Thứ Bảy, 03/03/2018, 22:25 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Chưa có hồi kết

Tổng thống Mỹ kêu gọi soạn thảo dự luật về kiểm soát súng đạn toàn diện; châu Âu vẫn tiếp tục chia rẽ hậu Brexit; Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang cuối cùng của nhiệm kỳ... là những tin tức quốc tế được bạn đọc quan tâm trong tuần qua.

1. Tổng thống Mỹ kêu gọi kiểm soát súng đạn

sdfsd
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nhà lập pháp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thúc đẩy một dự luật kiểm soát súng đạn.

Cụ thể, ông Trump đã kêu gọi một dự luật toàn diện với việc mở rộng các biện pháp kiểm tra lý lịch người mua súng, kiểm soát súng chặt chẽ nhằm ngăn chặn vũ khí nóng lọt vào tay những đối tượng có vấn đề về tâm thần, đảm bảo an toàn trường học và hạn chế việc bán súng cho trẻ thành niên.

Tổng thống Mỹ kêu gọi các nhà lập pháp cần soạn thảo dự luật về kiểm soát súng đạn toàn diện.

Câu chuyện đảm bảo quyền sở hữu súng phòng vệ với đảm bảo trật tự trị an vẫn chưa có hồi kết ở Mỹ. Vụ việc nóng nhất trong những tuần qua là vụ xả súng đẫm máu ở một trường học ở bang Florida. Diễn biến mới nhất là các hãng bán súng đã tự đưa ra những quy định riêng về bán hàng để ngăn chặn những thảm kịch tiềm tàng.

Gần nửa tháng sau vụ xả súng khiến 17 người thiệt mạng tại Florida, chính quyền và các nhà lập pháp của hai đảng vẫn đang loay hoay để tìm ra giải pháp có thể thương lượng được, nhằm kiềm chế bạo lực từ súng đạn.

2. Châu Âu chia rẽ hậu Brexit

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ) đã không đạt được kết quả gì khi lãnh đạo 27 nước thành viên chia rẽ sâu sắc trước yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống ngân sách mà nước Anh bỏ lại khi rời “ngôi nhà chung”.

Chỉ có 14 hoặc 15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, trong khi còn gần một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hoặc là phản đối. Đức, Tây Ban Nha và Pháp tuyên bố sẵn sàng chi thêm thì các nước đóng góp ròng khác là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo lại phản đối.

dfgd
Bất đồng được-mất tiếp tục gây chia sẽ châu Âu về vấn đề Brexit. Ảnh: mirror.co.uk

Một trong những bất đồng khác chưa giải quyết được tại hội nghị lần này là cách thức chọn người đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Lãnh đạo các quốc gia không đồng ý để Nghị viện châu Âu (EP) được quyết định chọn chủ tịch cơ quan hành pháp EU sau khi ông Jean Claude Juncker  mãn nhiệm vào năm 2019. Các nghị sĩ đánh giá cách làm trên là dân chủ thì lãnh đạo các quốc gia EU lại cho rằng phương thức này chỉ phản ánh ý chí của các nhóm chính trị ở Brussels và điều này gây phương hại đến chủ quyền của các quốc gia.

Sự cố gắng của EU nhằm vượt qua cú sốc sau khi thiếu đi một thành viên quan trọng đã vấp phải những vấn đề muôn thuở mà khối này luôn phải đối mặt trong suốt 6 thập niên tồn tại là tài chính và chủ quyền.

Những bất đồng này một lần nữa đẩy EU vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ cũng chỉ vì những tính toán thiệt-hơn mà chưa bên nào chịu bên nào.

3. Thông điệp từ nước Nga

Ngày 1-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc bản Thông điệp Liên bang năm 2018 trước hai Viện của Quốc hội Liên bang Nga. Đây là Thông điệp liên bang cuối cùng của người đứng đầu nước Nga trong nhiệm kỳ này.

Thông điệp của ông Putin đang được cộng đồng cũng như giới truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi đây là bức tranh tổng quan về tình hình hiện tại của nước Nga và những định hướng lớn về chính sách đối nội và đối ngoại của người đứng đầu nhà nước.

fgdf
Tổng thống Vladimir Putin trong buổi phát biểu Thông điệp Liên bang. Ảnh: Gazeta

Tổng thống Putin đã dành nhiều lời ca ngợi thành công trong việc duy trì sự ổn định xã hội, đoàn kết dân tộc cùng vượt qua thách thức trong năm 2017. Ngoài ra, trong Thông điệp lần này, ông Putin hướng đến các chính sách ở trong nước đồng thời nhấn mạnh chính sách đối ngoại cứng rắn như một kiểu của cam kết tranh cử cho nhiệm kỳ tới.

Tổng thống Putin đã tiết lộ hàng loạt vũ khí hạt nhân mới của Nga, nhấn mạnh, các loại vũ khí này có thể tấn công bất kỳ điểm nào trên thế giới và không bị đánh chặn.

Để trấn an các nước phương Tây, Tổng thống Putin khẳng định, Nga xây dựng sức mạnh quân sự là nhằm duy trì hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, ông tuyên bố bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào nhằm vào Nga hoặc các đồng minh của nước này sẽ bị Moscow coi là một cuộc tấn công hạt nhân và sẽ bị đáp trả ngay lập tức.

