Thế giới tuần qua: Những nấc thang mới
Thế giới tuần qua chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng, căng thẳng, tuy không phải là mới và đã được đề cập trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhưng lại diễn biến leo thang ở cấp độ cao hơn.
1. Mở đầu cho những nấc thang mới trong dòng chảy quan hệ quốc tế là những “sóng gió” trong quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines sau những chỉ trích nặng nề của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với cá nhân Tổng thống Mỹ và quan hệ hai nước.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel ngày 24-10 tới Philippines để thảo luận về hướng đi tương lai của hai nước . Ảnh: Reuters |
Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Duterte bất ngờ tuyên bố ông muốn trong vòng 2 năm tới, quân đội nước ngoài (được hiểu là Mỹ và Australia) phải rút toàn bộ khỏi Philippines, và rằng Manila sẵn sàng hủy bỏ những thỏa thuận hợp tác quân sự hiện hành để đạt được điều này. Trong khi từ chối tham gia diễn tập chung với hải quân Mỹ, ông Duterte lại để ngỏ ý định tổ chức diễn tập chung với lực lượng quốc phòng Nhật Bản.
Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo Philippines đưa ra tuyên bố thẳng thừng như vậy. Tháng trước, ông cũng tuyên bố muốn quân đội Mỹ rút khỏi đảo miền Nam Mindanao với lý do sự hiện diện của lính Mỹ càng làm trầm trọng thêm tình trạng xung đột giáo phái tại đây. Trong chuyến thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines còn tuyên bố muốn "chia tách" với Mỹ cả về quân sự và kinh tế.
Mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã có những “đính chính” và “giải thích” về những tuyên bố của Tổng thống Duterte, thậm chí hai bên đã tiến hành một loạt cuộc gặp song phương về vấn đề này, song những phát ngôn “gây sốc” kể trên vẫn đang phủ bóng lên quan hệ hai nước, nhất là chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ, bởi Philippines vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực này.
Giới phân tích đang đặt câu hỏi, liệu Philippines có thực sự muốn “chia tay” với Mỹ khi mà kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Mỹ và Philippines đạt tới 18 tỷ USD trong năm 2015, trong khi thương mại giữa Philippines – Trung Quốc chỉ đạt ở mức gần 8 tỷ USD.
2. Một cuộc khủng hoảng khác cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại, đó là khủng hoảng nhân đạo tại hai điểm nóng Aleppo (Syria) và Mosul (Iraq).
Người dân sơ tán khỏi Aleppo. Ảnh: Daily Express |
Tại Aleppo, mọi nỗ lực thương lượng về khả năng thiết lập một hành lang an toàn để sơ tán những người ốm yếu và bị thương khỏi vùng chiến sự đều thất bại khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực ngày 22-10 vừa qua và giao tranh tiếp tục xảy ra giữa các tay súng đối lập và binh lính chính phủ. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hiện có khoảng 250.000 người dân đang bị kẹt giữa hai làn đạn tại khu vực phía Đông thành phố. Ngoài ra, gần 500 người đã bị thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị thương trong gần một tháng giao tranh vừa qua. Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Zeid Raad al Hussein đã gọi Aleppo là “lò sát sinh”, nhiều trẻ em ở đây thậm chí còn nghĩ đến việc tự sát hơn là sống trong tình trạng hiện nay.
Còn tại Mosul, nơi đang diễn ra chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm đánh bật nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thành trì cuối cùng của chúng tại Iraq, có tới 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khoảng 1,5 triệu người vẫn còn đang mắc kẹt tại chiến trường và có nguy cơ bị IS sử dụng làm lá chắn sống. Hơn một nửa trong số những người chạy nạn là trẻ em. Nhiều trại tị nạn đã được xây dựng tại khu vực xung quanh chiến trường Mosul để cứu trợ người dân gặp nạn.
3. Thêm những cảnh báo về mối đe dọa của IS ở Đông Nam Á
Ngày 25-10, Viện Phân tích Chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại Jakarta, Indonesia cảnh báo, Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ bạo lực cực đoan gia tăng do những phần tử ủng hộ IS đẩy mạnh phối hợp với nhau.
Hiện trường một địa điểm bị IS tấn công ở thủ đô Jakarta, Indonesia hồi tháng 1. Ảnh: AP |
Cũng theo IPAC, mối nguy hiểm chính nằm ở vùng xung đột tại miền Nam Philippines, nơi một số nhóm Hồi giáo cực đoan đã thề trung thành với IS. Những nhóm này cũng liên kết với các tổ chức khác trong khu vực, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia. IS đã phong một phiến quân hoạt động ở Philipines là "amir” (tiểu vương), hay được coi là một thủ lĩnh của nhóm khủng bố này ở Đông Nam Á. Các quan chức chống khủng bố Indonesia cho biết, hàng chục người ủng hộ IS từ Indonesia đang lên đường gia nhập lực lượng với những "đối tác" của họ ở Philippines.
