Thứ Sáu, 05/05/2017, 22:02 (GMT+7)
.

Chủ tịch EC thừa nhận các sai lầm của EU trong vấn đề Brexit

Ngày 5-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã mô tả việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, là một "bi kịch" mà nguyên nhân một phần do hậu quả từ những sai lầm trong quá khứ của liên minh này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Nguồn: AFP/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Nguồn: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Florence, Italy, Chủ tịch Juncker đã cảnh báo về các cuộc đàm phán khó khăn sắp tới cũng như đưa ra những lời lẽ mang tính hòa giải hơn sau khi các cuộc tiếp xúc đầu tiên về tiến trình Brexit biến thành một cuộc "khẩu chiến" giữa giới chức EU và Anh.

Ông Juncker nêu rõ: "Những người bạn Anh đã quyết định rời khỏi (EU), đây là một thảm kịch... Tôi không muốn đánh giá thấp tầm quan trọng thực sự của quyết định mang tính chủ quyền của người dân Anh... Chúng tôi phải và sẽ đàm phán một cách công bằng với những người bạn Anh."

Ông Juncker cũng lưu ý rằng không phải EU từ bỏ Vương quốc Anh mà ngược lại, chính Anh đã rời bỏ EU và đây là một sự khác biệt cần được hiểu trong những năm sắp tới.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch EC cũng chia sẻ những lời phàn nàn của Anh về bộ máy quan liêu Brussels và việc can dự vào các vấn đề quốc gia. Ông thừa nhận EU "có một số điểm yếu" và điều này phần nào có thể lý giải cho kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi EU hồi tháng Sáu năm ngoái.

Theo ông Juncker, trong quá khứ, EU đã đưa ra quá nhiều quy định và có những động thái can thiệp sâu vào cuộc sống của người dân. Ủy ban này hiện đã cắt giảm mạnh các đề xuất lập pháp đối với các chính phủ thành viên EU từ 130 đề xuất/năm xuống còn 23, và đang tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường cũng như các chương trình thúc đẩy thương mại, tăng trưởng và việc làm.

Những tuyên bố của ông Juncker được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Anh Theresa May liên tục cáo buộc Brussels đang tìm cách can thiệp và gây ảnh hưởng lên kết quả của cuộc bầu cử tại Anh vào tháng Sáu tới.

Trong ngày 5/5, một số Bộ trưởng Anh cũng đã đồng loạt lên tiếng cáo buộc các quan chức của EC đang tìm cách "bắt nạt" Vương quốc Anh trước thềm diễn ra các cuộc đàm phán về Brexit kéo dài 2 năm.

Trao đổi với hãng BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho rằng các cuộc thương lượng về Brexit "chắc chắn sẽ dễ dàng hơn" nếu các quan chức EC không công khai các quan điểm của mình nhằm gây bất lợi cho tiến trình này.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis cáo buộc EC đang tìm cách gây sức ép với Anh, trước khi nước này tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào tháng Sáu tới. Ông nêu rõ: "Rõ ràng những gì đang diễn ra cho thấy EC đang cố gắng gây sức ép lên người dân Anh, nhưng Chính phủ Anh sẽ không cho phép điều đó xảy ra."
 
Trước đó một ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo đàm phán về Brexit có thể trở nên "bất khả thi" nếu nước Anh và EU không thể giảm bớt các cuộc khẩu chiến nặng nề.

Chủ tịch Tusk nhấn mạnh những cuộc đàm phán vốn dĩ đã rất khó khăn và nếu như hai bên bắt đầu tranh cãi ngay từ khi mọi việc chưa chính thức diễn ra, đàm phán sẽ trở nên không thể.

Giới phân tích nhận định các tuyên bố của Chủ tịch EC là một lời cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ đổ vỡ các cuộc đàm phán Brexit, điều có thể dẫn đến việc Anh ra đi mà không đạt được thỏa thuận về các điều khoản "ly hôn" hay một quá trình chuyển đổi để dễ dàng cho quốc gia này ra khỏi thị trường chung châu Âu.

Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 5/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán công bằng và mang tính xây dựng với Anh liên quan tới Brexit với mục đích duy trì một quan hệ đối tác tốt giữa hai nước.

Trong bài phát biểu tại thành phố Hamburg, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Dĩ nhiên chúng tôi cần và mong muốn nước Anh là một đối tác tốt trong tương lai." Nhà lãnh đạo Đức cho rằng các cuộc thương lượng về Brexit sẽ "cực kỳ phức tạp và căng thẳng."

Mặc dù nhận định trong tương lai, Anh sẽ có mối liên kết với EU kém chặt chẽ hơn so với hiện nay, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế, song bà Merkel vẫn khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ tốt với Anh trong các chính sách kinh tế, an ninh và quốc phòng.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/chu-tich-ec-thua-nhan-cac-sai-lam-cua-eu-trong-van-de-brexit/444755.vnp)

.
.
.