Chủ Nhật, 04/06/2017, 14:19 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Rạn nứt và đổ vỡ

Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế; nỗi lo gia tăng hoạt động khủng bố ở nhiều nơi trên thế giới là những diễn biến nổi bật về tình hình thế giới tuần qua. Cùng với đó, dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới các vấn đề được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 16.

1. Triều Tiên tiếp tục là tâm điểm quan ngại

Bất chấp các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc và sự phản đối của các quốc gia liên quan, trong đó có cả đồng minh thân cận là Trung Quốc, Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng thử tên lửa. Vụ phóng thử tên lửa gần đây nhất của quốc gia Đông Bắc Á này được tiến hành vào rạng sáng ngày 29-5. Một quả tên lửa tầm ngắn đã được phóng đi từ sân bay Wonsan và bay khoảng 450km trong thời gian 6 phút trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

 Hình ảnh do Triều Tiên công bố về tên lửa được phóng thử thành công hôm 29-5. Ảnh: KCNA
Hình ảnh do Triều Tiên công bố về tên lửa được phóng thử thành công hôm 29-5. Ảnh: KCNA

Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 tuần liên tiếp Triều Tiên phóng thử tên lửa. Trước đó, ngày 14-5, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo có khả năng đạt tới độ cao 2.100km, một bước phát triển mới trong việc nắm bắt công nghệ phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn vươn tới đảo Guam của Mỹ. Chỉ 1 tuần sau đó, ngày 21-5, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng một quả tên lửa tầm trung vào vùng biển phía Đông nước này.

Tần suất phóng thử tên lửa dày đặc của Triều Tiên đang khiến an ninh khu vực đứng trước nguy cơ lớn hơn, không chỉ về phía Triều Tiên mà còn từ các động thái của các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ. Ngày 1-6, Tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản và 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 3 ngày trên vùng biển Nhật Bản nhằm gây sức ép lên Triều Tiên, ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này. Nhiều quốc gia khác cũng cam kết hợp tác đối phó với vấn đề tên lửa Triều Tiên.

Ngày 2-6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã đưa ra một dự thảo nghị quyết mới về trừng phạt Triều Tiên liên quan các vụ thử tên lửa của nước này. Theo đó, dự thảo đã đưa thêm 14 cá nhân và 4 thực thể vào danh sách áp dụng lệnh trừng phạt. Trong một diễn biến liên quan, Nga tuyên bố sẽ không phủ quyết nghị quyết này của Hội đồng Bảo an.

Kể từ năm 1993 tới nay, Triều Tiên đã tiến hành 30 vụ phóng thử tên lửa với tần suất ngày càng dày đặc hơn, ngày càng nâng cao tầm bắn và các tính năng của tên lửa hơn, gây quan ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2017 tới nay, chương trình tên lửa và phát triển hạt nhân của Triều Tiên liên tục là điểm nóng và tâm điểm quan ngại của cộng đồng quốc tế.

2. Khủng hoảng di cư vẫn tiếp diễn

Cuộc khủng hoảng di cư và hậu quả kéo theo là khủng hoảng nhân đạo vẫn đang diễn ra trên diện rộng trên lãnh thổ các quốc gia châu Phi. Theo báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), từ 22 đến 28-5 đã có 158 người mất tích trên biển Địa Trung Hải và từ đầu năm đến nay đã có 1.281 người thiệt mạng ngoài khơi Libya.

 Người tị nạn Syria ở các trại tị nạn của UNHCR. Ảnh: Gettyimages
Người tị nạn Syria ở các trại tị nạn của UNHCR. Ảnh: Gettyimages

Làn sóng di cư do nội chiến, mối đe dọa từ các nhóm khủng bố ở các quốc gia châu Phi đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm buôn người, tội phạm có vũ trang trục lợi. Theo thông báo của Cơ quan di trú Liên hợp quốc, người di cư dọc theo tuyến đường Bắc Phi vào châu Âu hiện đang bị mua bán công khai như các món hàng tại các thị trường nô lệ hiện đại. Mới đây, hãng tin Global Post đăng tải thông tin trẻ em Nam Xu-đăng ồ ạt rời bỏ nước này đi tị nạn do hậu quả tàn phá của cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2013 đến nay. Theo thống kê, đã có 1/5 trẻ em Nam Xu-đăng bỏ nhà tìm đến tị nạn ở các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Uganda.

