Chủ Nhật, 23/10/2016, 06:06 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nhiều đồng thuận và hợp tác

Thế giới tuần qua ghi nhận nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết giữa các quốc gia, đối tác và khu vực, thể hiện mong muốn giải quyết xung đột thông qua hợp tác của cộng đồng quốc tế, dù còn nhiều bất đồng.

1. BRICS tăng cường hợp tác nội khối và chống khủng bố

Ngày 16-10, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tổ chức tại Ấn Độ chứng kiến 5 quốc gia thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thông qua Tuyên bố về kết quả hội nghị cũng như Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố trên.

Các nước trong khối BRICS. Ảnh: Oneindia.
Các nước trong khối BRICS. Ảnh: Oneindia.

Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết trong khối và hợp tác dựa trên lợi ích chung, xác định các định hướng cơ bản nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược trên tinh thần cởi mở, đoàn kết, phối hợp chống nạn rửa tiền, tham nhũng và khủng bố quốc tế. BRICS cũng thông qua Biên bản ghi nhớ về tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong tạo lập khuôn khổ cho nghiên cứu nông nghiệp, hợp tác thuế quan trong BRICS, cũng như Biên bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau giữa các học viện ngoại giao 5 nước. Các vấn đề quốc tế như xung đột Syria, Ukraine, biến đổi khí hậu, tham nhũng… cũng được đề cập trong tuyên bố chung của hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 15 năm ra đời và phát triển của khối. Tuy nhiên, các nước thành viên BRICS cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nga và Brazil hiện đang đứng trước khó khăn kinh tế do giá dầu mỏ giảm mạnh trong khi kinh tế Trung Quốc cũng có dấu hiệu chững lại.

Bên lề hội nghị, một số thỏa thuận song phương trị giá nhiều tỉ đô la Mỹ đã được ký kết. Ngoài ra, hội nghị lần này cũng là cơ hội để BRICS tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư chung với các nước Nam Á và Đông Nam Á thuộc Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC).

2. Nga, Ấn Độ ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm BRICS, Nga và Ấn Độ đã ký kết 18 thỏa thuận song phương quan trọng, trong đó có thỏa thuận hợp tác quốc phòng.

Theo đó, Ấn Độ sẽ chính thức mua hệ thống tên lửa tầm xa S-400 Triumf của Nga. S-400 là một trong những hệ thống tên lửa tầm xa uy lực nhất trên thế giới hiện nay, có thể phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ở các độ cao trong bán kính 400km. Theo hãng tin Reuters, các quan chức quân đội Ấn Độ cho biết việc mua sắm hệ thống tên lửa S-400 Triumf là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự dọc biên giới cho Ấn Độ.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ảnh: Reuters.

Ngoài hệ thống tên lửa S-400 Triumf, Nga và Ấn Độ cũng nhất trí với kế hoạch hợp tác sản xuất 200 trực thăng đa nhiệm hạng nhẹ Ka-226T cho quân đội Ấn Độ và 4 chiếc tàu hộ tống lớp 11356, trong đó 2 chiếc sẽ do Nga cung cấp, 2 chiếc còn lại được đóng tại Ấn Độ.

Ngoài những thỏa thuận quốc phòng, Nga và Ấn Độ còn ký kết các thỏa thuận về hạt nhân và năng lượng. Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã chính thức bấm nút khởi động hai tổ máy số 3 và số 4 thuộc nhà máy điện hạt nhân Kudankulam ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ.

Những thỏa thuận mới được ký kết giữa Nga và Ấn Độ cho thấy quan hệ Nga - Ấn Độ, đặc biệt là trong hợp tác quốc phòng, đang được thắt chặt, đem lại cả lợi ích về kinh tế và chính trị cho hai bên trong bối cảnh Nga đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

3. Liên minh châu Âu thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp trong hai ngày 20 và 21-10 tại thủ đô Brussels, Bỉ, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Hội nghị lần này tập trung thảo luận ba chủ đề chính là vấn đề nhập cư, chính sách thương mại, và quan hệ ngoại giao với Nga.

Ảnh minh họa. Ảnh: Mirror
Ảnh minh họa. Ảnh: Mirror

Về vấn đề nhập cư, từ tháng Chín năm ngoái đến nay, các nước EU đã giảm được 98% lượng người nhập cư trái phép qua Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Síp. Tuy nhiên, lượng người nhập cư qua ngả Italia vẫn chưa giảm so với năm 2014 và 2015. Để giải quyết vấn đề, hội nghị kêu gọi tăng cường nỗ lực giúp đỡ các nước tiếp nhận công dân hồi hương, giảm lượng người nhập cư trái phép từ châu Phi bằng cách áp dụng đòn bẩy thương mại cần thiết thông qua sử dụng các chính sách, công cụ, biện pháp có liên quan thúc đẩy thương mại với các nước châu Phi.

