Nhìn lại thế giới năm 2016: Bán đảo Triều Tiên không hạ nhiệt
Năm 2016 chứng kiến hàng loạt các hoạt động làm gia tăng khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc.
Bản tin truyền hình Hàn Quốc về một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Nguồn: EPA/TTXVN |
Những vụ việc này khiến tình trạng đối đầu trên bán đảo chẳng những không hạ nhiệt mà còn trầm trọng thêm, và đẩy tình hình an ninh chính trị ở Đông Bắc Á thêm xấu đi.
Tháng 1 và tháng 9/2016, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư và thứ năm. Việc Bình Nhưỡng tăng tốc theo hướng “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân” khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên xuất hiện những đặc điểm mới.
Thứ nhất, việc đẩy nhanh các bước phát triển vũ khí hạt nhân và phóng thử tên lửa cho thấy nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các vụ thử hạt nhân mới trong thời gian tới. Thứ hai, các vụ thử hạt nhân trong năm qua đã làm thay đổi địa vị “bị động chiến lược” của nước này, và một lần nữa trở thành tâm điểm của các phương tiện truyền thông thế giới.
Sau vụ thử hạt nhân (mà Bình Nhưỡng tuyên bố là thử bom H) hôm 6/1 và một loạt vụ thử tên lửa thể hiện rõ quyết tâm theo đuổi các vũ khí chiến lược của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã công bố việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên Bán đảo Triều Tiên vào năm 2017, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Và dường như để đáp trả động thái trên của Mỹ-Hàn, Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa đạn đạo SLBM KN-11 và đặc biệt là vụ thử hạt nhân ngày 9/9.
Vụ thử hạt nhân ngầm dưới mặt đất lần thứ 5 và lớn nhất của Triều Tiên ở gần làng Punggye-ri này cùng với một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo được tiến hành trong năm nay khiến cộng đồng quốc tế một lần nữa đứng giữa hai sự lựa chọn khó khăn là giải pháp quân sự hay ngoại giao.
Sau nhiều lần trì hoãn do bất đồng trong việc đưa ra cách thức đối phó với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong năm nay, ngày 30/11 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2321 siết chặt trừng phạt Triều Tiên liên quan vụ thử hạt nhân lần thứ năm của nước này. Với nghị quyết này, các nước thành viên Hội đồng Bảo an hy vọng sẽ tạo đủ áp lực để buộc Bình Nhưỡng phải giảm bớt căng thẳng ở khu vực và quay trở lại bàn đàm phán 6 bên.
Theo chuyên gia cấp cao Siegfried S. Hecker đến từ Đại học Stanford (Mỹ), con đường ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã bị đứt đoạn bởi thất bại của các cuộc đàm phán 6 bên vào năm 2009 và xu hướng nghiêng về chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, cuối cùng dẫn đến việc lập trường của Triều Tiên trở nên cứng rắn hơn. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên Kim Jong-un đã đẩy nhanh tiến độ của chương trình hạt nhân. Vụ thử hạt nhân ngày 9/9 vừa qua là vụ thử thứ 3 dưới thời của ông.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất rõ ràng trong việc gắn tương lai kinh tế Triều Tiên với việc nước này trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân được thế giới công nhận. Chính sách phát triển song song kinh tế và vũ khí hạt nhân này đã được ông Kim Jong-un đề cập trong bài diễn văn tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ VII, diễn ra hồi tháng 5/2016, trong đó phát triển hạt nhân được nhấn mạnh như một lớp bảo vệ và sẽ tạo cơ hội cho nền kinh tế Triều Tiên phát triển.
Bình Nhưỡng cũng đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời tương lai của Triều Tiên với tư cách là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân đã được xác lập trong Hiến pháp quốc gia.
Các cuộc đàm phán các cấp trong quá khứ đều thất bại, sự thiếu lòng tin giữa Bình Nhưỡng và Washington vẫn sâu sắc và mang tính hai chiều, và bối cảnh địa chính trị xem ra ngày càng ít có lợi cho ngoại giao hơn trước. Sự sụp đổ của các chính quyền Muammar Gaddafi ở Libya và trước đó là Saddam Hussein ở Iraq vốn cùng bị Mỹ cáo buộc là sở hữu vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học, khiến Bình Nhưỡng đề phòng.
Những ví dụ về các nước không tham gia NPT nhưng vẫn cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan hay Israel càng củng cố hơn nữa điều mà Bình Nhưỡng xem là một tiêu chuẩn kép. Điều đó thúc đẩy quyết tâm của Bình Nhưỡng sở hữu loại vũ khí răn đe để đối phó với Hàn Quốc và nhất là Mỹ.
Trong khi đó, việc dùng vũ lực để xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang bị cản trở bởi 2 vấn đề chính: đó là không có một bức tranh hoàn chỉnh về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cũng không có bằng chứng đúng đắn về độ xác thực của chương trình hạt nhân hiện tại của nước này.
Theo giới phân tích quốc tế, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên nói cho cùng là vấn đề giữa Triều Tiên với Mỹ. Washington thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, không nôn nóng giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa tầm trung Musudan tại thành phố Wonsan ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Trong khi đó, Bình Nhưỡng tiếp tục chơi canh bạc có tính toán với Mỹ, lợi dụng khoảng thời gian trống do các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và Hàn Quốc để thúc đẩy chương trình hạt nhân đi vào các giai đoạn cuối.
Ngoài ra, các lợi ích chiến lược cạnh tranh nhau giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nga cũng khiến cho việc đưa ra một giải pháp đối phó hiệu quả với Triều Tiên trở nên khó khăn hơn. Nghị quyết 2321 mới đây là biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên, song nó cũng để ngỏ cánh cửa cho Bình Nhưỡng và các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán, thuyết phục Triều Tiên “đóng băng” chương trình hạt nhân, đồng thời yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự làm gia tăng bầu không khí chiến tranh trên bán đảo, ảnh hưởng tới việc xây dựng an ninh ở Đông Bắc Á.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/nhin-lai-the-gioi-nam-2016-ban-dao-trieu-tien-khong-ha-nhiet/422927.vnp)