Chủ Nhật, 04/12/2016, 05:39 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nhiều khủng hoảng, bất đồng

OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, Liên hợp quốc thông qua nghị quyết siết chặt trừng phạt Triều Tiên, nấc thang mới trong khủng hoảng chính trị Hàn Quốc, Ukraine tập trận gây căng thẳng trên bán đảo Crimea là những thông tin nổi bật thế giới tuần qua.

1. OPEC cắt giảm sản lượng dầu thế giới

Ngày 30-11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhóm họp tại Vienna (Áo) nhằm đạt được một thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu để thúc đẩy giá dầu thế giới sau nhiều bất đồng, đặc biệt là giữa Saudi Arabia và Iran, Iraq (3 nước xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu và thứ hai OPEC).

Ảnh minh họa. Ảnh: straitstime.com
Ảnh minh họa. Ảnh: straitstime.com

Theo đó, OPEC đã đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu đi 1,2 triệu thùng, hạn chế ở mức trần 32,5 triệu thùng/ngày từ mức hiện tại là 33,64 triệu thùng/ngày. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, 14 quốc gia OPEC cùng cam kết hạn chế sản lượng nhằm loại bỏ bi quan của nhiều nhà quan sát.

Phản ứng trước quyết định này của OPEC, giá dầu trên thế giới đã tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 4.5% lên mức 54,19 đô la/thùng và giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 4.3% ở mức 51.54 đô la/thùng. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cho rằng ảnh hưởng của quyết định cắt giảm sản lượng lần này của OPEC sẽ không kéo dài bởi nó không đủ để cắt giảm dư thừa vốn đã bắt đầu tích tụ từ giữa năm 2014 và giá dầu sẽ tiếp tục giảm trở lại khi lượng dầu tồn dư được xuất ra. Lần cắt giảm sản lượng này là rất nhỏ so với năm 2008 khi OPEC đã cắt giảm sản lượng 2 lần, tổng cộng là 4,2 triệu thùng/ngày.

2. Liên hợp siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Sau nhiều trì hoãn do bất đồng trong việc trừng phạt Triều Tiên, ngày 30-11 mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết 2321 về việc siết chặt trừng phạt Triều Tiên liên quan vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của nước này vào ngày 9-9.

Hội đồng bảo an LHQ. Ảnh: RT
Hội đồng bảo an LHQ. Ảnh: RT

Với 15 phiếu thuận, 0 phiếu chống, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 2321 dài 17 trang, siết chặt các lĩnh vực hàng hải, tài chính, bổ sung thêm khoáng sản vào danh mục các hàng hóa cấm xuất khẩu. Đặc biệt là các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ cắt giảm hơn 60% lượng xuất khẩu than đá hằng năm, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên. Lệnh trừng phạt mới cũng được áp đặt với 11 quan chức nước này, trong đó có cựu đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập, Myanmar cùng với 10 tổ chức khác. 11 đối tượng và tổ chức sẽ bị cấm đi lại toàn cầu, do quan ngại có liên hệ với chương trình hạt nhân và tên lửa củaTriều Tiên. Nghị quyết này được cho là sẽ gia tăng áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình bởi nó khiến nước này mất ít nhất 800 triệu USD mỗi năm, gây khó khăn cho đầu tư vào chương trình hạt nhân.

Phản ứng trước động thái này của LHQ, phái bộ Triều Tiên tại LHQ đã bác bỏ Nghị quyết 2321, gọi đây là văn bản “không công bằng” và “mang tính phân biệt”. Triều Tiên cũng tái khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích tự vệ chứ không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Ngay sau khi Nghị quyết 2321 được thông qua, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin Triều Tiên đã tiến hành tập trận pháo binh quy mô lớn.

Năm 2016 chứng kiến hàng loạt các hoạt động làm gia tăng khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên cũng như các cuộc tập trận quy mô lớn của Hàn Quốc và Mỹ.

3. Ukrain tập trận, Crimea gia tăng căng thẳng

Ngày 1-12, quân đội Ukraine bắt đầu cuộc tập trận phóng tên lửa gần Crimea, bán đảo được sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Động thái này khiến Nga ngay lập tức đặt hệ thống phòng không của mình vào tình trạng báo động cao và điều tàu chiến thuộc Hạm đội Biển đen tới bờ Tây bán đảo Crimea.

Một cuộc tập trận của Ukraine. Ảnh: EPA
Một cuộc tập trận của Ukraine. Ảnh: EPA

Phát biểu về cuộc tập trận, người phát ngôn Bộ tư lệnh Không quân miền Nam Ukraine Volodymyr Kryzhanovskiy cho biết cuộc tập trận phóng thử tên lửa này là phù hợp với luật pháp quốc tế và diễn ra cách không phận Crimea ít nhất 30 km. Theo Reuters, Ukraine khẳng định cuộc tập trận phóng tên lửa là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và quân đội nước này sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào.

