảng hai tháng tới mức xả sẽ đạt khoảng 460 m3/giây.
Nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1 là một trong 4 nhà máy thủy điện của Lào đã tiến hành xả nước từ ngày 23/3 vừa qua, cùng với các nhà máy thủy điện Nặm U, Nặm Khan và NặmThơn, tổng mức xả của 4 đập thủy điện là 1.136 m3/giây.
Giám đốc Nhà máy thủy điện Nặm Ngừm 1 Buavanh Chansavath cho biết hiện nhà máy đang ở chế độ vận hành suốt 24/24 để xả nước xuống hạ nguồn sông Mekong.
Ông nêu rõ: "Thông thường sau mỗi đợt xả khoảng một tháng chúng tôi lại ngừng xả để bảo dưỡng máy móc, tuy nhiên do yêu cầu cứu hạn cấp bách nên nhà máy có kế hoạch xả 24/24 và sẽ kéo dài đến hết ngày 30/5 tới."
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào Khammany Inthirath nói: "Ngày 21/3, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào về việc nghiên cứu kế hoạch xả nước nhằm chống hạn phía hạ nguồn sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, Lào đã có kế hoạch xả nước tại 4 đập thủy điện với tổng lượng nước xả là 1.136 m3/giây, nhằm góp phần vào việc cứu hạn hiện nay."
Ông Inthirath cũng cho biết tình trạng hạn hán kéo dài cũng không loại trừ Lào, mực nước sông Mekong đoạn chảy qua thủ đô Vientiane liên tục xuống mức thấp trong 20 năm qua.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào chia sẻ Lào hiện đang trong tháng cao điểm của mùa khô, tuy nhiên trước việc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang phải chịu thiệt hại do khô hạn kéo dài và tình trạng xâm mặn ngày càng sâu, Lào mong muốn làm hết sức mình chia sẻ những khó khăn của Việt Nam hiện nay.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/lao-mong-muon-lam-het-suc-de-cuu-han-o-ha-luu-song-mekong/378212.vnp)