Thế giới tuần qua: Bất ổn gia tăng
Sau khi chịu nhiều tổn thất và bị thu hẹp địa bàn hoạt động tại Trung Đông, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tìm đường tháo chạy tới Đông Nam Á. Cảnh báo trên được nhà chức trách Malaysia đưa ra trong bối cảnh Indonesia vừa đập tan âm mưu đánh bom hàng loạt và việc các tay súng trung thành với IS tìm cách lập "thành trì" tại Philippines.
1. Diễn biến mới trong cuộc chiến chống IS
Cuộc chiến chống IS tại Iraq đã đạt được bước tiến quan trọng khi ngày 10-7, Thủ tướng nước này Haider al-Abadi tuyên bố quân đội đã giải phóng thành phố Mosul khỏi sự chiếm đóng của phiến quân. Với chiến thắng này, lực lượng chính phủ Iraq có thể thu hồi được 50% diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc, từ đó có thể chặn đứng tuyến đường di chuyển của các tay súng và vận tải vũ khí của chúng.
Binh sĩ Iraq trong chiến dịch chống IS tại Mosul. Ảnh: EPA/TTXVN |
Mosul từng là thủ đô trên thực tế của IS. Tại đây vào năm 2014, IS đã tuyên bố thành lập cái gọi là "Vương quốc hồi giáo", bao trùm các vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria. Thành phố này đã bị tàn phá gần như hoàn toàn, hàng nghìn người thương vong, trong khi hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Liên quan tới các phần tử IS, ngày 10-7, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cảnh báo, sau khi chịu nhiều tổn thất tại Trung Đông, các phần tử IS đang tìm đường tháo chạy sang Đông Nam Á.
Trong khi đó, lực lượng an ninh Indonesia cũng vừa đập tan âm mưu đánh bom hàng loạt tại một số địa điểm công cộng tại Bandung - thủ phủ tỉnh Tây Java của nước này. Đối tượng bị bắt đã khai nhận âm mưu đặt bom ở một số địa điểm công cộng ở thành phố. Các cuộc tấn công đều có chung mục tiêu nhằm vào người "không phải đạo Hồi". Để ngăn chặn sự mở rộng của những nhóm Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ban hành một sắc lệnh cấm các nhóm phản đối hệ tư tưởng chính thức của nhà nước hoạt động. Theo đó, bất kỳ tổ chức nào vi phạm Pancasila, một bộ quy tắc nền tảng của nước này có thể bị giải tán mà không cần xét xử.
Hiện Indonesia, Philippines và Malaysia đang phối hợp tăng cường tuần tra đường biển để ngăn chặn tay súng IS vượt biên xâm nhập vào các nước này.
2. Tấn công khủng bố đẫm máu tại nhiều nước
Mặc dù đã suy yếu và đang bị chia rẽ, nhưng nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Nigeria và Cameroon.
Vụ đánh bom đẫm máu tại Maiduguri. Ảnh: independent.co.uk |
Tối 12-7, tại thành phố chiến lược Maiduguri, Đông Bắc Nigeria, Boko Haram đã tiến hành 4 vụ đánh bom liều chết xảy ra gần như cùng lúc, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng và 23 người bị thương. Lực lượng chức năng cho biết 4 đối tượng nữ đã cho kích hoạt thuốc nổ mang theo người. Hầu hết nạn nhân của vụ tấn công này là dân quân tự vệ đang trực tại các trạm kiểm soát an ninh.
Trước đó, ngày 11-7, nhóm Hồi giáo cực đoan này cũng đã tung ra một đoạn video ghi lại cảnh hành quyết công khai 8 người dân tại khu vực miền Đông Bắc Nigeria vì tội chống đối luật Sharia, cùng những hình ảnh về các hình phạt như ném đá đến chết, chặt đầu, cắt chi hay đánh bằng roi... cho những tội lỗi khác.
Trong khi đó tại Cameroon, tối 12-7, hai đối tượng đánh bom liều chết đã thực hiện vụ nổ tại thành phố Waza, khiến 14 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương.
Tại Syria, ít nhất 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi một đối tượng đánh bom liều chết lái xe tải chứa đầy chất nổ đâm vào một đám đông những phần tử thánh chiến nổi dậy ở gần thành phố Idlib, miền Tây Bắc nước này.
Còn tại Ấn Độ, ngày 11-7 cảnh sát đã ban hành tình trạng an ninh cao ở New Delhi, chỉ vài giờ sau khi 7 người hành hương Amarnath Yatra bị sát hại và 15 người bị thương trong một vụ tấn công khủng bố ở huyện Anantnag, thuộc bang Jammu và Kashmir.
3. Báo động về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza
Ngày 11-7, Liên hợp quốc (LHQ ) cho biết, sau một thập kỷ nằm dưới sự quản lý của lực lượng Hamas, điều kiện sống của 2 triệu người Palestine tại Dải Gaza ngày một xấu đi với tốc độ "nhanh hơn nhiều" so với dự đoán.
Một gia đình người Palestine ở Gaza. Ảnh: EPA/TTXVN |
Hiện tại Gaza, các dịch vụ y tế tiếp tục xấu đi và cuộc sống của người dân tại đây ngày một khốn khó. Các mạch nước ngầm ven biển, nguồn nước duy nhất của Dải Gaza dự đoán sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2020 nếu không có ngay những giải pháp xử lý. Việc tiếp cận các nguyên liệu cần thiết để giúp nền kinh tế Gaza, hạ tầng cơ sở và các dịch vụ cơ bản vẫn bị hạn chế nghiêm trọng. Nguồn cung cấp điện đã sụt giảm xuống chỉ còn 90 megawatts, trong khi nhu cầu là 450 megawatts.