Trước nguy cơ khủng hoảng lan rộng, Liên hợp quốc đã kêu gọi huy động hơn 75 triệu USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư tại Libya. Tuy nhiên, mấu chốt để giải quyết vấn nạn di cư ở các quốc gia châu Phi không phải là việc cung cấp nơi ở và nhu yếu phẩm cho người tị nạn mà phải là việc dàn xếp xung đột giữa các phe phái, tái thiết lập tình trạng luật pháp và duy trì an ninh, đẩy lùi mối đe dọa từ khủng bố tại các quốc gia này. Đây là công việc đòi hỏi sự chung tay của các quốc gia liên quan, các quốc gia có trọng trách, trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng.

3. Tranh cãi xung quanh hệ thống THAAD

Tuần qua, việc Mỹ lắp đặt và vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc lại nóng lên với tranh cãi từ các bên liên quan, trong đó có sự phản đối của Nga, Triều Tiên và Trung Quốc đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này.

 Hệ thống Phòng thủ tên lửa THAAD được triển khai tại Seongju, Hàn Quốc ngày 30-5. Ảnh: TTXVN
Hệ thống Phòng thủ tên lửa THAAD được triển khai tại Seongju, Hàn Quốc ngày 30-5. Ảnh: TTXVN

Kế hoạch triển khai hệ thống THAAD đã được thông qua dưới thời Tổng thống Park Guen-hye nhưng mới chỉ được triển khai gấp rút trong thời gian gần đây. Tổng thống Hàn Quốc hiện tại Moon Jae-in trước đó từng kêu gọi tạm dừng triển khai THAAD do kế hoạch này được đưa ra dưới thời Tổng thống Park Geun-hye chưa tham vấn người dân. Làn sóng phản đối THAAD cũng dấy lên ở Hàn Quốc tại thời điểm trước cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Mới đây nhất, chính phủ Hàn Quốc cũng phải điều tra xác thực thông tin cho rằng Bộ Quốc phòng nước này đã “che giấu” thông tin về một số bệ phóng THAAD được đưa thêm vào Hàn Quốc.

Phản ứng trước việc Hàn Quốc tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đặc biệt quan ngại về việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc; đe dọa phá vỡ cân bằng chiến lược ở khu vực và không có lợi cho việc thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hòa bình, ổn định khu vực. Trung Quốc phản đối và kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc là một “thách thức an ninh” đối với Nga và nước này sẽ không nhắm mắt làm ngơ. Ông Putin cũng khẳng định Nga đang tìm cách đối phó với chiến lược mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Như vậy, kể từ khi bắt đầu triển khai, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc đã vấp phải không ít khó khăn, nhất là từ người dân nơi hệ thống này được triển khai và các quốc gia lân cận với Hàn Quốc. Việc triển khai THAAD rất có thể sẽ còn gặp thêm nhiều khó khăn và sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cũng xác nhận sẽ không dừng triển khai hệ thống này và nếu có kéo dài thời gian thì việc đó là cần thiết nhằm đảm bảo đánh giá tác động môi trường và ảnh hưởng tới đời sống người dân gần địa điểm có triển khai các bộ phận của hệ thống THAAD.

4. Nỗi lo khủng bố lại gia tăng

Thế giới còn chưa hết bàng hoàng trước việc chiếc vòi bạch tuộc của IS đã vươn tới nước Anh thì lại tiếp tục phải nhận thêm tin xấu về nguy cơ gia tăng khủng bố ở nhiều nơi ở châu Á.

 Hiện trường vụ nổ bom ở khu trung tâm ngoại giao tại Kabul ngày 31-5. Ảnh: Reuters
Hiện trường vụ nổ bom ở khu trung tâm ngoại giao tại Kabul ngày 31-5. Ảnh: Reuters

Tại Afghanistan, ngày 31-5, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ngay giữa Thủ đô Kabul của Afghanistan khiến ít nhất 90 người thiệt mạng và 400 người khác bị thương, phần lớn trong số đó là thường dân. Khu vực xảy ra vụ nổ là nơi tập trung nhiều đoàn ngoại giao các nước và gần dinh Tổng thống. Vụ nổ khiến Afghanistan và cả thế giới rúng động bởi khu vực bị đánh bom vẫn được coi là nơi an toàn nhất ở quốc gia châu Á này. Nhiều nhóm khủng bố đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng những vụ đánh bom như thế này ở Afghanistan thường do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và Taliban tiến hành. Taliban lên tiếng khẳng định không liên quan tới vụ khủng bố.

