Chủ Nhật, 11/03/2018, 07:39 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Mở cánh cửa hòa bình và cùng phát triển

Mặc dù vẫn còn những đối đầu, bất ổn, nhưng cánh cửa hòa bình đã hé mở khi hai miền Triều Tiên tổ chức thành công cuộc gặp cấp cao, Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại “thẳng thắn” với Washington. Bên cạnh đó là việc 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký kết hiệp định thương mại tự do không có Mỹ, tạo niềm tin và quyết tâm cho hợp tác và phát triển.

1. Thông điệp tích cực về hòa giải giữa hai miền Triều Tiên

Một lần nữa những thông điệp tích cực về hòa giải và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đã được đích thân lãnh đạo hai nước đưa ra. Lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bày tỏ “ý chí vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ” quan hệ với Hàn Quốc và “viết nên trang sử mới thống nhất hai miền”.

 Đại diện Hàn Quốc (trái) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap
Đại diện Hàn Quốc (trái) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap

Trong cuộc gặp kéo dài hơn 4 giờ, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề. Hai bên ấn định thời gian tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, cũng như thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên.

Triều Tiên tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa nếu như an ninh được bảo đảm. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí thông thường tấn công Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng bày tỏ sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại "thẳng thắn" với Mỹ về các biện pháp phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng như bình thường hóa quan hệ song phương. Nhà Trắng cho biết sẽ tiến hành cuộc gặp này nếu thấy một số hành động “cụ thể” của Bình Nhưỡng.

Tiếp sau sự kiện hai phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc và bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cử một đoàn cấp cao tới Triều Tiên đã mở ra một con đường ngoại giao mới.

Bên cạnh đó, những động thái tích cực dồn dập giữa hai miền Triều Tiên kể từ đầu năm 2018 tới nay cho thấy vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã đạt được những tiến triển tích cực.

2. Ký kết CPTPP- Bước tiến trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu

Sáng 9-3, một năm sau khi Mỹ đột ngột rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương còn lại đã ký kết một hiệp định mới nhằm xóa bỏ các rào cản thuế quan trong khu vực.

zxc
Ảnh minh họa. Ảnh: vtv.vn

CPTPP bao gồm 11 nền kinh tế tham gia gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, chiếm khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.

CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi có ít nhất 6 quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn.

Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...

Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Thỏa thuận mới, được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được đánh giá là "hướng đi" đúng đắn cho một nền thương mại tiến bộ, cởi mở và công bằng trong thế kỷ XXI, nơi không có mối đe dọa của các cuộc chiến tranh thương mại.

3. Chính phủ Syria mở hành lang nhân đạo mới ngoài khu vực Đông Ghouta

Ngày 8-3, hành lang nhân đạo thứ hai bên ngoài khu vực Đông Ghouta, nơi vẫn chịu sự chiếm đóng của các lực lượng nổi dậy. Đoàn xe cứu trợ nhân đạo với sự tham gia của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Liên hợp quốc (LHQ) và tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Syria đã bắt đầu tiến vào khu vực Đông Ghouta. Tuy nhiên, LHQ cho biết giao tranh căng thẳng trở lại đang đe dọa đoàn xe cứu trợ, mặc dù đã có sự bảo đảm từ các bên liên quan tại Syria.

fgdf
Đoàn xe chở hàng viện trợ xuất hiện tại Đông Ghouta. Ảnh: Reuters

Trước đó vài ngày, 46 xe chở hàng cứu trợ đã vào đến khu vực Đông Ghouta song không thể thực hiện được việc phân phát hàng cứu trợ và rời khỏi khu vực do bắn phá dữ dội.

Theo LHQ, hiện gần 50% số lương thực cứu trợ vẫn chưa thể đến được tay những người dân vô tội, trong khi mới chỉ có một phần thuốc men được dỡ xuống khỏi các xe chở hàng. Hiện hàng nghìn người dân ở khu vực này đang lâm vào tình cảnh khốn cùng cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong khi tình hình chiến sự vẫn rất căng thẳng.

4. Mỹ đối diện với nguy cơ trả đũa thương mại

Ngày 8-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.

sdfsd
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Quyết định của Mỹ ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối ngay trong chính giới Mỹ cũng như nhiều nước và tổ chức trên thế giới như Canada, Brazil, Pháp, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều đã nói rằng, họ sẽ áp đặt những mức thuế quan có thể khiến các nhà xuất khẩu Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD.

EU đề xuất đánh thuế hàng xuất khẩu của Mỹ gồm rượu ngô, quần bò, gạo, nước cam và xe máy và sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hàn Quốc cũng phản ứng mạnh với quyết định trên của Tổng thống Mỹ. Chính phủ nước này cũng để ngỏ khả năng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới.

Một đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản tuyên bố quyết định của Mỹ sẽ gây ra "tác động lớn" đối với các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như toàn cầu.

Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu gấp 4 lần so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

5. Hơn 1 tỷ phụ nữ không được bảo vệ trước các hành vi bạo lực giới

Tuy thế giới đã đạt được một số tiến bộ trong việc thu hẹp tình trạng bất bình đẳng giới, nhưng hiện nay, theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trên thế giới có hơn 1 tỷ phụ nữ không được bảo vệ trước các hành vi bạo lực gia đình và những hành vi quấy rối tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, chênh lệch thu nhập giữa hai giới lên tới 23%, tỷ lệ này ở các vùng xa xôi là 40%. Vai trò của nữ giới trong những công việc không được trả lương lại không được thừa nhận.  

sdfsd
Đại biểu của Thụy Điển trong nghị viện châu Âu Jytte Guteland vừa trông con vừa làm việc trong phiên họp ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nữ giới vẫn có ít cơ hội tiếp cận việc làm hơn, có xu hướng phải chấp nhận những việc làm chất lượng thấp nhiều hơn và phải đối diện với nhiều rào cản trong bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý. Tính trung bình, cứ 10 nam giới có việc làm thì chỉ có 6 phụ nữ được tuyển dụng.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, các trẻ em gái trong những gia đình tị nạn đang là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi khi cơ hội được đến trường cấp hai chỉ bằng một nửa hơn so với bạn trai cùng hoàn cảnh và lứa tuổi.

Tại một số nước như Kenya và Ethiopia, thực trạng này còn đáng báo động hơn khi cứ 10 bé trai tị nạn được đi học cấp hai thì chỉ có 4 bé gái được đến trường.

Trao quyền cho phụ nữ là trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của LHQ và đảm bảo bình đẳng giới cũng là đảm bảo quyền con người. 

Hiện nay, việc đạt được bình đẳng giới và trao thêm quyền cho nữ giới vẫn đang là "nhiệm vụ còn dang dở" và là "thách thức lớn nhất trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người" của thế giới.

6. Philippines: Đụng độ giữa quân đội và phiến quân gây thương vong lớn

Ngày 9-3, ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ Philippines và nhóm phiến quân tại miền Nam nước này.

sdfsd
Binh sĩ Philippines trong chiến dịch chống phiến quân tại Marawi ngày 22-7. Ảnh: ttxvn

Kể từ tháng 8 năm ngoái, quân đội Philippines đã phối hợp với lực lượng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đẩy mạnh các chiến dịch tấn công nhằm vào BIFF. Năm 2014, MILF đã ký thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Philippines, trong khi BIFF - một nhóm phiến quân khoảng 200 đến 300 thành viên vốn là một nhóm tách ra từ MIFL- phản đối thỏa thuận này.

Quân đội Philippines đã liệt BIFF vào danh sách các tổ chức khủng bố. Cũng giống Abu Sayyaf và nhóm Maute, BIFF đã tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.