Chủ Nhật, 11/12/2016, 06:26 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Thảm họa và khủng hoảng song hành

Trận động đất khiến gần 100 người thiệt mạng tại Aceh, Indonesia; vụ rơi máy bay tại Pakistan khiến toàn bộ 47 người tử nạn; Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống là những sự kiện nổi bật đánh dấu một tuần nhiều thảm họa và khủng hoảng của thế giới tuần qua.

1. Động đất mạnh ở Indonesia

Trận động đất mạnh 6,5 độ Richter diễn ra ngày 7-12 vừa qua tại tỉnh Aceh, Indonesia đã khiến ít nhất 97 người chết và nhiều người mất tích. Theo các quan chức địa phương, trận động đất xảy ra vào đầu giờ sáng khi nhiều người đang chuẩn bị cho lễ cầu kinh ở các nhà thờ nên khả năng con số thương vong có thể sẽ còn tiếp tục gia tăng. Hiện tại hơn 1.000 binh lính và cảnh sát đã được điều tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để hỗ trợ việc tìm kiếm cứu nạn.

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát. Ảnh: Reuters
Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát. Ảnh: Reuters

Ông, Tatang Sulaiman, người đứng đầu lực lượng quân đội ở Aceh, cho biết: "Hiện đã có 97 người thiệt mạng và con số sẽ còn tiếp tục tăng. Có những nơi chúng tôi tìm được năm hay mười thi thể nằm cùng một chỗ". Hàng trăm ngôi nhà, cửa hàng và nhà thờ đã bị san bằng sau trận động đất. Công tác cứu hộ vẫn đang được khẩn trương tiến hành nhưng hiện tại các lực lượng tại chỗ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn lương thực, nước sạch và nơi tạm trú. Trong khi đó, điện vẫn chưa được cấp lại cho nhiều nơi và các bệnh viện đã nhanh chóng trở nên quá tải.

Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất có tâm chấn ở độ sâu 17 km dưới đáy biển tại khu vực phía bắc tỉnh Aceh, đảo Sumatra. Tuy nhiên, không có cảnh báo sóng thần được đưa ra.

2. Rơi máy bay ở Pakistan

Cũng trong ngày 7-12, Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) thông báo một chiếc máy bay của hãng đã rơi tại khu vực Havelian thuộc tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa khi đang trong hành trình từ Chitral đến Islamabad. Trên máy bay có 47 người, trong đó có 5 thành viên phi hành đoàn và 42 hành khách. Hãng này khẳng định không còn ai sống sót.

Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: TTXVN
Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc họp báo ngày 7-12, Chủ tịch PIA Azam Saigol cho biết chiếc máy bay đã phát đi tín hiệu báo nguy trước khi mất liên lạc và rơi xuống vùng núi phía Bắc nước này. Phi công trên chiếc máy bay ATR-42 đã thông báo với bộ phận mặt đất về việc một động cơ bị trục trặc và phát đi tín hiệu khẩn cấp vào lúc 16 giờ 14 phút giờ địa phương. Một phút sau, máy bay mất độ cao và biến mất khỏi màn hình radar.

Theo ông Azam, chiếc ATR-42 gặp nạn đã hoạt động được 9 năm và mới được kiểm tra hồi tháng 10 vừa qua trong tình trạng tốt. Lái máy bay là viên phi công có kinh nghiệm hơn 12.000 giờ bay. Hiện hộp đen của chiếc máy bay đã được tìm thấy nhưng sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra được nguyên nhân chính thức của vụ rơi máy bay.

3. Quốc hội Hàn Quốc tạm đình chỉ chức vụ Tổng thống

Chiều 9-12, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu biểu quyết đối với kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Với kết quả 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống, 2 phiếu trắng và 7 phiếu không hiệu lực (299/300 nghị sĩ bỏ phiếu), kiến nghị luận tội đã chính thức được thông qua và bà Park Geun-hye đã ngay lập tức bị tạm thời đình chỉ chức vụ Tổng thống. Thủ tướng Hwang Kyo-ahn trở thành Tổng thống tạm quyền cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết cuối cùng về kiến nghị luận tội.

Tổng thống Park Geun-hye phát biểu tại một buổi lễ ở Busan. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Park Geun-hye phát biểu tại một buổi lễ ở Busan. Ảnh: TTXVN

Ngay sau đó, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đẩy nhanh tiến trình luận tội bằng cách yêu cầu bà Park Geun-hye giải trình vào ngày 16-12. Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để điều tra, xem xét trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng về việc luận tội Tổng thống. Nếu có 6/9 thẩm phán nhất trí với kiến nghị thì Tổng thống Park Geun-hye sẽ chính thức bị đình chỉ chức vụ Tổng thống và một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Nếu không đủ 6/9 thẩm phán nhất trí thì bà Park Geun-hye sẽ được phục hồi chức vụ Tổng thống.

