Thế giới tuần qua: Khủng hoảng và hợp tác
Trong khi châu Âu đang phải đau đầu vì vấn đề ly khai tại Tây Ban Nha, miền Bắc Italia, thì tại châu Á, sự thống nhất về tư tưởng, quyết tâm chung tay để thay đổi, cùng nhau hợp tác và hội nhập quốc tế lại được thể hiện đậm nét.
1. Khủng hoảng chính trị gia tăng tại Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha đã trở nên vô cùng trầm trọng khi ngày 27-10, cơ quan lập pháp Catalunya chính thức tuyên bố độc lập, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương Madrid và các nước châu Âu.
Biểu tình ở Catalunya. Ảnh: Reuter |
Động thái này khiến chính quyền trung ương áp dụng các biện pháp mạnh trong khuôn khổ lập pháp. Trong một diễn biến mới nhất, Thượng viện Tây Ban Nha đã thông qua các biện pháp khẩn cấp nhằm áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với vùng Catalunya. Các biện pháp được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp cho phép chính quyền Madrid tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, công quỹ và đài phát thanh, truyền hình của vùng Catalunya.
Thủ tướng Tây Ban Nha Maria Rajoy coi tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalunya là một "tội ác"; đồng thời tuyên bố giải tán cơ quan lập pháp Catalunya và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21-12 tới.
Trước đó, Thủ hiến vùng Catalunya Carles Puigdemont từ chối xuất hiện trước Thượng viện tại thủ đô Madrid để giải trình về vấn đề độc lập. Ông này tuyên bố người dân vùng lãnh thổ này không chấp nhận các biện pháp mà Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra nhằm nắm quyền quản lý trực tiếp vùng Catalunya.
Trong khi đó, hàng trăm nghìn người tại Catalunya đã đổ ra các đường phố của Barcelona để biểu tình phản đối quyết định của chính quyền trung ương. Do lo ngại tình hình chính trị bất ổn, hàng nghìn công ty di đã rời trụ sở chính khỏi vùng lãnh thổ này.
Cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập của Catalunya ngày 1-10 đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975.
Cũng về vấn đề ly khai, Italia cũng đang đối mặt với nguy cơ tương tự khi hai khu vực giàu có tại phía Bắc là Lombardy và Venteto tiến hành bỏ phiếu đòi quyền tự trị vùng nhiều hơn. Dù cuộc bỏ phiếu chỉ là tượng trưng và phù hợp với Hiến pháp, nhưng động thái này vẫn làm dấy lên lo ngại gia tăng căng thẳng ở khu vực, gây chia rẽ hai miền Bắc - Nam và thổi bùng lên "ngọn lửa" ly khai tại châu Âu.
2. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 11 ra Tuyên bố chung, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 4. Ảnh: qdnd.vn |
Hội nghị đã thông qua nhiều Tài liệu quan trọng và ra Tuyên bố chung về “Chung tay để thay đổi, hội nhập cùng thế giới”. Tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như nhu cầu tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện kiềm chế trong các hoạt động, tránh các hành động có thể gây phức tạp tình hình, theo đuổi các giải pháp giúp giải quyết tranh chấp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự kiềm chế trong thực hiện hành động cũng như thực hiện đầy đủ DOC và hoan nghênh việc thông qua và chỉnh sửa bộ khung COC.
Sau ADMM-11, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 4.
Tại đây, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác gồm: Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Nga đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN; đánh giá cao những kết quả hợp tác thực chất trong khuôn khổ ADMM+. Cơ chế hợp tác ADMM+ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại diện quốc phòng các nước cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh-quốc phòng ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, an ninh biển là một nội dung được thảo luận nhiều tại Hội nghị. Nhiều nước nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong các tranh chấp trên biển đồng thời bày tỏ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC sau khi đạt được bộ khung COC, nhằm xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
3. Cuộc chiến chống IS tại Syria và Iraq giành được nhiều thắng lợi.
Ngày 24-10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Soigu cho biết, hiện tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng chỉ còn kiểm soát chưa đầy 5% lãnh thổ Syria, so với 70% trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại đây. Hiện tại, nguồn tài chính của IS từ dầu mỏ đã bị cắt đứt.
Sân bay ở Raqqa (Syria) hoang tàn dưới bàn tay IS. Ảnh: Reuters |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố IS sắp bị tiêu diệt hoàn toàn khi nhóm vũ trang "Các lực lượng dân chủ Syria" (SDF) được Mỹ hậu thuẫn giành được thắng lợi quan trọng tại thành phố Raqqa, thủ phủ tự xưng của IS ở miền Bắc Syria.