Phản ứng trước động thái này, Nga cho rằng Ukraine đang tìm cách gia tăng căng thẳng và cuộc tập trận là hành động khiêu khích và “tiền lệ nguy hiểm” và nước này sẽ có hành động trả đũa cần thiết. Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại Thượng viện Nga Konstanin Kosachev cũng cảnh báo Ukraine rằng Nga sẽ có phản ứng quân sự, cho rằng đây là kịch bản không ai mong muốn và tất cả các bên phải cùng nhau ngăn chặn căng thẳng. Ông Kosachev cũng nhắc Kiev về bài học kinh nghiệm từ cuộc xung đột giữa Nga và Georgia cách đây 8 năm. Nhiều vũ khí, khí tài và binh lính Nga đã được tăng cường tới Crimea, bao gồm cả tổ hợp phòng không S-300V4. Đây là lần đầu tiên lá chắn tên lửa đạn đạo chiến thuật này của Nga xuất hiện tại Crimea.

Trước tình hình căng thẳng gia tăng, Pháp đã kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế. Trong khi đó, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác đối thoại với các đối tác quốc tế nhưng không cho phép họ xâm phạm lợi ích đất nước và can thiệp vào việc đưa ra quyết định của mình.

4. Diễn biến mới cuộc khủng hoảng chính trị Hàn Quốc

Vụ bê bối chính trị Hàn Quốc đang có những diễn biến mới. Ngày 2-12, 3 đảng đối lập nắm giữ 165/300 ghế tại Quốc hội đã nhất trí trình đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye tại cuộc trưng cầu dân ý trước Quốc hội vào ngày 9-12 tới đây. Tuy nhiên, để đề xuất luận tội Tổng thống được thông qua, phải có ít nhất 2/3 đại biểu Quốc hội (200/300) ủng hộ.

Tổng thống Park Geun-hye phát biểu tại Nhà xanh. Ảnh: Reuters
Tổng thống Park Geun-hye phát biểu tại Nhà xanh. Ảnh: Reuters

Nếu Quốc hội thông qua đề xuất luận tội của các đảng đối lập, bà Park Geun-hye sẽ ngay lập tức bị đình chỉ chức vụ Tổng thống và Thủ tướng sẽ tạm thời thay thế cương vị này. Sau đó, Tòa án Hiến pháp sẽ có 6 tháng để quyết định có phê chuẩn việc luận tội hay không. Nếu được phê chuẩn, một cuộc bầu cử sớm sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày để chọn Tổng thống mới.

Trước đó, ngày 29-11, bà Park Geun-hye đã bất ngờ đồng ý để Quốc hội Hàn Quốc toàn quyền định đoạt tương lai chính trị của mình. Tuy nhiên, bà Park tuyên bố chỉ ra đi khi Quốc hội tìm ra phương án chuyển giao quyền lực suôn sẻ và không để trống chiếc ghế Tổng thống. Tuyên bố này của Tổng thống Park Geun-hye bị các đảng đối lập chỉ trích, bác bỏ và coi đó là âm mưu nhằm tránh bị luận tội của bà Park Geun-hye.

Tổng thống Hàn quốc Park Geun-hye hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong sự nghiệp của mình vì những bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil và một số trợ lý thân cận của mình.

5. Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật gia hạn trừng phạt Iran

Ngày 1-12, với 99 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran (ISA) thêm 10 năm. Hồi tháng 11, ISA đã được Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo. Như vậy, đạo luật này sẽ được trình lên Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn để chính thức trở thành luật.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi. Ảnh: TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi. Ảnh: TTXVN

ISA được thông qua lần đầu vào năm 1996 trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành năng lượng của Iran nhằm răn đe Iran theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân. ISA sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2016 nếu không được gia hạn. Phản ứng trước quyết định này, ngày 2-12, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu gia hạn các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này thêm 10 năm là vi phạm thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và 6 cường quốc khác (Nhóm P5+1) đạt được năm 2015. Trong khi đó, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích thỏa thuận hạt nhân này, coi văn kiện này là một “thảm họa” và đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này nếu ông đắc cử.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo nhấn mạnh Chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama sẽ duy trì thỏa thuận hạt nhân nói trên, giới quan sát nhận định không thể đảm bảo tương lai văn kiện này sẽ ra sao dưới thời Chính quyền kế nhiệm của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.