Thứ Hai, 29/05/2017, 06:21 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Hiểm họa khủng bố lan rộng

Thế giới vừa phải trải qua một tuần ám ảnh bởi nỗi lo khủng bố trỗi dậy, khi nhiều khu vực trở thành mục tiêu để các phần tử cực đoan, trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện các vụ tấn công đẫm máu nhằm phô trương sức mạnh và thanh thế của chúng.

1. IS vươn “vòi bạch tuộc” tới Đông Nam Á

IS tiếp tục reo rắc nỗi kinh hoàng tại khu vực Đông Nam Á khi liên tiếp tiến hành các vụ tấn công đẫm máu tại Philippines và Indonesia.

 Cờ của IS được cắm sau khi phiến quân chiếm được thành phố. Ảnh: Minda News
Cờ của IS được cắm sau khi phiến quân chiếm được thành phố. Ảnh: Minda News

Tại Philippines, ngày 24-5 các tay súng Hồi giáo cực đoan đã bắt cóc một linh mục cùng một số tín đồ tại một nhà thờ Thiên chúa giáo ở Marawi, đảo Mindanao miền Nam nước này. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ban bố thiết quân luật tại khu vực Mindanao và tuyên bố lệnh này có thể kéo dài 1 năm.

Hàng chục tay súng phiến quân đã chiếm tòa thị chính, một nhà tù, đốt cháy một nhà thờ Công giáo, một trường đại học và vài ngôi nhà. Tại một vài vị trí trong thành phố, lực lượng này đã cắm các lá cờ đen của IS. Như vậy, Marawi trở thành thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á bị lực lượng trung thành với IS kiểm soát. Hàng nghìn người dân thành phố đã phải sơ tán đến các địa phương khác để lánh nạn.

Trước đó, giao tranh tại Marawi bùng phát sau khi lực lượng an ninh đột kích một ngôi nhà nghi là nơi ẩn náu của thủ lĩnh của nhóm phiến quân Abu Sayyaf, đồng thời là phần tử đứng đầu nhánh IS tại Philippines. Các cuộc giao tranh đã khiến hàng chục người chết và bị thương. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi phiến quân chặt đầu một cảnh sát trưởng địa phương.

Chiến dịch truy quét vẫn đang được tăng cường, song gặp nhiều khó khăn do phiến quân Hồi giáo vẫn đang ẩn nấp trong các tòa nhà dân thường cư trú và nắm giữ nhiều con tin, trong khi đó lực lượng này cũng đã gài nhiều bom tự tạo trên đường ở thành phố này.

 Các nhân viên pháp y Indonesia đưa thi thể các nạn nhân rời khỏi hiện trường. Ảnh: AP
Các nhân viên pháp y Indonesia đưa thi thể các nạn nhân rời khỏi hiện trường. Ảnh: AP

Tại Indonesia, tối 24-5, hai vụ nổ bom liên tiếp đã xảy ra tại trạm xe buýt nhanh Transjakarta ở khu vực phía Đông thủ đô Jakarta, khiến 5 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Kết quả điều tra tại hiện trường cho thấy những kẻ đánh bom liều chết đã giấu chất nổ trong nồi áp suất cùng đinh và đạn chì để tăng tính sát thương. Hung thủ thực hiện vụ đánh bom được xác định là hai đối tượng khủng bố nằm trong danh sách bị truy nã. IS đã thừa nhận đứng đằng sau hai vụ đánh bom này.

2. Khủng bố đẫm máu tại Anh và nhiều nước

Tối 22-5 đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết tại sân vận động Manchester Arena ở thành phố Manchester của Anh, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, cùng với 59 người khác bị thương. Phiến quân IS tuyên bố đứng đằng sau vụ đánh bom liều chết này.  

