Thế giới tuần qua: Chưa hết sóng gió
Tuần qua, nhiều “điểm nóng” căng thẳng đã tạm thời được "hạ nhiệt", giải tỏa phần nào mối quan ngại của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, sóng gió vẫn chưa thực sự lắng dịu, các bên vẫn cần phải có những giải pháp chính trị phù hợp, lâu dài và thiện chí mới có thể giải quyết triệt để những mâu thuẫn, bất đồng vốn tích tụ nhiều năm.
1. Khủng hoảng tại Tây Ban Nha còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Chính quyền Trung ương Tây Ban Nha đã thực hiện các bước đi cần thiết để nắm quyền kiểm soát trực tiếp vùng lãnh thổ Catalunya, theo Điều 155 của Hiến pháp, ngay sau khi Hội đồng lập pháp Catalunya vượt qua “giới hạn đỏ”, bỏ phiếu ủng hộ vùng lãnh thổ này đơn phương tuyên bố độc lập. Theo đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định giải tán Hội đồng lập pháp Catalonia, cách chức Thủ hiến Carles Puigdemont cùng toàn bộ ban lãnh đạo chính quyền vùng, và áp đặt quyền điều hành trực tiếp lên khu vực này.
Cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont (trái). Ảnh: Getty Images |
Trong một diễn biến mới nhất, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ngày 2-11 đã ra lệnh bắt giữ 8 thành viên của chính quyền bị giải tán ở vùng tự trị Catalunya, trong đó có cựu Phó thủ hiến Oriol Junqueras. Những người này bị cáo buộc tội danh nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ liên quan việc khu vực tự trị này đơn phương tuyên bố độc lập hồi tuần trước.
Trước đó, tòa đã phát lệnh triệu tập 20 thành viên trong chính quyền bị giải tán vùng Catalunya, trong đó có ông Puigdemont. Tuy nhiên, ông Puigdemont cùng 4 nhân vật khác trong chính quyền này đang lưu vong ở Bỉ đã từ chối về nước theo lệnh triệu tập.
Nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết, hiện tại, mọi cơ quan thuộc chính quyền Catalunya đều đang hoạt động bình thường. Hàng trăm nghìn người dân Tây Ban Nha đã xuống đường tuần hành biểu thị sự ủng hộ quyết định này của chính quyền trung ương. Nhiều quốc gia tuyên bố không ủng hộ Catalunya độc lập, khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha đang và sẽ luôn là bất khả xâm phạm.
Trong khi đó, ông Carles Puigdemont cùng nhóm chủ trương ly khai, đang tiếp tục kêu gọi công chức, viên chức vùng Catalunya không tuân lệnh của chính phủ trung ương và tham gia các hoạt động phản kháng.
Madrid sẽ tổ chức bầu cử địa phương ở Catalunya vào tháng 12 tới nhằm “khôi phục sự điều hành hợp pháp cũng như nguyên tắc pháp trị” ở vùng này. Đây sẽ là một thách thức với chính quyền trung ương, bởi khả năng những đảng vốn có chủ trương đòi tách Catalunya khỏi Tây Ban Nha tiếp tục giành ghế, thậm chí có thể lặp lại “kịch bản” cuộc bầu cử năm 2015, khi các đảng ủng hộ Catalunya độc lập giành đa số phiếu bầu và đứng ra thành lập chính quyền. Chưa kể những phần tử ly khai cực đoan ở Catalunya sẽ có những hành động phá hoại cuộc bầu cử này. Bởi vậy, vẫn còn quá sớm để nói rằng vấn đề Catalunya đã được giải quyết triệt để.
2. Hàn Quốc và Trung Quốc nỗ lực hàn gắn quan hệ
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 31-10 thông báo nước này và Trung Quốc đã nhất trí "nhanh chóng" đưa các hoạt động hợp tác và giao lưu trở lại bình thường, sau một năm căng thẳng liên quan đến việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD) tại Hàn Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ngoài ra, hai nước còn nhất trí tăng cường liên lạc, hợp tác chiến lược đối phó với các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trước đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, tại phiên điều trần của Bộ Ngoại giao trước Quốc hội ngày 30-10, đưa ra cam kết ba điểm của chính phủ nước này, gồm: Không xem xét triển khai thêm THAAD; không tham gia các mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu; hợp tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật không mở rộng thành một liên minh quân sự.
Phản ứng trước động thái trên của Hàn Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc đánh giá cao cam kết nói trên của Hàn Quốc, bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc cam kết và giải quyết các vấn đề liên quan để đưa quan hệ Trung - Hàn sớm trở lại quỹ đạo ổn định.
Mối quan hệ Hàn - Trung trở nên căng thẳng kể từ tháng 7-2016, sau khi Hàn Quốc công bố quyết định cho phép Mỹ triển khai một khẩu đội THAAD trên lãnh thổ nước này. Trung Quốc luôn phản đối động thái trên với lý do hệ thống vũ khí này có thể gây phương hại lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Hàn Quốc rút lại quyết định trên. Trong một năm vừa qua, các biện pháp được cho là trả đũa của Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Hàn Quốc.
3. Tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn bất ổn
Cơ quan giám sát tái thiết Afghanistan (SIGAR), tổ chức của Mỹ ngày 31-10 cảnh báo, phiến quân Taliban đang gia tăng các vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan. Phần lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát hoặc có thể gây ảnh hưởng tại quốc gia Tây Nam Á cũng đang được mở rộng.
