Cuối cùng, người Anh quyết định rời EU
Cuối cùng, người Anh đã chọn quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một liên minh với bề dày lịch sử 60 năm.
Ảnh minh họa |
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13 giờ ngày 24/6 Hà Nội, 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit) trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung".
Với tỉ lệ chênh lệch là 1.269.501 người (tương đương 4%), phần thắng chắc chắn đã thuộc về phe những người ủng hộ Brexit.
Phản ứng trước kết quả kiểm phiếu nghiêng về phe ủng hộ Brexit, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon tuyên bố Scotland vẫn coi tương lai của mình là "một phần của EU".
Trong khi đó, tại Đức cả Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier đều ví ngày 23/6 là "một ngày tồi tệ với châu Âu" khi các cử tri Anh quyết định bỏ phiếu ra khỏi liên minh có bề dày lịch sử 60 năm này.
Khi "cuộc hôn nhân" đứt gánh
Với kết quả Brexit, giới phân tích cho rằng nước Anh sẽ bước vào thời kỳ mới với một tương lai không ổn định trong khi EU sẽ chứng kiến một bước thụt lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một liên minh hùng mạnh kể từ Chiến tranh Thế giới II.
Ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU.
Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước.
Hãng Rolls-Royce chuyên sản xuất hệ thống năng lượng, vũ khí và hàng không-không gian hồi đầu tuần này cho rằng Brexit có thể khiến nhà máy thử nghiệm bộ phận động cơ xe ở Đức đứng trước nhiều rủi ro, cũng như khiến lợi thế cạnh tranh rơi vào tay các đối thủ Mỹ. Mối quan ngại của nhà lãnh đạo doanh nghiệp này là tâm trạng chung của nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Anh hiện nay, bởi hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia vốn có sự kết nối rộng khắp toàn châu Âu.
Ngoài ra, các chuyên gia dự báo đồng bảng Anh cũng sẽ rớt giá 14-15% chỉ trong vòng một năm, đẩy nước Anh đứng trước nguy cơ mất đi vị trí trung tâm tài chính toàn cầu.
Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội.
Ngoài ra, Brexit cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỉ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh. Một viễn cảnh tồi tệ hơn nữa đó là các nước như Đức, Pháp, Tây Ban Nha... cũng có khả năng tách khỏi EU sau khi phe ủng hộ rời EU tại Anh giành chiến thắng, từ đó đẩy liên minh này đứng trước nguy cơ tan rã.
(Theo chinhphu.vn)