Thứ Bảy, 07/10/2017, 21:40 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nỗi ám ảnh "văn hóa súng đạn"

Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, xứ Catalonia đòi độc lập, công bố các Giải Nobel 2017… là những sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong tuần vừa qua.

1. Xả súng đẫm máu tại Las Vegas

Cộng đồng quốc tế đã rúng động trước vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại Lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest, thành phố Las Vegas vào ngày 1-10 vừa qua. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất tại Mỹ kể từ năm 1949, làm 59 người thiệt mạng và 527 người bị thương.

Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ xả súng kinh hoàng xảy ra tại Mỹ có thể bắt nguồn từ chính sách kiểm soát súng của chính quyền nước này. Tuy nhiên cho đến giờ, đây vẫn là một bài toán chưa có lời giải đối với đất nước cờ hoa.

http://file.qdnd.vn/data/images/0/2017/10/07/phamvanhieu/1.jpg?w=500
Một cảnh tượng hỗn loạn sau khi hung thủ xả súng ở Las Vegas. Ảnh: Getty

Dân số Mỹ hiện có khoảng 315 triệu người nhưng có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội mà chưa được kiểm soát. Quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và Quốc hội nước này xem việc sở hữu súng là một trong những quyền cơ bản của con người. Kinh doanh vũ khí cũng là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ với doanh thu từ bán súng đạn lên tới khoảng 3,5 tỷ USD mỗi năm. Dù hằng năm nước Mỹ phải chứng kiến rất nhiều vụ xả súng nhưng luật kiểm soát súng đạn vẫn là vấn đề gây chia rẽ lớn trong Quốc hội Mỹ. Thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều bị thất bại bởi đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội Mỹ.

Như vậy vấn đề sở hữu súng đạn một lần nữa tiếp tục trở thành vòng luẩn quẩn trong lòng nước Mỹ. Tổng thống Donald Trump, mặc dù gọi vụ xả súng ở Las Vegas là “hành động ác quỷ”, song không hề nhắc đến việc kiểm soát súng đạn. Nhà Trắng còn tuyên bố rằng, hiện chưa phải là lúc tranh luận chính trị về việc kiểm soát súng đạn, mà thay vào đó, đất nước cần đoàn kết sau vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử vừa qua.

2. Trưng cầu dân ý ở xứ Catalonia

Ngày 1-10, người dân Catalonia đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập của vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Tây Ban Nha. Chính quyền Catalonia thông báo khoảng 2,26 triệu người đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Tây Ban Nha vào ngày 1-10, và có 90% người tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ quyết định này.leftcenterrightdel

Catalonia có thể sẽ là tiền lệ cho cơn sốt ly khai tại châu Âu. Ảnh: Reuters
Catalonia có thể sẽ là tiền lệ cho cơn sốt ly khai tại châu Âu. Ảnh: Reuters

Cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra trong tình trạng hỗn loạn khi xảy ra đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ độc lập của Catalonia khiến một số người phải nhận sự hỗ trợ y tế. Đây được coi là một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại Tây Ban Nha kể từ sau khi nước này khôi phục nền dân chủ vào năm 1975. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha khẳng định cuộc bỏ phiếu này là vi hiến.

Nếu xứ Catalonia đòi độc lập thành công đó có thể tạo thành tiền lệ nguy hiểm làm dấy lên cơn sốt ly khai tại châu Âu. Đây chính là điều mà nhiều lãnh đạo các nước châu Âu đặc biệt quan tâm.

Lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm này có lẽ là thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa chính quyền Madrid và xứ Catalonia, dựa trên khuôn khổ luật pháp, để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

3. Công bố chủ nhân các Giải Nobel 2017

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển lần lượt công bố các giải Nobel năm 2017.

Theo đó, giải Nobel Vật lý được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ là Rainer Weiss, Kip Thorne và Barry Barish, với công trình xác định sóng hấp dẫn với độ chính xác cao nhất từ trước tới nay thông qua đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO). Giải Nobel Y học 2017 đã thuộc về 3 nhà khoa học người Mỹ là Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young với những phát hiện về cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học, hay còn gọi là đồng hồ sinh học của cơ thể.

h
Giải Nobel Hòa bình 2017 thuộc về Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân. Ảnh: Time.com

Giải Nobel Hóa học vinh danh 3 nhà khoa học Jacques Dubochet (Thụy Sĩ), Joachim Frank (Mỹ) và Richard Henderson (Anh) với công trình nghiên cứu phát triển kính hiển vi điện tử để xác định cấu trúc phân tử sinh học có độ phân giải cao trong dung dịch. Giải Nobel Văn học được trao cho nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro.

