Phản ứng trái chiều về việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria
Ngay sau khi Mỹ, Anh, Pháp thực hiện cuộc tấn công nhằm vào Syria, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng trái chiều về hành động này.
Nhiều nước lên án, Liên hợp quốc kêu gọi kiềm chế
Trong tuyên bố được đưa ra vào sáng 14-4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh Hiến chương LHQ đã nêu rõ rằng các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nói chung, đặc biệt là khi xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh.
Ông Antonio Guterres kêu gọi các thành viên LHQ đoàn kết, cùng gánh vác trách nhiệm và thể hiện sự kiềm chế, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang tình hình và làm tồi tệ hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người dân Syria.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thành lập cơ chế về điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Nga là một trong số các quốc gia đầu tiên lên tiếng chỉ trích chiến dịch không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây đã tấn công thủ đô của một quốc gia có chủ quyền đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố trong suốt nhiều năm qua.
Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvytkin thì kêu gọi LHQ tổ chức một phiên họp khẩn để lên án chiến dịch quân sự tại Syria.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng tại Syria Ảnh: EPA |
Đề cập tới một khía cạnh khác liên quan tới cuộc tấn công vào Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên án và cho rằng các phương tiện truyền thông phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này.
Theo bà Maria Zakharova, truyền thông phương Tây đã tuyên truyền rầm rộ “những thông tin không được kiểm chứng” về cái gọi là quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường, qua đó tạo điều kiện để Mỹ đưa ra kết luận về vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và phát động tấn công.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ đã tuyên bố hành động tấn công Syria chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường và nhấn mạnh Washington không có quyền cáo buộc các nước khác về vũ khí hóa học trong khi chính nước này đang sở hữu một kho vũ khí hóa học khổng lồ.
Cuba cũng ra tuyên bố chỉ trích cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh phương Tây nhằm vào các căn cứ quân sự và dân sự tại Syria, cho rằng đây là hành động đơn phương, vi phạm các nguyên tắc của Luật quốc tế và của Hiến chương LHQ.
Về phần mình, Tổng thống Bolivia Evo Morales cho rằng Mỹ và các nước đồng minh đã tấn công Syria dựa trên một cái cớ bịa đặt.
Ông nói: "Nhân danh phẩm giá, bảo vệ hòa bình và các dân tộc trên thế giới, chúng tôi kiên quyết lên án cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump chống lại nhân dân Syria anh em.
Mỹ và đồng minh đã từng bịa ra một loại vũ khí hủy diệt không tồn tại làm cớ tấn công Iraq và nay lại tấn công Syria với một cái cớ tương tự".
Hiện tại, ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng xuất hiện những lời chỉ trích về chiến dịch không kích Syria do nước này cùng Anh và Pháp mới tiến hành.
Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ phải đưa ra chiến lược tỉ mỉ nếu như muốn tiến hành thêm một chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn nhằm vào Syria và chiến lược này cần được Quốc hội Mỹ thông qua.
Thậm chí, Thượng nghị sĩ Tim Kaine còn cho rằng các cuộc tấn công theo lệnh của Tổng thống Donald Trump là “phạm pháp”.
Lý lẽ riêng của “những người trong cuộc”
Tuy nhiên, những người đứng đầu 3 quốc gia Mỹ, Anh và Pháp lại có những lý lẽ riêng của mình. Theo Thủ tướng Anh Theresa May, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng biện pháp quân sự đối với Syria.
Bà Theresa May khẳng định Anh quyết định tham chiến vì muốn ngăn chặn các vụ tấn công hóa học tiếp diễn tại Syria. Cùng quan điểm đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các vụ tấn công hóa học tại Syria là "không thể dung thứ".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến dịch quân sự mà Mỹ-Anh-Pháp phát động là nhằm vào chính quyền "tội phạm" của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington đang nắm trong tay những bằng chứng "có mức độ tin cậy cao" về việc Chính phủ Syria thực hiện các vụ tấn công hóa học.
Đến nay, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch tấn công Syria của Mỹ, Anh và Pháp.
Theo Sputniknews, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng hành động của Mỹ-Anh-Pháp sẽ giúp giảm khả năng chính quyền Damascus tấn công người dân Syria bằng vũ khí hóa học.
Một số quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Canada, cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với quyết định tấn công của Mỹ, Anh và Pháp.
Hãng tin Kyodo cho biết, phát biểu trước báo giới ngày 14-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ ủng hộ quyết định tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào những cơ sở được cho là liên quan tới năng lực vũ khí hóa học của Syria.
Ông Shinzo Abe nói: "Chúng tôi ủng hộ quyết tâm của Mỹ, Anh và Pháp không cho phép việc sử dụng vũ khí hóa học".
Trong khi đó, ngày 14-4, tại trung tâm thủ đô Damascus của Syria diễn ra một cuộc mít tinh ủng hộ Tổng thống Basha al-Assad và quân đội Chính phủ Syria. Truyền thông Syria cũng lên tiếng chỉ trích các cuộc không kích do liên quân Mỹ-Anh-Pháp tiến hành nhằm vào Syria.
Theo Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha, Syria sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ có hành động chống lại "sự vi phạm trắng trợn" của 3 nước nói trên.
(Theo qdnd.vn)