Đêm 1-6, IS tiếp tục nhận trách nhiệm về vụ xả súng ở sòng bài và gây ra cái chết cho 34 người tại một khu nghỉ dưỡng ở Philippines. Theo thông từ IS, các chiến binh “con sói đơn độc” của tổ chức này đã thực hiện vụ thảm sát nói trên. Mặc dù tay súng không gây thương tích cho ai, đã hơn 50 người bị thương do hoảng loạn và nhảy ra khỏi sòng bài. 34 thi thể được tìm thấy không có vết đạn mà có dấu hiệu bị chết ngạt. Tay súng nghi phạm gây ra vụ xả súng đã tự thiêu sau đó. Vụ tấn công xảy ra ngay trong lúc các cơ quan an ninh Philippines đang đau đầu với các tay súng thề trung thành với IS ở Marawi.

Những vụ khủng bố liên tiếp xảy ra thời gian gần đây cho thấy lỗ hổng an ninh ở nhiều nơi trên thế giới đang bị các tổ chức khủng bố khai thác và nhiều địa điểm tưởng chừng như an toàn nhất lại trở nên dễ bị tổn thương. Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục chung tay, tăng cường đấu tranh, không thỏa hiệp với chủ nghĩa khủng bố.

5. Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

Ngày 1-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những nội dung cam kết ông Trump đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của mình. Lý do được Nhà trắng đưa ra cho việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là do lo ngại hiệp định này sẽ làm xói mòn kinh tế Mỹ, gia tăng giá nhiên liệu, gây rủi ro pháp lý và đặt nước Mỹ vào thế bất lợi.

Các nhà lãnh đạo thông qua Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu tại COP21. Ảnh: UN
Các nhà lãnh đạo thông qua Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu tại COP21. Ảnh: UN

Ngay sau khi quyết định của ông Trump được đưa ra, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích Tổng thống Donald Trump là đã “chối bỏ tương lai” và tin tưởng rằng các bang, thành phố và doanh nghiệp Mỹ sẽ đứng lên hành động để bảo vệ hành tinh. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ vô điều kiện đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bất kể Mỹ có quyết định rút khỏi thỏa thuận này hay không.

Như vậy, Donald Trump là Tổng thống Mỹ thứ hai rút khỏi một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu. Trước đó, tháng 3-2001, Tổng thống George W. Bush cũng đã tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Nghị định thư Kyoto được 140 quốc gia phê chuẩn năm 1997. Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có phạm vi rộng hơn với 195 nước thành viên và được Tổng thống Mỹ Obama ký kết tham gia vào năm 2015, cam kết cho tới 2025 Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải từ 26% - 28% so với mức năm 2005.

6. Đối thoại Shangri-La

Ngày 2-6, Hội nghị cấp cao An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 16 đã khai mạc tại Singapore với sự tham dự của khoảng 40 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Australia... Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu khai mạc đối thoại. Đối thoại Shangri-La năm nay được tổ chức trong bối cảnh an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, đặc biệt là các động thái quân sự của Mỹ và chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Khai mạc Đối thoại Shangri-La. Ảnh: TTXVN
Khai mạc Đối thoại Shangri-La. Ảnh: TTXVN

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 sẽ có 5 phiên thảo luận chính thức là: Mỹ và an ninh châu Á-Thái Bình Dương; Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á - Thái Bình Dương; Xây dựng nền tảng an ninh khu vực chung; và Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực. Nội dung tâm điểm tại các phiên thảo luận sẽ đề cập khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và chính sách an ninh châu Á của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Vấn đề Biển Đông cũng sẽ được đề cập trong phiên thảo luận về “các biện pháp tránh xung đột trên biển” trong bối cảnh tình hình an ninh hàng hải trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những diễn biến ngày càng phức tạp.

Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh thường niên được tổ chức bởi Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS). Diễn ra lần đầu tiên vào năm 2002, Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn an ninh liên chính phủ cho các thảo luận và phân tích chuyên sâu về các vấn đề an ninh-quốc phòng trong và ngoài khu vực. Tuy không phải là diễn đàn an ninh chính thức, Đối thoại Shangri-La là nơi giúp tạo ra các kênh chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các nhà hoạch định chính sách quốc phòng và an ninh. Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ diễn ra đến hết ngày 4-6.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.