Thứ Tư, 27/12/2017, 21:38 (GMT+7)
.

Nền hòa bình ở khu vực Trung Đông thời hậu IS vẫn bị đe dọa

Sau ba năm giao tranh, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sắp đến hồi kết. Tuy nhiên, sự đối địch ngấm ngầm lâu nay giữa các cường quốc thế giới và khu vực tại Trung Đông hiện là mối đe dọa đối với nền hòa bình vốn mong manh tại những nước bị chiến tranh tàn phá và gây chia rẽ hơn trong khu vực.

Xung đột giữa binh sỹ Israel và người biểu tình Palestine tại thành cổ Jerusalem ngày 15-12. Nguồn: AFP/TTXVN
Xung đột giữa binh sỹ Israel và người biểu tình Palestine tại thành cổ Jerusalem ngày 15-12. Nguồn: AFP/TTXVN

Về vấn đề này, Tân hoa xã ngày 27/12 đã đăng tải bài viết phân tích mà theo đó, với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Mỹ hồi đầu tháng 12 đã gây ra một làn sóng thù địch mới trong khu vực, nơi đã chứng kiến cuộc xung đột lâu nay giữa các phái Hồi giáo theo dòng Sunni và Shi'ite và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Iran và Saudi Arabia.

Các nước đối địch trong khu vực và trên thế giới đang tận dụng mọi cơ hội để tăng cường tầm ảnh hưởng của mình trên toàn khu vực Trung Đông thời hậu IS, đồng thời loại bỏ đối thủ đe dọa tới lợi ích của mình. Đây là nguyên nhân khiến các bên khó có thể đạt được kết quả "cùng thắng."

Trong tháng này, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, những nước có vai trò quan trọng trong khu vực Trung Đông, đã nhất trí tổ chức đại hội dân tộc Syria tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga vào cuối tháng 1/2018, sau khi những nỗ lực trước đây tổ chức một hội nghị như vậy với sự tham gia của cả chính phủ và các phái đối địch Syria đều bất thành.

Theo nhà phân tích chính trị người Syria, Osama Danura, sự hợp tác giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng về khía cạnh kết nối chính trị với tình hình quân sự thực địa. Các nước đã thành công trong việc đạt được một lệnh ngừng bắn và thiết lập các khu vực giảm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Syria.

Trong sáu năm qua, Nga, nước ở thế đối đầu với Mỹ do ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đang nỗ lực thu hút Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vào giải quyết khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, Mỹ và Saudi Arabia không "vui mừng" trước mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa ba nước này.

Nhà phân tích Danura nhận định: "Saudi Arabia không muốn chứng kiến tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ bởi Ankara ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, nhóm bị Riyadh coi là tổ chức khủng bố. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng không muốn Iran có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Trong khi đó, Washington cũng sẽ không vui vẻ gì khi thấy Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang hướng Đông, như thành lập liên minh với Nga.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1/2017, ông Donald Trump đã đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), bất chấp việc thỏa thuận này được coi là góp phần vào duy trì sự ổn định và hòa bình trong khu vực.

Tổng thống Trump cũng có quyết định bất ngờ khi chọn Saudi Arabia và Israel là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là tổng thống Mỹ. Quyết định này cho thấy tham vọng của nhà lãnh đạo Mỹ là cải thiện quan hệ giữa Israel và các nước Arab nhằm thúc đẩy một liên minh đối địch với Iran.

Tuy nhiên, việc ông quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ gây phương hại tới lợi ích của các đồng minh của Mỹ đồng thời đe dọa hơn nữa tới cán cân quyền lực trong khu vực.

Theo giáo sư Mehmet Akif Okur thuộc Đại học Kỹ thuật Yildiz ở Thổ Nhĩ Kỳ, sự hợp tác chặt chẽ và cởi mở hơn giữa Israel và Saudi Arabia có thể được coi là dấu hiệu về việc tăng cường gây áp lực về quân sự nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nen-hoa-binh-o-khu-vuc-trung-dong-thoi-hau-is-van-bi-de-doa/481529.vnp)

.
.
.