Chủ Nhật, 13/11/2016, 06:34 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Những biến động, bất ổn và giá trị đích thực

Thế giới đang thay đổi không ngừng, với những biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, khó lường, nhưng chân lý và những giá trị đích thực vẫn còn mãi với thời gian và ngày càng trở nên sâu sắc hơn...

1. Tuần qua, những người cộng sản tại nhiều nơi trên thế giới đã tưng bừng kỷ niệm 99 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công, với các cuộc mít tinh, tuần hành quy mô lớn.

Đoàn tuần hành, mít tinh không chỉ là người dân Moscow mà còn có cả người dân từ các tỉnh lân cận. Ảnh: vov.vn
Đoàn tuần hành, mít tinh không chỉ là người dân Moscow mà còn có cả người dân từ các tỉnh lân cận. Ảnh: vov.vn

Tại chính quê hương của cuộc Cách mạng tháng Mười, khoảng 5.000 người tham gia một cuộc tuần hành ở thủ đô Moskva. Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga Ghenadi Ziuganov dẫn đầu đoàn người tuần hành, họ phất cao cờ Đảng Cộng sản Liên bang Nga, chân dung lãnh tụ Lenin và các biểu ngữ, biểu tượng của Liên Xô; hát vang các bài ca và hô các khẩu hiệu ca ngợi Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản và Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Ngày 7-11 tại Nga cũng là Ngày Vinh quang người lính, nhiều hoạt động tuần hành, mít tinh diễn ra tại thủ đô và nhiều thành phố của đất nước để kỷ niệm cuộc diễu binh lịch sử năm 1941, khi nhiều đơn vị Hồng quân Liên Xô đã từ Quảng trường Đỏ tiến thẳng ra chiến trường trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đánh bại chủ nghĩa phát xít.

Hoạt động kỷ niệm 99 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga cũng được long trọng tổ chức tại Belarus, Anh…

2. Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Ngày 9-11, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã vượt qua ứng cử viên dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua “song mã”, với 276 phiếu đại cử tri, cao hơn mức 270 phiếu cần thiết trong tổng số 538 phiếu để đắc cử trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Tỷ phú Donald Trump và khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ảnh: Businessinsider
Tỷ phú Donald Trump và khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ảnh: Businessinsider

Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ, ông Donald Trump cam kết sẽ đại diện cho tất cả người dân Mỹ, nỗ lực làm việc vì một nước Mỹ hùng mạnh. Trong quan hệ đối ngoại, ông Donald Trump khẳng định, sẵn sàng hợp tác với các nước, tìm kiếm những nền tảng chung và hướng tới quan hệ đối tác thay vì xung đột.

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, bà Hillary Clinton đã chính thức thừa nhận thất bại. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cũng tuyên bố chuyển giao quyền lực trong êm thấm. Nguyên thủ nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chúc mừng chiến thắng này của ông Donald Trump.

Donald Trump sinh ngày 14-6-1946 tại New York. Ông là con thứ tư trong một gia đình 5 anh chị em và cha là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản. Hiện ông Trump đứng thứ 113 trong số các tỷ phú Mỹ và thứ 324 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2016 của Tạp chí Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 4,5 tỷ USD.

Cùng với cuộc bầu cử Tổng thống, cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng diễn ra quyết liệt với chiến thắng thuộc về Đảng Cộng Hòa.

3. Chính trường Hàn Quốc lại tiếp tục nổi lên những sóng gió mới, khi hai nguyên cố vấn cấp cao của Tổng thống Park Geun-hye, một phụ trách các vấn đề chính trị và một phụ trách vấn đề cá nhân Tổng thống bị nhà chức trách nước này bắt giam, để điều tra về việc lợi dụng ảnh hưởng của Tổng thống để trục lợi.  

 Người biểu tình tuần hành đòi Tổng thống từ chức ở Seoul, Hàn Quốc hôm 1-11. Ảnh: AP
Người biểu tình tuần hành đòi Tổng thống từ chức ở Seoul, Hàn Quốc hôm 1-11. Ảnh: AP

Ngoài ra, các công tố viên Hàn Quốc cũng đã tiến hành điều tra cuộc họp kín giữa Tổng thống nước này Park Geun-hye và các lãnh đạo tập đoàn lớn hồi năm ngoái, vì nghi ngờ bà Park đóng vai trò gây quỹ cho 2 quỹ phi lợi nhuận do người bạn thân Choi Soon-sil lập ra.

Trong khi đó, mặc dù đã đã rút lại quyết định bổ nhiệm thủ tướng mới được đưa ra ngày 2-11 và đề nghị Quốc hội đề cử một ứng cử viên cho chức vụ này, tuy nhiên bà Park Geun-hye vẫn đang gặp trở ngại lớn trong vấn đề cải tổ nội các, do chưa đạt được sự đồng thuận giữa các đảng phái.

Các nghị sĩ của đảng đối lập đều kêu gọi tổng thống giải tán nội các hiện nay và thành lập một chính phủ liên minh lớn thông qua việc chỉ định một thủ tướng trung lập về chính trị và để người này chọn các thành viên nội các. Tổng thống chỉ đóng vai trò của vị nguyên thủ quốc gia mang tính tượng trưng. Đảng Saenuri cầm quyền thì cho rằng Tổng thống Park Geun-hye không thể từ bỏ các quyền được quy định trong Hiến pháp, vẫn cần nắm quyền điều hành các vấn đề ngoại giao và quốc phòng, và chỉ trao thêm quyền cho vị thủ tướng mới.  