Về thương mại, lãnh đạo các nước EU thảo luận định hướng chính sách thương mại của khối, tái khẳng định kiên trì chính sách tận dụng các thị trường mở và chú tâm đến lợi ích thiết thực của công dân của mình, bàn thảo biện pháp hiện đại hóa các công cụ phòng vệ thương mại. Hội nghị lần này cũng thảo luận những biện pháp giải quyết bất đồng liên quan Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện với Canada (CETA) để hai bên có thể ký kết vào ngày 27-10 tới. Việc thông qua thỏa thuận ở cấp độ EU đang gặp trở ngại lớn do sự phản đối của Bỉ.

Về quan hệ với Nga, Hội nghị xác định mục tiêu đưa ra chiến lược quan hệ tổng thể và lâu dài của EU với người láng giềng quan trọng này. Lãnh đạo các nước EU đã không đồng ý đưa vào bản thông cáo chung của hội nghị nội dung đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Syria theo sáng kiến của bộ ba Anh, Pháp, Đức.

4. Donald Trump tiếp tục “lép vế”

Đêm 19-10 (giờ địa phương) đã diễn ra  cuộc tranh luận thứ 3 và là cuộc tranh luận cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ giữa 2 ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Hai ứng cử viên sau khi kết thúc cuộc tranh luận. Ảnh: Reuters
Hai ứng cử viên sau khi kết thúc cuộc tranh luận. Ảnh: Reuters

Không khí căng thẳng liên tục được duy trì từ đầu cho đến cuối cuộc tranh luận. Mở màn cuộc “so găng”, 2 ứng cử viên đã đi thẳng đến vị trí của mình mà không hề bắt tay theo truyền thống. Trong suốt cuộc tranh luận, cả hai liên tục chỉ trích lẫn nhau về quan điểm đối với các nội dung tranh luận, bao gồm vấn đề sở hữu, quyền nạo phá thai, vấn đề an ninh quốc gia, người nhập cư, an ninh mạng và tin tặc, khiến người điều khiển phải nhiều lần ngắt lời các ứng viên. Kết thúc tranh luận, một lần nữa 2 ứng cử viên không bắt tay nhau.

90 phút tranh luận cuối cùng giữa 2 ứng cử viên được kỳ vọng là cơ hội tốt nhất giúp ông Trump có thể tạo ảnh hưởng lên những cử tri còn chưa quyết định sẽ bầu cho ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8-11 sắp tới. Tuy nhiên, thăm dò tại Las Vegas sau cuộc tranh luận lần 3 cho thấy ông Trump tiếp tục rơi vào thế lép vế so với bà Hillary Clinton. Theo cuộc thăm dò do CNN/ORC thực hiện này, sau cuộc tranh luận có 52% số người theo dõi cuộc “đấu khẩu” ủng hộ bà Hillary Clinton, trong khi con số ủng hộ ông Donald Trump chỉ là 39%. Kết quả khảo sát ở các bang còn đang lưỡng lự như Florida và Nevada cho thấy 2 bang này có xu hướng nghiêng về ủng hộ cho ứng viên đảng Dân chủ. Ngoài ra, 2 bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa là Utah và Arizona thì chuyển sang lưỡng lự, chưa biết sẽ ủng hộ ai.

5. Trung Quốc, Hàn Quốc phản đối nghị sĩ Nhật Bản thăm đền Yasukuni

Ngày 18-10, 85 nghị sĩ Thượng viện, Hạ viện Nhật Bản đã đến viếng đền Yasukuni, nơi thờ 2,5 triệu binh lính Nhật Bản chết trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh.

Trước đó, ngày 17-10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng gửi lễ vật tới viếng đền. Năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe còn trực tiếp đến viếng ngôi đền được cho là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản này.

Đền Yasukuni. Ảnh: Gettyimages
Đền Yasukuni. Ảnh: Gettyimages

Ngay sau khi các nghị sĩ Nhật Bản tới viếng đền Yasukuni, Trung Quốc và Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối hành động mà hai nước này cho là “tôn vinh” quá khứ xâm lược của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying phản ứng gay gắt: “Chúng tôi phản đối việc này và đòi hỏi Nhật Bản phải suy nghĩ về quá khứ hiếu chiến và đưa ra những biện pháp cụ thể để lấy lại lòng tin của các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi không thể không cảm thấy quan ngại sâu sắc và thất vọng trước việc lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản đã gửi đồ lễ và tới thăm đền Yasukuni là nơi tôn vinh quá khứ xâm lược của Nhật Bản”.

Việc viếng và gửi lễ viếng đền Yasukuni của các quan chức Nhật Bản luôn khiến Trung Quốc và Hàn Quốc phản ứng và chỉ trích Nhật Bản tôn vinh chủ nghĩa quân phiệt. Và lần này, việc các quan chức Nhật Bản viếng đền Yasukuni lại tiếp tục gây sóng gió cho mối quan hệ Nhật Bản với hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.