Bà Park Geun-hye là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc bị Quốc hội thông qua đề nghị luận tội sau vụ bê bối liên quan tới người bạn thân Choi Soon-sil. Bà Choi bị cáo buộc can thiệp vào công việc điều hành chính phủ trong khi không có chức vụ chính thức nào. Ngoài ra, bà Choi còn bị tố cáo lợi dụng mối quan hệ với Tổng thống để ép các tập đoàn, công ty lớn đóng góp hàng chục triệu USD vào 2 quỹ do bà ta điều hành.

4. Chính trường Italia chao đảo, EU lo lắng

Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã trở thành nguyên thủ thứ hai ở “lục địa già”, sau Thủ tướng Anh David Cameron, phải tuyên bố từ chức sau một cuộc trưng cầu dân ý. Trước đó, ngày 4-12, đa số cử tri Italia (59,43%) đã phản đối kế hoạch cải cách Hiến pháp do Thủ tướng chủ trương nhằm đơn giản hóa hệ thống chính trị, thu hẹp quyền hạn của Thượng viện (giảm số lượng thượng nghị sĩ từ 315 xuống còn 100).

Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã gặp thất bại nặng nề sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Ảnh: Gettyimages
Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã gặp thất bại nặng nề sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Ảnh: Gettyimages

Ngay sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Matteo Renzi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Tuy nhiên, Tổng thống Sergio Mattarella đã yêu cầu ông Matteo Renzi tạm hoãn việc từ chức cho đến khi Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách 2017 trong cuộc họp vào cuối tuần này. Thủ tướng Matteo Renzi đã chấp nhận yêu cầu này và cho biết chỉ có thể tạm hoãn từ chức đến cuối tháng 12.

Dù cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch cải cách Hiến pháp chỉ là công việc nội bộ của Italia, kết quả của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình EU. Lý do là nó có tác động mạnh tới thị trường chung châu Âu sau khi khiến trái phiếu Chính phủ Italia lao dốc và đồng Euro giảm tới mức gần xấp xỉ 1 đô la Mỹ/1 Euro (1,0651 USD/Euro). Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất vẫn là cuộc khủng hoảng chính trị này có thể khiến Italia phải tổ chức bầu cử sớm, tạo điều kiện cho đảng M5S có thêm cơ hội củng cố vị trí trên chính trường (hiện M5S đang đứng thứ hai, có tỷ lệ ủng hộ chỉ thấp hơn chút ít so với đảng PD cầm quyền). Đảng này đang có xu hướng dân tộc và nếu có quyền, đảng này sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý khác nhằm xem xét việc liệu Italia có nên nối gót nước Anh rời khỏi EU hay không. Một kịch bản không mấy sáng sủa đang chờ đợi EU sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại trên chính trường Italia, một trong bộ ba hạt nhân lãnh đạo của khối.

5. Chính quyền Syria kiểm soát phần lớn thành phố Aleppo

Theo hãng tin Reuters, quân đội Chính phủ Syria đã kiểm soát 93% lãnh thổ thành phố Aleppo. Thông tin này được Trung Tướng Sergei Rudskoy, một quan chức Bộ Quốc phòng Nga, đưa ra trong một cuộc họp báo. Ông cũng cho biết dân thường trốn khỏi sự kiểm soát của phiến quân tố cáo các tay súng phiến quân đã đánh đập, tra tấn và hành hình dân thường ở nơi công cộng.

Một con đường ở Aleppo bị tàn phá trong các cuộc giao tranh. Ảnh: FNA
Một con đường ở Aleppo bị tàn phá trong các cuộc giao tranh. Ảnh: FNA

Phát ngôn viên Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc Rupert Colville hôm 9-12 cũng xác nhận có tình trạng các tay súng phiến quân đã cản trở người dân trốn chạy khỏi khu vực phía đông Aleppo về các khu vực do quân chính phủ kiểm soát. Trong khi đó, hôm 9-12 quân đội Nga cho biết, trong vòng 24 giờ họ đã giúp hơn 8.000 dân thường Syria, trong đó có 3.000 trẻ em, rời khỏi khu vực ở phía Đông Aleppo vốn đang do lực lượng phiến quân kiểm soát.

