Thế giới tuần qua: Định hướng đi cho giai đoạn mới
Tuần qua, ASEAN - Australia tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt; Triều Tiên, Hàn Quốc tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ; EU và Anh đạt thỏa thuận bước ngoặt cho giai đoạn chuyển giao… Kết quả của những sự kiện quan trọng này đang góp phần khai thông bế tắc và định hình hướng đi trong giai đoạn mới cho người dân tại nhiều quốc gia và khu vực.
1. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia: Định hướng phát triển mạnh mẽ quan hệ hai bên
Sau ba ngày làm việc, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Australia với chủ đề “Tăng cường an ninh và thịnh vượng ở khu vực”, đã kết thúc ngày 18-3 tại thành phố Sydney. Hai bên ra Tuyên bố chung Sydney và ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác chống khủng bố, đồng thời công bố 13 sáng kiến/dự án hợp tác trên các lĩnh vực.
Trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia. Ảnh: TTXVN |
Hai vấn đề được các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia dành nhiều thời gian trao đổi là tăng cường hợp tác kinh tế và chống khủng bố quốc tế.
Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác chống khủng bố thông qua một loạt các chương trình hợp tác cụ thể như nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong chống khủng bố, kiểm soát di chuyển xuyên biên giới của khủng bố, áp dụng công nghệ điện tử trong công tác nghiệp vụ, chia sẻ thông tin tình báo, chống tài trợ khủng bố…
Về kinh tế, hai bên khẳng định tăng cường hợp tác hướng đến tăng trưởng bền vững và sáng tạo, trong đó chú trọng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho người dân, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. ASEAN và Australia cũng cam kết đẩy mạnh trao đổi và kết nối các doanh nghiệp hai bên, gia tăng trao đổi thương mại và đầu tư trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia.
Tình hình an ninh trên các vùng biển ở khu vực cũng được hai bên tập trung thảo luận. Australia và các nước ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Hai bên tái khẳng định "tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực". Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ mong muốn "nhanh chóng hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả" trên Biển Đông.
Cách đây 44 năm, Australia đã trở thành đối tác bên ngoài đầu tiên của ASEAN. Những kết quả cụ thể đạt được tại hội nghị ở Sydney lần này sẽ là những định hướng phát triển quan trọng cho quan hệ đối tác ASEAN - Australia trong giai đoạn mới.
2. Nhiều hoạt động ngoại giao hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều
Hàng loạt động thái ngoại giao đáng chú ý đang được các bên xúc tiến liên quan vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhằm hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên trong lịch sử, dự kiến vào tháng 5 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh: Getty Images/AP |
Tuần qua, Hội nghị 3 bên Mỹ - Hàn - Triều đã diễn ra "trên tinh thần xây dựng" tại Phần Lan. Trước đó, một phái đoàn của Triều Tiên do Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho đã thăm Thụy Điển để trao đổi về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Về phía Hàn Quốc, giới chức nước này cũng đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho các cuộc gặp bước ngoặt với Triều Tiên. Ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia, đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae-in, đã tiến hành một loạt chuyến ngoại giao con thoi tới Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Các bên đều nhất trí ủng hộ các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, đồng thời coi đây là cơ hội quan trọng nhằm "thay đổi tích cực" tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 22-3 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết chính phủ nước này đã gửi thông điệp tới Triều Tiên về ý định tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.
3. Vấn đề Brexit: Anh, EU đạt thỏa thuận về giai đoạn chuyển giao
Ngày 19-3, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, với giai đoạn chuyển giao kéo dài tới gần 2 năm.
Ảnh minh họa: AP |
Theo đó, giai đoạn chuyển tiếp sẽ tính từ ngày Anh rời EU vào 29-3-2019 và kết thúc vào ngày 31-12-2020. Trong khoảng thời gian này, Anh sẽ không tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách của EU tuy nhiên vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của nước thành viên và được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan.
Hiện hai bên còn tồn tại bất đồng về vấn đề quy chế của Bắc Ireland. Theo Reuters, Anh hiện chưa đồng ý với đề đề xuất giải pháp "hỗ trợ" của EU về đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland, theo đó vùng Bắc Ireland thuộc Anh sẽ nằm dưới sự kiểm soát tài chính của EU và tách biệt với London.
Tuy nhiên, phần mở đầu của dự thảo thỏa thuận cho biết các đàm phán viên đã nhất trí rằng một giải pháp "hỗ trợ" sẽ được nêu ra trong thỏa thuận Brexit và sẽ được áp dụng "cho tới khi các bên tìm được một giải pháp thay thế".
4. Ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Liên bang Nga
Ủy ban Bầu cử Trung ương (SIK) Nga ngày 23-3 đã thông qua kết quả bầu cử tổng thống Nga, theo đó đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống mới 6 năm và là lần thứ 4 giữ vị trí người lãnh đạo đứng đầu nước Nga, sau khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử với kết quả 76,69% số phiếu bầu.
Tổng thống Nga Putin tại một điểm bỏ phiếu ở Moscow. Ảnh: AP |
Sinh năm 1952 tại St. Petersburg, ông Putin lần đầu tiên nắm quyền Tổng thống Nga vào ngày 31-12-1999, sau khi Tổng thống đầu tiên của Nga, ông Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho ông - khi đó giữ cương vị Thủ tướng Nga. Ba tháng sau, ông Putin đắc cử tổng thống lần đầu tiên.
Do Hiến pháp Nga không cho phép một vị tổng thống tại vị ba nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin không thể ra tranh cử Tổng thống trong năm 2008. Tại cuộc bầu cử năm 2008, ông Dmitry Medvedev đắc cử Tổng thống và bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng. Ông Putin trở lại Điện Kremlin vào tháng 3-2012 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3, lúc này đã được kéo dài thành 6 năm.
5. Báo động về tình trạng khan hiếm nước sạch trên thế giới
Theo Báo cáo Phát triển nguồn Nước Thế giới 2018 của Liên hợp quốc, tốc độ gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác đang khiến an ninh nguồn nước trên thế giới bị đe dọa.
Ảnh minh họa: phlessons.com |
Hiện 40% dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước, 80% nước thải đang được đổ thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, và hơn 90% dịch bệnh có liên quan đến nước. Hơn 2 tỷ người thiếu khả năng tiếp cận nước sạch, và hơn 4,5 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước cần tập trung vào những chính sách "xanh" hơn nhằm cải thiện nguồn cung và chất lượng nước. Nếu thế giới không hành động, khoảng 5 tỷ người trên toàn cầu sẽ rơi vào cảnh sống tại các khu vực khó tiếp cận nguồn nước vào năm 2050
6. Facebook đối mặt làn sóng bị tẩy chay
Mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook đang phải đối mặt với "búa rìu" dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ giới chức Anh, Mỹ và châu Âu trong vụ Cambridge Analytica (CA), hãng phân tích dữ liệu của Anh thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook.
Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: Reuters UK |
Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã công khai xin lỗi và cam kết tăng cường bảo mật thông tin. Cambridge Analytica thì bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, đồng thời khẳng định rằng xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ 3 vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu.
Tuy nhiên, uy tín của Facebook bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng tẩy chay Facebook bắt đầu lan rộng với từ khóa #DeleteFacebook. Thậm chí, người đồng sáng lập WhatsApp Brain Acton mới đây đã đăng tuyên bố trên tài khoản Twitter kêu gọi xóa sổ Facebook. Các công ty đối tác quảng cáo của Facebook như Mozilla và Commerzbank đã ngừng sử dụng dịch vụ trên trang mạng xã hội này. Giá trị cổ phiếu của Facebook bị tụt giảm 60 tỷ USD kể từ sau vụ việc.
7. Quan hệ Nga-Anh tiếp tục căng thẳng liên quan vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 20-3, 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh đã phải lên đường về nước theo quyết định trục xuất của London. Vụ trục xuất này là kết quả tranh cãi ngoại giao liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này bị đầu độc ngày 4-3 tại Anh. Hai cha con ông Skripal được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên một chiếc ghế tại một trung tâm thương mại. Hiện cả hai đang trong bệnh viện và trong tình trạng nguy kịch.
Các nhân viên ngoại giao Nga bên ngoài cổng Đại sứ quán Nga ở London. Ảnh: Reuters |
Chính quyền Anh cáo buộc Nga liên quan đến vụ đầu độc. Ngoài việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga, London còn tuyên bố đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh.
Phía Nga đã bác bỏ các cáo buộc của Anh, đồng thời yêu cầu phía Anh phải đưa ra bằng chứng hoặc xin lỗi Moskva. Bộ Ngoại giao Nga ngày 17-3 cũng thông báo trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh tại nước này, yêu cầu đóng cửa Văn phòng Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg.
(Theo qdnd.vn)