Lâu nay, nhiều nơi ở Đông Nam Á phải đương đầu với phiến quân Hồi giáo cực đoan, với hàng trăm đối tượng đã gia nhập IS. Các tay súng đến từ Đông Nam Á chiến đấu cho IS đã thành lập một chi nhánh riêng ở Trung Đông, gọi là Katibah Nusantara, và được cho là thường xuyên liên lạc với các phiến quân đã trở về nước. Việc IS đang nhanh chóng để mất những vùng lãnh thổ mà chúng chiếm ở Iraq và Syria có thể dẫn tới việc gia tăng các vụ tấn công trả đũa ở Đông Nam Á.
4. Đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây lại bị đẩy cao hơn, khi EU quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và một số thực thể của Nga và Ukraine liên quan tới việc Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Quyết định này có sự hưởng ứng của 5 nước đối tác của EU gồm Montenegro, Albania, Na Uy, Liechtenstein và Ukraine.
Ảnh minh họa. Ảnh: Sputnik |
Danh sách trừng phạt của EU nhằm vào Nga bao gồm 146 cá nhân, bao gồm cả một số quan chức, nghị sĩ và chính trị gia và 37 thực thể Nga và Ukraine. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào Almaz-Antey, nhà sản xuất các hệ thống phòng không của Nga, và một số doanh nghiệp tại Crimea.
Trước các biện pháp siết chặt trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vlaidmir Putin cho rằng lệnh trừng phạt trên là phản tác dụng. Ông nhấn mạnh các nước áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến các sự kiện ở Đông Nam Ukraine hay thậm chí ở Syria sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu vì mục tiêu chủ yếu của các lệnh trừng phạt là nhằm kiềm chế Nga, quốc gia đang củng cố vị thế trên trường quốc tế.
5. Căng thẳng chính trị tại Venezuela tiếp tục leo thang nghiêm trọng khi các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức, nhằm gây sức ép đòi Tổng thống Nicolas Maduro từ chức đã biến thành bạo lực do đụng độ với cảnh sát. Các cuộc biểu tình diễn ra tại gần 50 địa điểm trên cả nước sau, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.
Bất ổn chính trị gia tăng nghiêm trọng tại Venezuela. Ảnh: Reuters |
Tình hình càng trở nên rối ren hơn khi Quốc hội Venezuela do liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập chiếm đa số yêu cầu ông Maduro ra điều trần trước cơ quan lập pháp này vào ngày 1-11. Ông Maduro bị cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị tại Venezuela. Bên cạnh đó, MUD cũng cho rằng, Tổng thống vi phạm hiến pháp sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia đình chỉ việc thu thập chữ ký của 20% cử tri nước này - hoạt động do phe đối lập khởi xướng nhằm mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý để phế truất Tổng thống đương nhiệm.
Tổng thống Maduro đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia, đồng thời đưa ra những tuyên bố cứng rắn, cáo buộc phe đối lập tại Quốc hội đang tìm cách "phá hoại đất nước", đồng thời khẳng định sẵn sàng đối thoại chính trị với phe đối lập, với sự tham gia của đại diện của các bên hòa giải gồm Tòa thánh Vatican và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR).
Tòa án Tối cao Venezuela cho rằng tuyên bố của Quốc hội là "vô giá trị, trong khi quân đội khẳng định sẽ “trung thành vô điều kiện” với Tổng thống.
6. Quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba đạt thêm bước tiến tích cực hơn kể từ sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước.
Lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, Mỹ đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba tại phiên họp diễn ra ngày 26-10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nghị quyết này được thông qua với tỷ lệ áp đảo 191 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng của Mỹ và Israel.
Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Obama . Ảnh: BBC |
Động thái trên của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama được dư luận hai nước cũng như cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá tích cực, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của mối quan hệ đang trên đà cải thiện mạnh mẽ giữa Mỹ và Cuba.
Việc nghị quyết mang tính biểu tượng này được thông qua, cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn của Washington đối với di sản lỗi thời của cuộc Chiến tranh Lạnh; là thông điệp mạnh mẽ của Nhà Trắng gửi tới Quốc hội lưỡng viện Mỹ hiện vẫn còn nhiều chia rẽ về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống quốc đảo Caribe này.
(Theo qdnd.vn)