Thứ Bảy, 21/04/2018, 21:27 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Động lực cho hòa bình và phát triển

Tuần qua, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa, hạt nhân; Mỹ và Triều Tiên, Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập các kênh liên lạc cấp cao… những động thái tích cực này của các bên đang góp phần củng cố niềm tin và tiếp thêm động lực cho người dân trong khu vực trên con đường tiến tới xây dựng hòa bình, ổn định.

1. Mỹ tích cực thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên

Chính quyền Mỹ đã có những hành động cụ thể để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa hai quốc gia thù địch này.

zxz
Hàn Quốc và Mỹ có thể thúc đẩy ký một hiệp định hòa bình với Triều Tiên nếu Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ảnh minh họa: Yonhap

Tổng thống Donald Trump vừa chính thức xác nhận hai chính phủ đang thảo luận trực tiếp "ở cấp cực cao", đồng thời thừa nhận có những bước tiến đặc biệt trong việc thiết lập một số kênh liên lạc thường xuyên nhất giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua. Ông Trump bày tỏ tin tưởng vào thiện chí và những điều tốt đẹp đang diễn ra. Hiện, Washington đang xem xét 5 địa điểm có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định quan điểm ủng hộ quá trình thảo luận giữa Hàn Quốc và Triều Tiên về việc tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh.

Ngoài ra, theo Washington Post, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là Ngoại trưởng được đề cử Mike Pompeo đã tiến hành chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên vào dịp Lễ Phục sinh vừa qua và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí thảo luận về khả năng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ngày 21-4, Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước.

Trong quan hệ liên Triều, ngày 20-4, Hàn Quốc và Triều Tiên đã thiết lập đường dây điện thoại giữa các nhà lãnh đạo của hai miền, qua đó Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đối thoại trực tiếp trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo này dự định sẽ gặp nhau vào tuần tới.

2. Cuba có nhà lãnh đạo mới

Tối 19-4, sau hai ngày làm việc, Quốc hội Cuba khóa IX đã thông báo kết quả bỏ phiếu kín các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tới, theo đó đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba với 603 phiếu, tương đương 99,86% số phiếu bầu.

Ông Miguel Mario Diaz-Canel Bermudez (trái) sẽ gánh trách nhiệm chèo lái đất nước Cuba. Ảnh: Getty
Ông Miguel Mario Diaz-Canel Bermudez (trái) sẽ gánh trách nhiệm chèo lái đất nước Cuba. Ảnh: Getty

Với kết quả này, ông Miguel Diaz-Canel Bermudez là người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra. Đây là lần đầu tiên, thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc Cách mạng 1959 mà đứng đầu là Chủ tịch Raúl Castro sẽ không còn đảm nhiệm những cương vị cao nhất trong Hội đồng Nhà nước do đã đủ 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp Cuba.

Đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez, 57 tuổi, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Cuba. Đồng chí từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, và trước đó là Bí thư Tỉnh ủy tại các tỉnh Villa Clara và Holguin. Ông đã từng kinh qua vị trí Bộ trưởng Bộ Đại học từ năm 2009 đến năm 2012.

Nhân dịp này, Cuba thông báo sẽ tiến hành cải tổ Hiến pháp, một nội dung mới sẽ được xem xét là việc tách 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mà theo quy định hiện hành của Cuba là do một người đảm nhiệm.

3. Các nước Arab khẳng định đoàn kết vì hòa bình khu vực

Ngày 15-4, hội nghị thượng đỉnh Arab (AL) lần thứ 29 tại Saudi Arabia khẳng định lập trường kiên định duy trì hòa bình và đoàn kết khu vực, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến Jerusalem, Syria, Yemen và Iran.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 29. Ảnh: Tân Hoa xã
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 29. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong tuyên bố chung, các nước Arab khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine. AL nhấn mạnh cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Palestine và Israel là “vấn đề cốt lõi” gây quan ngại cho toàn bộ thế giới Arab.

AL đồng thời đề cao những quy tắc của Liên hợp quốc trong đàm phán xung đột, phản đối mạnh mẽ quyết định của chính quyền Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời trụ sở Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này. Tại hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdel-Aziz nhấn mạnh, sự nghiệp của người Palestine là sự nghiệp ưu tiên hàng đầu của các nước Arab cho tới khi người Palestine giành được tất cả các quyền hợp pháp.

Liên quan cuộc khủng hoảng tại Yemen, AL đã sử dụng những lời lẽ cứng rắn cáo buộc Iran ủng hộ phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt Iran vì hành động mà AL cho là vi phạm nghị quyết 2216 của LHQ và luật pháp quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh AL cũng tái khẳng định giải pháp chính trị trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria; lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế.