Giải Nobel Hòa Bình được trao cho Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) nhằm công nhận hoạt động của ICAN trong việc thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến những hậu quả nhân đạo do việc sử dụng vũ khí hạt nhân và những nỗ lực tạo nền móng để đạt được một hiệp ước cấm loại vũ khí này.

Giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào ngày 9-10 tới. Lễ trao các giải Nobel 2017 sẽ được tổ chức trang trọng tại Nhà hát lớn ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển vào ngày 10-12 để tưởng nhớ ngày mất của Alfred Nobel-nhà sáng lập Giải Nobel. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ do Na Uy trao tặng.

4. Triều Tiên nối lại các hoạt động ở khu công nghiệp chung Kaesong

Truyền thông Triều Tiên đưa tin công nhân nước này trở lại làm việc tại Khu Công nghiệp chung Kaesong sau khi cơ sở này bị đình chỉ hoạt động vào năm ngoái do chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

d
Khu công nghiệp Kaesong. Ảnh: Business Insider

Đầu năm 2016, Hàn Quốc đã đóng cửa hoàn toàn Khu Công nghiệp chung Kaesong nằm trên Khu Phi quân sự (DMZ) bên phía Triều Tiên như một biện pháp đối phó với hành động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng đây là việc làm cần thiết để cắt một phần nguồn tài chính cho chương trình phát triển quân sự của Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng vào đầu tháng 9 vừa qua, Hàn Quốc tuyên bố không xem xét khả năng mở lại khu công nghiệp chung với Triều Tiên ở thành phố Kaesong, nằm ở phía Bắc đường biên giới giữa hai miền Triều Tiên.

5. Nguy cơ sụp đổ thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ sớm thông báo rút khỏi thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran. Nước đi này có thể sẽ dẫn tới việc tan vỡ thỏa thuận giữa Iran với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức (P5+1).

Ngày 15-10 là thời hạn cuối để ông Trump xác nhận trước Quốc hội Mỹ liệu Tehran có tuân thủ điều khoản của thỏa thuận hay không. Nếu ông Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

j
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tuần tới. Ảnh: TTXVN

Tuần trước, ngoại trưởng Iran Mohammad J. Zarif tuyên bố nước này sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ quyết định rút lui. Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký vào tháng 7-2015 giữa Iran và nhóm P5+1, trong đó Tehran đồng ý hạn chế quá trình làm giàu uranium để đổi lại việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này. Sau khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay, tức một năm sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Trong khi đó, tất cả các bên tham gia ký kết, ngoại trừ Mỹ, đều nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được duy trì.

6. Ukraine gia hạn luật về quy chế đặc biệt vùng Donbass

Nghị viện Ukraine vừa gia hạn thêm một năm hiệu lực đạo luật về quy chế đặc biệt của Donbass. Theo đó, quy chế đặc biệt cho vùng Donbass sẽ có hiệu lực sau khi thực hiện một loạt điều kiện, trong đó có việc rút “tất cả các đơn vị bất hợp pháp” ra khỏi khu vực.

y
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) phát biểu trong một phiên họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo các Thỏa thuận Minsk, Ukraine có nghĩa vụ cấp quy chế đặc biệt cho hai tỉnh miền Đông là Donetsk và Lugansk. Luật về quy chế đặc biệt vùng Donbass được thông qua năm 2014, song chưa bao giờ được áp dụng trên thực tế và sẽ hết hiệu lực vào ngày 18-10 tới. Các nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk chỉ trích bản dự thảo sửa đổi luật, gọi văn kiện này là "sự xúc phạm kế tiếp từ phía  Kiev", mà mục đích là làm ra vẻ thực hiện các Thỏa thuận Minsk.

Theo thống kê, kể từ khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine hồi tháng 4-2014 đến nay, khoảng 10.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong những năm qua, các bên liên quan cuộc xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đã ký các thỏa thuận hòa bình Minsk hướng tới việc ngừng bắn hoàn toàn. Tuy nhiên, quân đội chính phủ và các tay súng tại khu vực này liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.