Binh sĩ Afghanistan . Ảnh: THX/TTXVN |
Theo báo cáo, trong tháng 8 vừa qua, 13% trong tổng số 407 quận huyện ở Afghanistan do Taliban kiểm soát hoặc có ảnh hưởng. Điều này đồng nghĩa đã có thêm 700.000 người đang phải sống tại những khu vực chịu ảnh hưởng của Taliban. Xét tổng thể, khoảng 43% các quận huyện của Afghanistan hoặc đã bị Taliban kiểm soát, hoặc đang bị tranh giành.
Bên cạnh đó, Taliban liên tục gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và cảnh sát nước này để đáp trả chiến lược mới của Mỹ, trong khi các nhóm vũ trang khác cùng với phiến quân IS không ngừng gây ra nhiều vụ bạo lực khác nhằm phô trương thế lực.
Theo số liệu của Phái bộ Liên hợp quốc tại nước này, trong 9 tháng đầu năm 2017, hơn 2.640 người thiệt mạng và 5.370 người bị thương trong các vụ việc liên quan đến xung đột. Trong đó, 64% số thương vong của dân thường do Taliban và các nhóm phiến quân khác gây ra, 20% do lực lượng an ninh và 11% do cả 2 bên trong các cuộc giao tranh và 5% còn lại do các nguyên nhân khác.
4. Philippines đối mặt nguy cơ khủng bố kiểu "sói đơn độc"
Hơn một tuần sau khi Philippines tuyên bố đánh bật các phiến quân ủng hộ IS, giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi tại miền Nam, nước này lại đang phải đối mặt với các cuộc tấn công theo kiểu "con sói đơn độc".
Các binh sĩ Philippines truy lùng phiến quân tại thành phố Marawi. Ảnh: Getty |
Người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Philippines, Thiếu tướng Restituto Padilla cho rằng các phần tử có vũ trang ủng hộ IS hiện đang lẩn trốn tại thành phố Marawi là mối đe dọa tiềm tàng đối với dân thường. Nhận định trên được đưa ra sau khi nhà chức trách Philippines bắt giữ một tay súng người Indonesia và tiêu diệt 3 tay súng khác tại thành phố Marawi.
Ngoài ra, hiện vẫn còn hơn 30 phiến quân lẩn trốn tại tầng hầm các tòa nhà và những đường hầm. Xung quanh các nơi ẩn náu của chúng có thể được giăng bẫy và các thiết bị nổ tự chế để ngăn quân đội tiếp cận.
Quân đội Philippines vừa giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi khỏi sự chiếm đóng của nhóm phiến quân Maute và gây bạo loạn trong suốt 5 tháng, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng, 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Đây là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều năm qua đối với Philippines, đồng thời đặt ra nhiều quan ngại về việc đảo miền Nam Mindanao có thể trở thành địa bàn thu hút các tay súng IS bị đánh đuổi khỏi Iraq và Syria.
5. Tấn công khủng bố tại Mỹ
Ngày 31-10, một vụ nổ súng đã xảy ra khi một xe bán tải lao nhanh vào làn đường dành cho xe đạp ở khu vực Manhattan, khiến 8 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương. Đối tượng sau đó bị cảnh sát bắt giữ.
Nạn nhân bị thương được cấp cứu tại hiện trường. Ảnh: REUTERS |
Các nhân chứng cho biết chiếc xe đã lao với tốc độ cao, đâm phải nhiều người đi bộ cũng như một chiếc xe buýt chở học sinh. Ngoài ra, khoảng 9 đến 10 tiếng súng nổ cũng đã vang lên ở hiện trường vụ việc. Khi lao ra khỏi xe, đối tượng này đã hô "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại) và giơ 2 khẩu súng giả. IS thừa nhận đứng đằng sau vụ việc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích vụ việc này. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump coi đây là một hành động điên rồ và khẳng định lực lượng chức năng đang theo dõi sát vụ việc. Đây là vụ khủng bố đẫm máu gây chết người đầu tiên tại New York kể từ vụ tấn công khủng bố bằng máy bay diễn ra 11-9-2001 do các phần tử khủng bố Al-Qaeda tiến hành nhằm vào Tòa Tháp đôi ở New York.
6. Quan chức cấp cao Israel và Palestine họp tại Bờ Tây
Ngày 30-10, giới chức Israel và Palestine cho biết các quan chức cấp cao của hai bên đã tổ chức cuộc họp hiếm hoi tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy nối lại tiến trình hòa bình đình trệ lâu nay tại đây. Đây là cuộc họp thứ 2 trong vòng 6 tháng qua giữa các lãnh đạo hai bên.
Các quan chức cấp cao của Israel và Palestine gặp mặt tại thành phố Ramallah ngày 30-10. Nguồn: Twitter |
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về đàm phán quốc tế Jason Greenblatt cho biết tại cuộc gặp, các bên đã đạt được những tiến triển quan trọng, các bước đi ý nghĩa trong nhiều vấn đề kinh tế chủ chốt như ngân khố, hải quan và đầu tư. Đây được coi là những tiền đề đầu tiên cho quá trình lập lại hòa bình khu vực.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Palestine WAFA cho biết các bên đã tập trung thảo luận về các khu định cư Do Thái của Israel ở khu Bờ Tây hoạt động phong tỏa Dải Gaza và nhiều dự án hợp tác kinh tế song phương.
(Theo qdnd.vn)