Điều phối viên của LHQ về các hoạt động phát triển và viên trợ nhân đạo Robert Piper cho biết Dải Gaza "đang trượt dài trong tình trạng giảm phát triển" và cảnh báo "Gaza sẽ rơi vào tình cảnh bị cô lập và tuyệt vọng hơn nữa. Nguy cơ xung đột bùng phát trở lại và leo thang sẽ tăng lên, triển vọng hòa giải, hòa bình sẽ trở nên mờ mịt.
4. Nga tuyên bố "hết kiên nhẫn" trong tranh cãi ngoại giao với Mỹ
Mặc dù Tổng thống Nga và Mỹ đã có cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức, tuy nhiên những bế tắc trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước vẫn chưa được khơi thông.
Người phát ngôn điện Kremlin- Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters |
Ngày 12-7, Điện Kremlin cho biết Nga đã hết kiên nhẫn trong vụ tranh cãi ngoại giao với Mỹ liên quan tới việc Washington tịch biên tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ và trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào năm 2016. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, xét theo quan điểm trong Luật quốc tế, Nga không thể chịu đựng vụ việc này lâu dài cũng như để mặc vụ việc mà không có bất cứ biện pháp đáp trả nào.
Trước đó, báo Izvestia dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moskva đang lên kế hoạch trục xuất gần 30 nhà ngoại giao Mỹ và tịch biên một số tài sản của Mỹ tại Nga. Biện pháp này của Moskva được cho là nhằm đáp trả quyết định của Washington không trả lại tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ bị tịch biên. Moskva nhấn mạnh nước này không muốn áp đặt các biện pháp tương tự song không thể không đáp trả hành động của Mỹ.
Cuối tháng 12-2016, chính quyền Washington đã thông qua một gói biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc “can thiệp bầu cử” và “gây áp lực lên các nhà ngoại giao” Mỹ đang làm việc tại Nga. Trong số các biện pháp trừng phạt có việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và tịch biên một số tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ.
5. Hòa đàm Syria tại Geneva kết thúc không có đột phá
Ngày 14-7, vòng hòa đàm thứ 7 về Syria do LHQ bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ, đã kết thúc mà không có được bước đột phá. Các bên vẫn chưa đưa ra những quan điểm rõ ràng và thực chất về 4 vấn đề trọng tâm. Bốn vấn đề này bao gồm một bản hiến pháp mới, quyền điều hành đất nước, các cuộc bầu cử và cuộc chiến chống khủng bố.
Người dân Syria bị mắc kẹt giữa cuộc chiến. Ảnh: Reuters |
Trước đó cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Syria, ông Bashar al-Jaafari, cho rằng có khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp với phe đối lập. Về phần mình, trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập lại cáo buộc chính phủ Syria chỉ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố và phớt lờ vấn đề chuyển giao quyền lực.
Cũng về vấn đề Syria, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất thành lập một nhóm liên lạc về vấn đề Syria. Trong khi đó hồi tuần trước Mỹ, Nga và Jordan đã công bố một thỏa thuận ngừng bắn và "giảm leo thang" ở Tây Nam Syria. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 9-7 và cơ bản đang được thực thi dù giao tranh vẫn diễn ra rải rác ở một số nơi.
6. Thời tiết diễn biến cực đoan tại nhiều nước
Ngày 11-7, mưa bão tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực Tây Nam Nhật Bản, vốn đang phải khắc phục hậu quả trận mưa lũ làm ít nhất 25 người thiệt mạng và 25 người mất tích.
Tại Ấn Độ, số nạn nhân thiệt mạng sau 8 ngày mưa lũ tại khu vực Đông Bắc đã lên đến 85 người, sinh hoạt của hơn 1,75 triệu người dân tại bang Assam đang bị ảnh hưởng.
Hình ảnh lũ lụt tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Ảnh: Chinanews |
Tại Trung Quốc, trong khi các tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung nước này nóng bức, thì các tỉnh phía Nam lại bị lũ lụt tàn phá.
Theo thống kê của Bộ Dân chính Trung Quốc, mưa bão kéo dài nhiều ngày qua đã làm ít nhất 8 người thiệt mạng và 2 người mất tích. Hơn 11.000 người tại Trùng Khánh, Vân Nam, Quý Châu, Giang Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam và Tứ Xuyên phải đi sơ tán, 1.000 ngôi nhà bị phá hủy. Trong khi đó tại các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây và Tân Cương thời tiết ngày càng nóng nực, có nơi nhiệt độ lên đến 49 độ C.
Nền nhiệt độ tăng cao cũng xảy ra tại một số nước châu Âu. Tại Hy Lạp nhiệt độ môi trường vượt quá 39 độ C, khiến nhà chức trách nước này phải đóng cửa một loạt các điểm tham quan du lịch khảo cổ. Còn tại Tây Ban Nha, nhiệt độ có nơi lên đến 40 độ C, khiến 1 công nhân làm đường thiệt mạng.
(Theo qdnd.vn)