Mỹ: Thêm 4 bang kiện chính quyền Tổng thống Trump do bãi bỏ DACA
Ngày 11-9, thêm chính quyền 4 bang ở Mỹ gồm California, Maine, Maryland và Minnesota đã chính thức khởi kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump về việc hủy bỏ Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ (gọi tắt là DACA), nâng tổng số chính quyền địa phương đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ về quyết định này lên con số 20.
Người dân tuần hành phản đối sắc lệnh ngừng Chương trình DACA của Tổng thống Mỹ tại thành phố Los Angeles ngày 5-9. Nguồn: AFP/TTXVN |
Trong đơn kiện, Tổng Chưởng lý bang California Xavier Becerra cho rằng chương trình DACA đã tạo điều kiện cho hơn 800.000 người trở thành những người Mỹ và mang lại lợi ích cho xã hội.
Ông đồng thời nhấn mạnh hiện có tới 1/4 số người theo diện DACA là cư dân bang California và điều này có đóng góp tích cực cho sự phát triển về kinh tế của bang.
Ngoài ra, các tổng chưởng lý của 4 bang trên cũng cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Trump là hành vi phân biệt đối xử với những người nhập cư, vi phạm nguyên tắc xét xử công bằng được quy định trong Hiến pháp Mỹ cũng như gây thiệt hại cho cư dân, các thể chế và nền kinh tế của các bang này.
Họ nhấn mạnh những người này luôn tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ và xứng đáng được ở lại nước Mỹ để cống hiến và thực hiện "giấc mơ Mỹ" của mình.
Theo một nghiên cứu công bố tháng 1/2017, chỉ tính riêng đối với California, việc chấm dứt DACA có thể gây thiệt hại cho bang này tới 11,3 tỷ USD/năm, nhiều hơn bất kỳ so với bang nào khác.
Trước đó, ngày 5/9, bất chấp những lời cảnh báo của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định bãi bỏ DACA và kêu gọi Quốc hội thông qua cải cách luật nhập cư trên diện rộng, coi đây là cơ hội để Quốc hội thật sự hành động.
Với quyết định này, hàng trăm nghìn người nhập cư đang ở độ tuổi 20 sẽ có từ 6 đến 24 tháng trước khi chính thức bị coi là nhập cư bất hợp pháp và phải đối mặt với lệnh trục xuất. Quyết định đã vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước và các nước khu vực Mỹ Latinh như Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras - vốn có số lượng lớn công dân thuộc diện được DACA bảo trợ.
Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những đối tượng đến Mỹ bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi.
Chương trình này cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất, có nghĩa chính phủ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ.
Những người này có thể tái nộp đơn xin DACA nếu họ vẫn đáp ứng yêu cầu.
Cơ quan Di trú và công dân sẽ quyết định từng trường hợp có thể ở lại hay không. Tuy nhiên, trong thông báo bãi bỏ DACA, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions lập luận rằng chương trình này là vi hiến và đã khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp.
Số người nhập cư trẻ tuổi đăng ký tại Mỹ hiện là khoảng 800.000 người, tuy nhiên, ước tính còn một khoảng tương đương số những người nhập cư trẻ tuổi không đăng ký với chính quyền.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/my-them-4-bang-kien-chinh-quyen-tong-thong-trump-do-bai-bo-daca/465759.vnp)