Tổng thống Putin - ứng viên giành tỷ lệ ủng hộ cao nhất của cử tri - không tham gia các cuộc tranh luận trên truyền thông trong chiến dịch tranh cử lần này. Thay vào đó, ông muốn công bố chương trình và thông điệp tranh cử trong bản Thông điệp Liên bang hàng năm này. Vì vậy, bản thông điệp lần này có sức hút đặc biệt đối với người dân Xứ sở Bạch Dương, cũng như dư luận quốc tế, khi nó được coi là cương lĩnh tranh cử của nhà lãnh đạo Nga trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 18-3 tới.

4. Rúng động vụ sát hại nhà báo ở Slovakia

Slovakia vừa rúng động trước một vụ giết người dã man, là vụ sát hại nhà báo thứ hai xảy ra ở Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 4 tháng qua, làm dấy lên những lo ngại về an toàn trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo

fgdf
Người dân đặt nến trước di ảnh hai nạn nhân ở thủ đô Bratislava, Slovakia. Ảnh: AFP

Theo cảnh sát Slovakia, các nạn nhân của vụ sát hại trên là Jan Kuciak, 27 tuổi, một nhà báo chuyên mảng điều tra tội phạm kinh tế và Martina Kusnirova, bạn gái của Jan.

Đây là vụ sát hại nhà báo thứ 5 tại EU trong vòng 10 năm và là vụ sát hại nhà báo thứ hai trong vòng 4 tháng qua ở khu vực này, kể từ sau vụ ám sát nhà báo, đồng thời là một bloger nổi tiếng Daphne Caruana Galizia ở Cộng hòa Malta hồi tháng 10 năm ngoái.

Cũng giống như nhà báo người Malta, Jan Kuciak bị sát hại có thể liên quan tới các vụ điều tra tham nhũng tại quốc gia này. Ngoài ra, Jan Kuciak cũng đang tiến hành điều tra các vụ trốn thuế ở Slovakia được cho là có bàn tay của mafia Italy nhúng vào.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên án mạnh mẽ vụ sát hại trên và yêu cầu Slovakia làm sáng tỏ vụ việc, đồng thời giúp bảo vệ các nhà báo trong khi tác nghiệp.

5. Tổng thống Hàn Quốc sắp cử đặc phái viên tới Triều Tiên

Báo giới Hàn Quốc ngày 2-3 đưa tin Tổng thống Moon Jae-in sẽ sớm cử một đặc phái viên tới Triều Tiên, tiếp nối việc đoàn vận động viên của nước này tới Hàn Quốc tham dự sự kiện Thế vận hội mùa Đông vừa qua.

Tổng thống Moon dường như chưa sẵn sàng cho một chuyến thăm chính thức tới Triều Tiên, bởi vậy quyết định sẽ cử một đặc phái viên tới nước này như một bước đi chuẩn bị quan trọng. Trước đó, vào tháng Một, nhiều quan chức cấp cao của Triều Tiên đã tới Hàn Quốc để tham dự các cuộc họp, trong sự kiện được xem là các vòng họp trực tiếp đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên trong gần 2 năm qua.

asda
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: The Japan Times

Việc ông Moon cử đặc phái viên tới Triều Tiên được xem là nỗ lực nhằm nối tiếp tinh thần hữu nghị mà Thế vận hội Pyeongchang vừa qua đem lại và cải thiện mối quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ bị thử thách khi mà quân đội Mỹ-Hàn nối lại cuộc tập trận quân sự chung vào cuối tháng này hoặc đầu tháng Tư.

Giới chức ở Seoul nói rằng họ sẽ sớm công bố ngày nối lại cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle sau kỳ Paralympics, kết thúc vào ngày 18-3 tới. Trong bối cảnh đó, Triều Tiên cũng bắt đầu đưa ra phản ứng về việc nối lại các cuộc tập trận chung mà họ coi là gây bất ổn trên bán đảo.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hồi tuần trước đã cáo buộc Mỹ "công khai đi ngược lại bầu không khí kiềm chế" trên bán đảo Triều Tiên mà Thế vận hội mang lại. Mới đây nhất, KCNA cáo buộc Mỹ đe dọa tới hòa bình toàn cầu, chỉ trích Mỹ đưa ra bản báo cáo cho rằng Triều Tiên phối hợp với Syria trong chương trình vũ khí hóa học.

6. Hy vọng mới cho cuộc khủng hoảng chính trị Libya

Trong một động thái được coi là hoàn toàn bất ngờ, chỉ huy lực lượng vũ trang ở miền Đông Libya, Tướng Khalifa Haftar vừa lên tiếng kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị trong nước.

dfgdf
Libya vẫn chưa tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều năm qua. Ảnh: Brookings Institution

Lời kêu gọi trên được Tướng Haftar đưa ra trong cuộc gặp với người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Ghassan Salame ở thành phố miền Đông Benghazi ngày 2-3. Ông Haftar nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Libya đã khiến người dân phải sống trong đau khổ và thất vọng. Vì thế, chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị càng sớm sẽ càng tốt cho nhân dân Libya.

Vẫn chưa có gì là chắc chắn bởi Liên hợp quốc từng nhiều lần thất bại trong việc giải quyết bất đồng giữa các phe phái ở Libya.

Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi hồi năm 2011. Các lực lượng nổi dậy cũ từng cùng nhau chiến đấu để lật đổ nhà độc tài lại quay sang xung đột để tranh giành quyền kiểm soát.

Thỏa thuận được Liên hợp quốc hậu thuẫn về việc thành lập một Chính phủ thống nhất từ đó đã trở thành trọng tâm của các cuộc đàm phán. Tuy vậy, quốc gia Trung Đông này vẫn bị chia rẽ thành hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.