Quân đội Syria đã tiến hành tấn công hơn 2 tuần qua nhằm chiếm lại toàn bộ thành phố Aleppo. Đến thời điểm hiện tại, đã có 32/40 khu phố ở đông Aleppo được giải phóng. Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 8-12 cho rằng việc giành lại được Aleppo sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại nước này. Tuy vậy, cục diện chiến trường tại Aleppo vẫn còn hết sức phức tạp khi phía Nga cáo buộc Mỹ đang trì hoãn đàm phán về vấn đề rút phiến quân khỏi thành phố Aleppo nhằm "câu giờ" cho lực lượng này trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phủ nhận cáo buộc này.

6. Triển vọng bình thường hóa quan hệ EU - Cu-ba

Với việc các nước Liên minh châu Âu (EU) hủy bỏ “Quan điểm chung” của EU về Cu-ba và thông qua đề xuất ký kết Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác (PDCA), triển vọng mới đã được mở ra cho khả năng bình thường hóa hoàn tonaf quan hệ EU - Cu-ba.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini (Trái) và Ngoại trưởng Cu-ba Bruno Rodriguez trong một cuộc họp báo. Ảnh: kuwaittimes.net
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini (Trái) và Ngoại trưởng Cu-ba Bruno Rodriguez trong một cuộc họp báo. Ảnh: kuwaittimes.net

Cụ thể, sau cuộc họp tại Brussels ngày 6-12 vừa qua, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini tuyên bố: “Chúng ta thật sự đang ở bước ngoặt trong quan hệ giữa EU và Cu-ba. Bằng thỏa thuận mới này, EU đã sẵn sàng hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa kinh tế và xã hội của Cuba”. Dự kiến, PDCA sẽ được bà Federica Mogherini, các ngoại trưởng EU và Ngoại trưởng Cu-ba Bruno Rodriguez ký kết vào ngày 12-12 tới.

PDCA là thỏa thuận đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho mối quan hệ giữa EU và Cu-ba. Thỏa thuận này bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển kinh tế, hợp tác khu vực, môi trường, nhân quyền, giải trừ quân bị, di cư, ma túy và chống khủng bố. Những nội dung này đã được hai bên nhất trí đạt được sau 7 vòng đàm phán. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải được tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.

Như vậy, những bước đi mới đây của EU, vốn là động thái cụ thể hóa những thỏa thuận hai bên đạt được từ tháng 3 vừa qua, đang mở ra triển vọng mới cho việc bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Cu-ba, tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi thương mại hai chiều, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế đang dần mở của của Cu-ba.

7. Hà Lan tìm cách ngăn chặn Ukraine gia nhập EU

Hà Lan mới đây đã đưa thông điệp khẳng định nước này sẽ kiên quyết từ chối khả năng cho Ukraine gia nhập EU. Theo đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã yêu cầu các nhà lãnh đạo EU phải đảm bảo rằng thỏa thuận về liên kết với Ukraine sẽ không liên quan đến các vấn đề quốc phòng và không để tồn tại khả năng giúp Ukraine trở thành thành viên của EU.

Ảnh minh họa. Ảnh: sputniknews.com
Ảnh minh họa. Ảnh: sputniknews.com

Thủ tướng Mark Rutte khẳng định sẽ trình lên Quốc hội một đạo luật đề nghị không phê chuẩn thỏa thuận về liên kết EU - Ukraine nếu không đạt được yêu cầu nói trên. Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, người dân Hà Lan đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này vì lo ngại thỏa thuận sẽ buộc EU phải hỗ trợ tài chính hoặc quân sự cho Ukraine. Dù số lượng người tham gia trưng cầu thấp và cuộc bỏ phiếu cũng chỉ mang tính “tham khảo”, Chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ tuân thủ ý nguyện của người dân.

Thỏa thuận về liên kết EU - Ukraine có nội dung chủ yếu liên quan thương mại, quan hệ kinh tế và chính trị giữa các bên. Điều kiện để thông qua thỏa thuận này là nó phải được tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn. Hiện nhiều nước thành viên EU trong đó có Hà Lan kiên quyết phản đối khả năng cho Ukraine gia nhập EU, nhất là trong thời điểm nền kinh tế của EU đang có dấu hiệu bất ổn như hiện nay. Như vậy, thỏa thuận này sẽ vấp phải không ít khó khăn được có thể được thông qua.

Với việc thỏa thuận về liên kết EU - Ukraine đang gặp khó bởi sự phản đối của Hà Lan, triển vọng để Ukraine gia nhập EU như quốc gia này vẫn mong muốn vẫn còn rất mong manh.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.