Thế giới tuần qua: Bất ổn và bạo lực
Tuần qua, bê bối chính trị tại Hàn Quốc; bất ổn xã hội tại một số nước Đông Nam Á; chiến sự tại Iraq và những hiểm họa đối với người dân… là những tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
1. Thế giới tuần qua dồn sự chú ý tới Hàn Quốc bởi những bê bối chính trị liên quan tới cáo buộc bạn thân của Tổng thống Park Geun Hye, bà Choi Soon Sil can thiệp vào công việc quốc gia và trục lợi riêng.
Ngày 3-11, cơ quan công tố Hàn Quốc đã triệu tập bà Choi Soon-sil để thẩm vấn về những cáo buộc bà lợi dụng mối quan hệ với Tổng thống trong suốt 40 năm qua để can thiệp vào công việc quốc gia quan trọng và trục lợi cá nhân. Bà này sau đó đã bị bắt tạm giam. Mặc dù không giữ chức vụ chính thức nào, nhưng bà Choi Soon-sil, 60 tuổi, được cho là có ảnh hưởng rất lớn đối với với cá nhân Tổng thống cũng như chính sách của nhà nước.
Bà Choi Soon Sil - bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye- là tâm điểm của vụ bê bối chính trị ở nước này. Ảnh: Yohap |
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh bà Park Geun Hye tiến hành thay đổi một loạt nhân vật cấp cao trong nội các, song vẫn chưa nhận được tiếng nói đồng thuận của dự luận và phe đối lập. Đảng Dân chủ đối lập yêu cầu Tổng thống phải từ bỏ việc điều hành các công việc nhà nước và chấp nhận một vị Thủ tướng do Quốc hội đề nghị, đồng thời tuyên bố đảng này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình chống chính phủ nếu bà Park không chấp nhận yêu cầu trên.
Tổng thống Park Geun Hye đã lên tiếng chấp nhận điều tra về vụ bê bối liên quan tới người bạn của mình, đồng thời xin lỗi về vụ việc đang làm cho tỷ lệ ủng hộ bà sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục chỉ còn 5% và làm dấy lên những lời kêu gọi bà từ chức trên khắp cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc bà Park có khả năng sẽ trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên tại Hàn Quốc phải đối mặt với một cuộc điều tra và có thể bị truy tố.
2. Miền Nam Thái Lan vẫn tiếp tục bất ổn do các vụ đánh bom, nổ súng và đốt phá, gây thương vong cho dân thường và bính lính chính phủ. Riêng đêm 2-11 đã xảy ra liên tiếp 19 vụ tấn công làm 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Cảnh sát và binh lính đã được tăng cường tại khu vực này để đảm bảo an ninh cho người dân, đặc biệt là các trường học.
Hiện trường 1 vụ tấn công của phiến quân ở miền Nam Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post |
Tình trạng bạo lực này diễn ra trong bối cảnh một số quan chức cấp cao thuộc Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề miền Nam đang tới đây để tiến hành đàm phán hòa bình. Các phần tử nổi dậy bị cáo buộc là thủ phạm các vụ tấn công trên.
Khu vực cực Nam Thái Lan giáp giới với Malaysia và có đa số người Hồi giáo sinh sống. Theo thống kê, hơn 200 trường học đã bị đốt phá hoặc là mục tiêu tấn công vũ trang trong suốt 12 năm qua. Hơn 6.500 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 180 giáo viên. Từ cuối năm 2014, chính quyền Thái Lan đã cam kết thúc đẩy đối thoại hòa bình với các nhóm nổi dậy ở miền Nam thông qua sự trung gian của nước láng giềng Malaysia, song cho đến nay rất ít tiến triển.
3. Biểu tình lớn tại Indonesia liên quan tới người Hồi giáo
Ngày 4-11, hàng chục nghìn người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn ở Indonesia đã tuần hành đến Dinh Tổng thống đòi Thị trưởng thành phố Jakarta là ông Basuki Tjahaja Purnama phải từ chức vì đã phỉ báng kinh Koran trong chiến dịch tranh cử ở Pulau Seribu hồi tháng trước.
Người biểu tình yêu cầu bắt giam Thị trưởng vì ông này có lời lẽ xúc phạm kinh Koran. Ảnh: EPA |
Hiện thủ đô Jakarta đang trong bầu không khí căng thẳng. Một số công ty đã yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà, lối vào các quận kinh doanh đã bị phong tỏa và các đại sứ quán tại thủ đô Jakarta đều ban hành cảnh báo. Các xe chở binh sĩ và cảnh sát được trang bị súng trường tiến hành tuần tra liên tục, trong khi các lực lượng khác đảm bảo an ninh cho các trung tâm mua sắm. Cảnh sát cho hay dự kiến khoảng 18.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai tại thành phố có 10 triệu dân này.
Những người tham gia biểu tình do nhóm "Mặt trận người bảo vệ Hồi giáo" đứng đầu, kêu gọi bắt giam Thị trưởng Purnama. Ông Purnama là người Cơ đốc giáo và là người gốc Hoa đầu tiên đảm nhận cương vị Thị trưởng Jakarta.