Cảnh sát có mặt tại sân vận động Manchester sau vụ nổ. Ảnh: Peter Byrne/PA
Cảnh sát có mặt tại sân vận động Manchester sau vụ nổ. Ảnh: Peter Byrne/PA

Thủ tướng Theresa May đã lên án vụ tấn công là "sự toan tính tàn nhẫn", khi đối tượng kích nổ quả bom giấu trong người, tại cổng ra của sân vận động và nhằm cả vào trẻ em. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Anh kể từ khi 4 phiến quân Hồi giáo cực đoan đánh bom liều chết nhằm hệ thống giao thông của London hồi tháng 7-2005 làm 52 người thiệt mạng. Vụ việc như một lời thách thức những nỗ lực an ninh trong thời gian qua, khi các phần tử cực đoan sẵn sàng tiến hành cuộc “Thánh chiến” ngay trong lòng châu Âu.  

Tại Ai Cập, ngày 26-5, một nhóm phiến quân IS đã tiến hành vụ tấn công nhằm vào chiếc xe buýt chở những người theo đạo Cơ đốc giáo tại tỉnh Minya khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương.

Tại Afghanistan, ngày 27-5, một quan chức an ninh địa phương cho biết ít nhất 18 người đã thiệt mạng và một số người bị thương trong một vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào một khu vực đông đúc ở thành phố Khost, giáp biên giới Pakistan. Cùng ngày, phiến quân đã tấn công lực lượng an ninh tại huyện Qadis, tại tỉnh Badghis, tây bắc Afghanistan, làm 6 nhân viên an ninh và 8 dân thường thiệt mạng.

3. Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo

Ngày 22-5, Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung mới, qua đó đánh dấu vụ thử thành công thứ 2 trong vòng một tuần.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, ông Kim Jong-un đã ra lệnh triển khai loại tên lửa này trong hoạt động tác chiến của quân đội Triều Tiên. Ảnh: Rodong Sinmun
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, ông Kim Jong-un đã ra lệnh triển khai loại tên lửa này trong hoạt động tác chiến của quân đội Triều Tiên. Ảnh: Rodong Sinmun

Bình Nhưỡng cho biết, vụ phóng thử nhằm kiểm tra lần cuối cùng các thông số kỹ thuật và khả năng thích nghi của tên lửa trước khi được trang bị cho các đơn vị chiến đấu. Ngay sau đó, Triều Tiên đã công bố 58 bức ảnh màu về Trái Đất chụp từ không gian với lời chú thích: "Vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất Pukguksong-2 đã một lần nữa thành công". Đáng chú ý trong số những hình ảnh này là 5 bức ảnh được cho là chụp trong lúc tên lửa Pukguksong-2 tiến vào bầu khí quyển.

Trước đó, hôm 21-5, Mỹ và Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo về phía Đông. Tên lửa đã bay được khoảng 500km trước khi rơi xuống khu vực ngoài khơi phía Đông Hàn Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ trích vụ phóng tên lửa mới nhất này của Triều Tiên là"liều lĩnh và vô trách nhiệm", làm tiêu tan hy vọng hòa bình.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành họp khẩn và kịch liệt lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Trong một tuyên bố đồng thuận, trong đó có cả sự ủng hộ của Trung Quốc, HĐBA LHQ đã yêu cầu tăng cường thực thi một loạt các biện pháp mạnh mẽ đã được ban hành hồi năm ngoái. HĐBA LHQ cũng nhất trí sẽ "tiến hành thêm các biện pháp đáng kể trong đó có trừng phạt" để buộc Triều Tiên thay đổi thái độ và ngừng "các hành động gây bất ổn".

4. Người Hồi giáo bắt đầu tháng lễ Ramadan

Ngày 27-5, hơn 1,6 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới đã bắt đầu tháng lễ Ramadan - dịp lễ trọng lớn nhất trong năm của đạo Hồi. Trong tháng lễ kéo dài từ 29-30 ngày này, các tín đồ Hồi giáo sẽ phải nhịn ăn, nhịn uống thậm chí cả nước và quan hệ tình dục kể từ khi Mặt Trời mọc đến lúc Mặt Trời lặn.