4. Biểu tình tại nhiều nơi lên án vụ không kích của Mỹ và đồng minh tại Syria

Tuần qua, các cuộc biểu tình phản đối việc Mỹ, Anh và Pháp không kích Syria tiếp tục nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại khu vực Trung Đông, nhiều người ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Damascus để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ và bày tỏ niềm vui chiến thắng trong việc chống lại các cuộc tấn công do Mỹ cầm đầu.

Người dân Mỹ biểu tình trước Nhà Trắng phản đối cuộc tấn công tên lửa vào Syria. Ảnh: vov.vn
Người dân Mỹ biểu tình trước Nhà Trắng phản đối cuộc tấn công tên lửa vào Syria. Ảnh: vov.vn

Trong khi đó, tại Hy Lạp và Cộng hòa Síp, hàng nghìn người dân cũng đã xuống đường tuần hành để phản đối cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria.

Tại Mỹ và Anh, các hoạt động biểu tình phản đối cuộc không kích cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố thành phố như Los Angeles, Portland, New York và thủ đô Washington. Đoàn người biểu tình hô vang khẩu hiệu "Ngừng đánh bom Syria".  

Liên quan những cáo buộc của phương Tây về vụ tấn công hóa học tại thị trấn Douma của Syria, ngày 16-4, Chỉ huy lực lượng phòng vệ hạt nhân, sinh học và hóa học Nga Igor Kirilov nhận định các đoạn ghi hình về vụ việc này có dấu hiệu dàn dựng, khi cho rằng, thi thể của một đứa trẻ được di chuyển qua nhiều căn hộ khác nhau để quay được nhiều hình ảnh và "thậm chí được thay đổi chỗ ngay chỉ trong một cơ sở y tế".

Ngày 19-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết quân đội Chính phủ Syria đã phát hiện các công-te-nơ chứa Clo do Đức sản xuất và lựu đạn khói được sản xuất tại Salisbury của Anh ở những vùng lãnh thổ được giải phóng thuộc Đông Ghouta.

5. Facebook lại đối mặt với vụ kiện mới

Sau những bê bối rò rỉ thông tin người dùng, Facebook Inc lại phải đối mặt một vụ kiện mới, khi ngày 16-5, Tòa án liên bang San Francisco, Mỹ cáo buộc trang mạng xã hội này sử dụng bất hợp pháp tính năng "nhận diện khuôn mặt" mà không được sự cho phép của người dùng.  

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Vụ kiện bao gồm những người sử dụng Facebook tại bang Illinois lập tài khoản trên Facebook và lưu trữ thuật tính năng nhận diện khuôn mặt sau ngày 7-6-2011 - thời điểm Facebook bắt đầu sử dụng "Tag Suggestions", một tính năng đề nghị mọi người gắn kết vào bức ảnh được người sử dụng Facebook đăng tải lên mạng.

Mới đây, Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ sau vụ scandal rò rỉ thông tin của 87 triệu người dùng. Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã yêu cầu ông Mark Zuckerberg trực tiếp trả lời câu hỏi liên quan vụ bê bối này.    

Cũng liên quan đến Facebook, cơ quan chức năng của Nga cho biết sẽ tiến hành tổng kiểm tra Facebook. Trong trường hợp Facebook không thực hiện yêu cầu lưu cơ sở dữ liệu về người sử dụng là người Nga trên lãnh thổ Nga thì sẽ đối mặt với nguy cơ sẽ bị phong tỏa.

Bên cạnh đó, Các thành viên cao cấp của nhóm điều hành Facebook tại Canada đã phải đối mặt với một cuộc chất vấn mạnh mẽ của các nghị sĩ nước này về việc trang mạng xã hội này không thông báo cho hơn 600.000 người dùng tại Canada rằng quyền riêng tư của họ có thể đã bị xâm phạm.

6. Tòa án Iraq tuyên án tử hình hơn 300 đối tượng liên quan tới IS

Các nguồn tin tư pháp của Iraq ngày 18-4 cho biết các tòa án nước này đã tuyên án tử hình tổng cộng hơn 300 đối tượng, trong đó có nhiều người nước ngoài, vì liên quan đến tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Người dân Iraq vẫn chưa hết ám ảnh về IS. Ảnh: CNN
Người dân Iraq vẫn chưa hết ám ảnh về IS. Ảnh: CNN

Các đối tượng trên bị hai tòa án xét xử, một tòa án ở gần thành trì cũ của nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Mosul thuộc miền Bắc Iraq và một tòa án khác ở thủ đô Baghdad

Kể từ tháng Một, tại thủ đô Baghdad, 97 người mang quốc tịch nước ngoài đã bị tuyên án tử hình và 185 người khác chịu án tù chung thân. Phần lớn những người phụ nữ bị kết án đều tới từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.

Cuối năm ngoái, Iraq đã tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc chiến chống IS. Hàng trăm phần tử cực đoan trung thành với IS đã bị tiêu diệt hoặc bắt giữ, tuy nhiên vẫn còn nhiều đối tượng đang ẩn náu bên trong và bên ngoài lãnh thổ Iraq.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.