4. Các nhà báo tiếp tục phải đương đầu với nhiều hiểm họa
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 2-11 công bố một báo cáo gây sốc cho biết trung bình cứ 4,5 ngày thì có một nhà báo bị sát hại trên thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Al Jazeera America |
Báo cáo cho biết trong vòng 10 năm (2006-2015) đã có 827 nhà báo bị giết hại trong khi đang tác nghiệp và khu vực được xem là "tử địa" với nhà báo là các nước Arab, bao gồm cả Syria, Iraq, Yemen và Libya. Tiếp đến là khu vực Mỹ Latinh. Phần lớn số nhà báo tử nạn, chiếm đến 59%, là ở các khu vực đang có xung đột. Trong 2 năm qua, 78 trong số 213 nhà báo bị sát hại, chiếm 36,5%, là ở các nước Arab.
Một điểm đáng báo động nữa là số trường hợp nhà báo bị sát hại tại Tây Âu và Bắc Mỹ tăng đáng kể, từ không có ai trong năm 2014 lên 11 người vào năm ngoái.
Bên cạnh đó, các nhà báo còn phải đối mặt với những nguy cơ bạo lực khác như bị bắt cóc, giam giữ, tra tấn, hăm dọa, quấy rối, cướp phá phương tiện làm việc... Báo cáo cũng cho biết số nhà báo nam bị sát hại nhiều gấp hơn 10 lần số nhà báo nữ.
5. Quan ngại mới về tác động của virus Zika đối với nam giới
Ngày 31-10, các nhà khoa học thuộc Đại học Y Washington, Mỹ, công bố nghiên cứu cho biết, virus Zika, gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, có khả năng làm teo tinh hoàn của chuột đực thí nghiệm, làm giảm mạnh số lượng tinh trùng và khả năng sinh sản.
Vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Ảnh: REUTEURS |
Cụ thể, tinh hoàn của chuột bị nhiễm Zika teo nhỏ khoảng 90% về trọng lượng trong khi lượng tinh trùng trung bình giảm 3/4, thậm chí còn cao hơn nữa và nhiều khả năng đây có thể tổn thương vĩnh viễn.
Các nhà khoa học cho biết, sẽ căn cứ kết quả trên để nghiên cứu sâu hơn nhằm xác định liệu Zika có gây tác động tương tự ở nam giới hay không khi mà một số thông tin liên quan cho thấy loại virus này có thể thâm nhập vào hệ thống sinh sản của nam giới và tồn tại được trong tinh dịch, cũng như tinh trùng.
Các chuyên gia cho rằng cách đề phòng tốt nhất là nam giới hay phụ nữ không nên quan hệ tình dục trong thời gian 6 tháng kể từ khi nghi ngờ nhiễm virus Zika, hoặc cần phải có các biện pháp tình dục an toàn.
6. Ngày 1-11, Người phát ngôn của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền Ravina Shamdasani cho biết tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã sử dụng hàng nghìn dân thường ở Iraq làm lá chắn sống.
Theo đó, sáng sớm 31-10, phiến quân IS đã chở khoảng 25.000 dân thường từ thị trấn Hammam al-Alil, phía Nam Mosul, bằng xe tải và xe buýt loại nhỏ để làm lá chắn sống nhằm bảo vệ các vị trí của chúng ở Mosul. Tuy phần lớn các xe tải đã quay trở lại do sức ép của máy bay tuần tra, song một số xe buýt đã tới được Abu Saif, cách Hammam al-Alil 15 km.
Người dân Iraq chạy khỏi các khu vực IS kiểm soát phía Nam Mosul. Nguồn: AP/TTXVN |
Trong khi đó, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save The Children - STC) cho biết hiện có tới 600.000 trẻ em Iraq đang mắc kẹt tại chiến trường Musul, do các tay súng IS kiểm soát, đồng thời kêu gọi mở các hành lang an toàn để giải cứu người dân.
Tình trạng trên càng trở nên trầm trọng hơn kể từ ngày 17-10, các lực lượng của Iraq tiến hành chiến dịch lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq từ IS và cũng là thành trì lớn cuối cùng của tổ chức này. Đến ngày 4-11, các lực lượng Iraq đã giành lại quyền kiểm soát 6 quận ở khu vực phía Đông thành phố.
7. Thống kê mới nhất công bố ngày 31-10 của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho thấy 19 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục tăng trưởng thấp, song vẫn ổn định trong quý III năm nay, trong khi lạm phát đã lần đầu tiên trong 27 tháng qua có dấu hiệu tăng.
Brexit sẽ gây thêm khó khăn cho kinh tế Eurozone. Ảnh: reuters |
Theo Eurostat, tốc độ tăng trưởng của Eurozone giữ trạng thái ổn định trong 3 tháng quý III vừa qua - ở mức 0,3%. Trong khi đó, 28 nước thành viên EU chỉ đạt mức tăng trưởng là 0,4% trong cùng kỳ. Eurostat cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế Eurozone nói chung, trong đó phải kể đến tình hình chính trị của các nền kinh tế trụ cột trong liên minh là Pháp và Đức - hai quốc gia sẽ tiến hành các cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới- và tiến trình Anh rút khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Eurostat nhận định mức tăng trưởng không khả quan sẽ khó cải thiện thị trường việc làm tại các nước châu Âu cũng như thúc đẩy tỷ lệ lạm phát vốn rất thấp. Điều này cho thấy người tiêu dùng châu Âu chưa hoàn toàn tin tưởng vào nền kinh tế và vẫn chi tiêu một cách hết sức thận trọng.
(Theo qdnd.vn)