 Người Hồi giáo ở Philippines cầu nguyện trong ngày Lễ. Ảnh Reuters
Người Hồi giáo ở Philippines cầu nguyện trong ngày Lễ. Ảnh Reuters

Đối với người Hồi giáo, đây là tháng linh thiêng trong năm bởi họ tin rằng kinh Koran được hoàn thành vào tháng này. 5 hành vi bắt buộc trong tháng lễ Ramadan gồm: Cầu nguyện (mỗi tín đồ cầu nguyện 5 lần một ngày); nhịn ăn uống; bố thí cho người nghèo; hành hương về Thánh địa Mecca và chiến đấu để bảo vệ tôn giáo khi cần. Tất cả những người theo đạo Hồi đều phải tham gia lễ Ramadan. Tuy nhiên, những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi được miễn trừ.

5. Tổng thống Mỹ Donald Trump công du nước ngoài, củng cố chính sách "Nước Mỹ trên hết"

Tạm gác lại những vấn đề nội bộ, ngày 20-5,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới một loạt nước đối tác là: Saudi Arabia, Israel, Vatican, Bỉ và Italy. Chuyến đi dài 8 ngày này của ông Trump nhằm mục đích củng cố quan hệ đồng minh, mở rộng đối tác, bảo vệ thiết thực lợi ích quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump . Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump . Ảnh: AP

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Ả Rập Saudi, ông Trump đã “gặt hái” nhiều thành công, khi hai bên cam kết duy trì mối quan hệ hữu nghị lâu đời, tăng cường đối tác chiến lược và đồng minh quân sự. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, với tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD, đặc biệt là hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ trị giá 110 tỷ USD.   

Tại điểm “nóng” Trung Đông, một trong những vấn đề gai góc nhất là tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine được chú ý đặc biệt khi Tổng thống Mỹ gặp cả Thủ tướng Israel lẫn Tổng thống Palestine trong chuyến thăm. Tổng thống Donald Trump đã hối thúc hai bên xây dựng lòng tin và kiềm chế bạo lực để hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Theo ông, người dân Israel và Palestine có thể đạt được một thỏa thuận. Mặc dù nhấn mạnh chính quyền Mỹ cam kết giúp đỡ cả hai bên xây dựng hòa bình, song ông Trump vẫn không công khai ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” như những người tiền nhiệm.

Chính sách “nước Mỹ trên hết” cũng được ông Donald Trump tái khẳng định trong chuyến đi tới châu Âu và tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của NATO. Tại các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, hai bên đã thống nhất quan điểm về cuộc chiến chống khủng bố, song thừa nhận vẫn còn những vấn đề đang bỏ ngỏ, như: biến đổi khí hậu hay chính sách tự do thương mại. khi tham dự. Ông Trump đã chỉ trích các nước NATO không đóng tài chính đầy đủ và từ chối nhắc lại cam kết của Mỹ đối với quy định tương hỗ quốc phòng của liên minh.  

6. Hiểm họa “lỗ hổng” an ninh mạng  

Ngày 25-5, Bộ An ninh nội địa Mỹ thông báo các chuyên gia an ninh mạng đã phát hiện một “lỗ hổng” mới trong một phần mềm mạng được sử dụng rộng rãi, đặt ra nguy cơ hàng chục nghìn máy tính có thể bị tấn công tương tự vụ tấn công mạng toàn cầu do mã độc WannaCry mới đây. Đây là lỗ hổng "rất dễ bị khai thác" vì chỉ cần 15 phút để phát triển phần mềm chứa mã độc tấn công.

 Ảnh minh họa. Nguồn: sggp.org.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: sggp.org.vn

Công ty an ninh mạng Rapid7 cho biết, đã phát hiện lỗ hổng an ninh ở hơn 100.000 máy tính chạy hệ điều hành Linux và Unix đang dùng các phiên bản của phần mềm miễn phí Samba và khả năng con số này còn nhiều hơn thế.  

Đến thời điểm hiện tại, ước tính đã có hơn 300.000 máy tính tại 150 nước trên toàn thế giới bị tê liệt do mã độc Wanna Cry.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.