Thứ Năm, 21/09/2017, 21:36 (GMT+7)
.

Trung Quốc và Mỹ đề nghị viện trợ cho người Hồi giáo Rohingya

Ngày 21-9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã đề nghị viện trợ nhân đạo cho Hội chữ thập Đỏ nước Myanmar nhằm giúp đỡ những người Hồi giáo Rohingya chạy từ bang Rakhine, miền Tây Myanmar, sang Bangladesh để tránh làn sóng bạo lực trong những tuần qua.

Người Hồi giáo Rohingya chờ nhận hàng cứu trợ tại trại tị nạn Leda gầnTeknaf, Bangladesh ngày 19/9. Nguồn: AFP/TTXVN
Người Hồi giáo Rohingya chờ nhận hàng cứu trợ tại trại tị nạn Leda gầnTeknaf, Bangladesh ngày 19/9. Nguồn: AFP/TTXVN

Phát biểu tại lễ trao hàng viện trợ, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Hong Liang cho biết Trung Quốc và Myanmar là hai nước láng giềng gần gũi, vì vậy khi nước kia gặp khó khăn, nước này sẵn sàng giúp đỡ.

Theo ông Hong Liang, Chính phủ Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Myanmar thúc đẩy ổn định tại bang Rakhine, cho rằng điều này không chỉ quan trọng với Myanmar nói riêng mà còn với cả khu vực nói chung.

Trước đó, ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo cung cấp gói cứu trợ nhân đạo gần 32 triệu USD để hỗ trợ những người Rohingya chạy sang Bangladesh tị nạn.

Phát biểu trong phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Simon Henshaw nhấn mạnh khoản viện trợ trên "phán ánh cam kết của Mỹ trong việc giúp đỡ giải quyết nhu cầu nhân đạo khẩn cấp chưa từng thấy của người Rohingya," đồng thời lưu ý rằng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi Myanmar, quốc gia có đa số dân theo đạo Phật, sang nước láng giềng Bangladesh.

Mỹ hy vọng đóng góp của nước này sẽ khích lệ các nước khác cung cấp thêm các khoản cứu trợ nhân đạo cho người Rohingya.

Gói cứu trợ trên sẽ nâng tổng số tiền Mỹ viện trợ cho người tị nạn Myanmar lên gần 95 triệu USD trong tài khóa 2017. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hoan nghênh tuyên bố của Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi về việc cam kết tiếp nhận những người tị nạn hồi hương.

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước này và coi họ là người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng, dù cộng đồng này đã sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine của Myanmar sang các nước láng giềng sau khi quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử tấn công các trạm kiểm soát biên giới.

Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công này là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang nhỏ sắc tộc Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-va-my-de-nghi-vien-tro-cho-nguoi-hoi-giao-rohingya/467360.vnp)

.
.
.