Còn tại Iraq, các lực lượng nước này đã tấn công thành trì cuối cùng của IS, tại các thị trấn Rawa và al-Qaim, gần biên giới Syria và đã giành được căn cứ quân sự trọng yếu trong khu vực và một căn cứ không quân cùng hàng chục làng mạc lân cận.
Tháng 7 vừa qua, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, các lực lượng Iraq đã giành lại quyền kiểm soát Mosul, nơi đặt "Vương quốc Hồi giáo" tự phong của IS. Sau đó, các lực lượng nước này tiếp tục giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Bắc thành phố Tal Afar và phần còn lại của tỉnh Nineveh, một trong những thành trì cuối cùng của IS ở miền Bắc Iraq.
4. Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIX.
Đại hội đã phê chuẩn thông qua Báo cáo của Đại hội 18, bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 204 Ủy viên chính thức và 172 Ủy viên dự khuyết; Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương gồm 133 ủy viên; thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Quang cảnh Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: vov.vn |
Đại hội đã đưa tư tưởng quân sự của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và quyền lãnh đạo "tuyệt đối" của Đảng đối với lực lượng vũ trang vào Điều lệ Đảng. Nghị quyết nhấn mạnh việc đưa thêm các tuyên bố trên vào văn kiện Điều lệ Đảng sửa đổi sẽ giúp "đảm bảo quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với các lực lượng vũ trang nhân dân, hiện đại hóa quốc phòng và quân đội".
Ngoài ra, nghị quyết Đại hội XIX còn xác nhận quan điểm mang tính lịch sử của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Nghị quyết coi Tư tưởng này là một thành phần quan trọng trong học thuyết về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và là kim chỉ nam hành động cho mọi thành viên và toàn bộ người dân Trung Quốc. Cuộc chiến chống tham nhũng cùng Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng là hai nội dung được đề cập trong Điều lệ Đảng sửa đổi.
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đẩy mạnh phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
5. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, khẳng định không muốn chiến tranh với Triều Tiên.
Ngày 27-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo đã tới Panmunjom (Bàn Môn Điếm), thuộc khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ đối với đồng minh và những nỗ lực của Washington trong việc ngăn chặn các hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: AP |
Mặc dù khẳng định Mỹ đang chuẩn bị cho biện pháp quân sự nếu Bình Nhưỡng không dừng tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, Washington sẽ sát cánh với Seoul đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Song ông James Mattis nhấn mạnh, mục tiêu của Mỹ không phải là chiến tranh với Triều Tiên, mà là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên.
Hiện Mỹ vẫn duy trì khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc và đã liên tiếp duy trì sự hiện diện quân sự tại đây.
6. Căng thẳng tại miền Bắc Iraq leo thang.
Căng thẳng chính trị tại miền Bắc Iraq tiếp tục leo thang khi Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đã bác bỏ đề xuất của Chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG) về việc "đóng băng" kết quả cuộc trưng cầu ý dân về độc lập để mở đường cho cuộc đối thoại với Baghdad.
Binh sĩ Iraq tiến vào Kirkuk. Ảnh: Reuters |
Trước đó ngày 25-10, KRG đưa ra 3 đề xuất gồm: dừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự tại khu tự trị người Kurd, "đóng băng" kết quả cuộc trưng cầu ý dân, tổ chức đối thoại cởi mở giữa KRG và chính phủ liên bang Iraq dựa trên cơ sở hiến pháp.
Đảng đối lập chính tại khu tự trị người Kurd cũng kêu gọi lãnh đạo chính quyền khu tự trị này từ chức; thành lập cái gọi là “chính phủ cứu quốc” để chuẩn bị cho cuộc đối thoại với chính quyền Baghdad và tổ chức các cuộc bầu cử mới; giải thể một cơ quan được KRG thành lập sau cuộc trưng cầu ý dân.
Chính phủ Iraq đã triển khai nhiều biện pháp mạnh, bao gồm cả biện pháp quân sự để trấn áp hoạt động ly khai tại khu vực này. Một tòa án ở Baghdad đã phát lệnh bắt giữ ông Kosrat Rasul, Phó thống đốc khu tự trị người Kurd ở Iraq, với cáo buộc "khiêu khích" chống các lực lượng vũ trang Iraq.
Tình hình chính trị căng thẳng và bạo lực gia tăng đã khiến khoảng 136.000 người ở miền Bắc Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
(Theo qdnd.vn)