Những diễn biến trên đang gây bất lợi cho sự nghiệp chính trị của nữ Tổng thống Park Geun-hye. Các cuộc biểu tình của hàng nghìn người phản đối bà Park Geun-hye vẫn diễn ra. Tỷ lệ ủng hộ bà đã tụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn trên 5%.  

4. Tình hình an ninh ở khu vực vùng biển giữa Malaysia và Philippines đang trở nên đáng báo động, khi ngày càng xảy ra nhiều vụ cướp, bắn súng và bắt cóc được cho là do các tay súng thuộc nhóm phiến quân Abu Sayyaf - nhóm Hồi giáo có liên quan tới mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Philippines thực hiện.

Phiến quân Abu Sayyaf. Ảnh: philstar
Phiến quân Abu Sayyaf. Ảnh: philstar

Gần đây nhất, ngày 5-11, hai thuyền trưởng tàu cá Indonesia đã bị bắt cóc ở ngoài khơi bang Sabah, miền Đông Malaysia, khu vực mà nhóm phiến quân Abu Sayyaf ở Philippines bị cáo buộc tiến hành hàng loạt vụ bắt cóc tương tự.

Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại Malaysia cũng cảnh báo các ngư dân Indonesia không nên hoạt động ở khu vực này cho đến khi Chính phủ Malaysia có thể đảm bảo an toàn cho họ. Ngày 8-11, Chính phủ Indonesia đã kêu gọi các ngư dân nước này tránh hoạt động trong vùng biển Sabah cho đến khi tình hình an ninh trong khu vực trở lại bình thường.

Trước tình trạng trên, ngày 10-11, Philippines đã nhất trí cho phép Malaysia và Indonesia tiến vào vùng lãnh hải nước này khi thực hiện các cuộc truy đuổi nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf. Trong thời gian tới, một số biện pháp mới sẽ được triển khai nhằm tăng cường an ninh, bao gồm yêu cầu các chủ tàu trang bị hệ thống tự động nhận dạng (AIS); hoàn thiện cơ chế phản ứng nhanh và cài đặt điểm an toàn xung quanh vùng biển Sabah.

5. Trong bối cảnh liên tục chịu tổn thất nặng nề về lực lượng và bị thu hẹp địa bàn hoạt động, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS)  tự xưng đã gia tăng các hoạt động bắt cóc, sát hại người dân tại nhiều nước.

 IS hành quyết người công khai tại Mosul. Ảnh: AP
IS hành quyết người công khai tại Mosul. Ảnh: AP

Tại Iraq, ngày 8-11, Liên Hợp Quốc cho biết, IS đã bắt 295 người là cựu thành viên của lực lượng an ninh Iraq ở gần Mosul, đồng thời buộc 1.500 gia đình phải rút lui cùng chúng tới sân bay Mosul. Những gia đình này có thể bị IS sử dụng làm lá chắn sống cho chúng trong quá trình di chuyển. Khoảng 40 dân thường đã bị phiến quân này sát hại và treo xác trên các cột điện “vì tội phản bội và hợp tác với lực lượng chính phủ”.  

Trước đó, IS đã bắt cóc 30 người ở Sinjar, 18 người trong số này đã bị giết. Trên đường tiến quân vào Mosul, quân đội Iraq cũng phát hiện một ngôi mộ tập thể với khoảng khoảng hơn 100 thi thể được cho là nạn nhân của IS.

Tại Ai Cập, bất chấp các hoạt động an ninh đã được tăng cường cũng như sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Ai Cập trên khắp tỉnh Sinai, nạn bắt cóc dân thường tại địa phương này đã gia tăng ở mức báo động. Gần đây nhất, ngày 7-11, một giáo viên của trường trung học và một người đàn ông sống tại tỉnh Sinai, đã bị các đối tượng đeo mặt nạ bắt đi ngay tại nhà riêng. Nhóm cực đoan nhận là nhánh của IS đang hướng mục tiêu vào những người dân thường bị cho là ủng hộ các hoạt động an ninh của chính phủ chống các phần tử cực đoan. Chúng ép buộc người dân phải tuyên bố ủng hộ và thừa nhận chúng.  

6. Việc “chia tay” của nước Anh với Liên hiệp châu Âu (EU) vốn gặp nhiều trắc trở, nay lại trở nên khó khăn hơn khi Tòa Thượng thẩm nước này ra phán quyết Chính phủ Anh cần phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm đưa Anh ra khỏi EU.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC

Chính phủ Anh đã kháng cáo phán quyết trên, cho rằng điều này có thể trì hoãn vô thời hạn việc kích hoạt Điều 50 do hầu hết các nghị sĩ Anh muốn nước này ở lại EU. Hiện chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã bắt đầu soạn thảo một dự luật về quy trình Brexit, nhằm đảo ngược phán quyết của tòa án.

Cũng về vấn đề Brexit, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon ngày 8-11 khẳng định Scotland sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Anh đòi quyền tham gia quyết định "kích hoạt" Điều 50 hiệp ước Lisbon, liên quan đến việc Anh bắt đầu tiến trình rời EU.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.