Thế giới tuần qua: Thêm nhiều tín hiệu tích cực
Phái đoàn thương mại Trung Quốc và Mỹ tiến hành cuộc gặp nhằm tháo gỡ nút thắt, tránh một cuộc chiến thương mại; Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục có bước đi mới, hiện thực hóa những thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa qua...là những tín hiệu tích cực khơi lên hy vọng về hòa bình, ổn định và phát triển cho nhiều khu vực. Tuy nhiên, thế giới tuần qua vẫn còn nhiều bất ổn, thách thức chưa thể giải tỏa...
1. Nhiều chuyển động tích cực sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Sau thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4 vừa qua, cả hai phía Hàn Quốc và Triều Tiên đều có những bước đi tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Một dàn loa phát thanh chống Triều Tiên của Hàn Quốc tại biên giới. Ảnh: Korea Herald. |
Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã thông báo kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân của nước này trong tháng tới. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 3-5, ông Kim Jong-un cũng khẳng định quan điểm kiên quyết của Triều Tiên là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Hay trong cuộc gặp tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Kim Jong-un cũng bày tỏ sẵn sàng đưa ra một lộ trình để đạt được mục tiêu, ám chỉ tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Ngoài ra, Triều Tiên đã điều chỉnh múi giờ của nước này nhanh hơn 30 phút để hợp nhất với múi giờ của Hàn Quốc.
Về phía Hàn Quốc, giới chức nước này đang cân nhắc tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên tiến tới thành lập một văn phòng liên lạc chung tại thành phố Kaesong ở biên giới hai miền.
Trong một bước đi nhằm hiện thực hóa nội dung "ngừng hoàn toàn mọi hành động thù địch chống lại nhau trong mọi lĩnh vực", từ ngày 1-5, Hàn Quốc đã bắt đầu tháo dỡ các loa phóng thanh tại khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới hai miền.
2. Hé mở cánh cửa giải quyết đối đầu thương mại Mỹ - Trung
Tân Hoa Xã ngày 4-5 đưa tin, phái đoàn Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành đàm phán và đạt được đồng thuận trong một số vấn đề về tranh chấp thương mại.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin (giữa) dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới buổi tham vấn thương mại với phái đoàn Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 3-5. Ảnh: TTXVN |
Trong cuộc tham vấn thương mại kéo dài 2 ngày, hai bên cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ.
Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu nhau đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Hiện hai bên vẫn còn những bất đồng lớn về một số nội dung. Đặc biệt là việc Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại, đồng thời giảm thuế đối với tất cả các sản phẩm xuống mức không cao hơn mức Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng đề xuất này là không công bằng. Tuy nhiên, kết quả cuộc tham vấn đầu tiên giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được cho là tích cực, có thể là sự khởi đầu để giải quyết thỏa đáng những tranh chấp thương mại trong thời gian qua.
3. Nhiều hoạt động, sự kiện tại các nước nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5
Nhiều người dân Cuba tập trung tại Quảng trường Cách mạng ở thủ đô Havana, ngày 1-5. Ảnh: cuba-solidarity.org.uk |
Tại châu Âu, hàng nghìn người lao động đã xuống đường biểu tình đòi bảo vệ quyền lợi nhân Ngày Quốc tế lao động.
Ở Đức, hàng chục nghìn người lao động tham gia tuần hành trên toàn quốc để kêu gọi bảo vệ quyền của người lao động trước làn sóng toàn cầu hóa. Liên minh Công đoàn Đức cho biết có tổng cộng khoảng 340.000 người tham gia vào gần 500 sự kiện kỷ niệm.
Trong khi đó, hơn 70 thành phố tại Tây Ban Nha đã diễn ra các cuộc biểu tình để kêu gọi thúc đẩy bình đẳng giới, tăng lương và hưu trí trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang dần hồi phục.
Tại Áo, khoảng 12.000 người cũng tập trung trước tòa thị chính ở thủ đô Vienna (Áo), mang theo biểu ngữ phản đối kế hoạch cắt giảm phúc lợi của chính phủ.
Tại Nga, khoảng 3 triệu người trên toàn quốc đã tham gia các hoạt động trang trọng và quy mô kỷ niệm ngày Lễ Mùa Xuân và Ngày Quốc tế lao động 1-5.
Biểu tình gây hỗn loạn đã xảy ra tại Paris, Pháp trong ngày -5. Khoảng 1.200 người mặc áo có mũ, đồ đen và đeo mặt nạ đã tham gia các cuộc biểu tình, gây hỗn loạn. Nhiều phần tử quá khích đã đập phá các cửa hàng và ô tô cũng như ném bom xăng.
Tại châu Á cũng diễn ra nhiều hoạt động biểu tình. Khoảng 5.000 người dân Philippines diễu hành kêu gọi chính phủ giải quyết các vấn đề tiền lương, thất nghiệp. Trong khi đó, tại Indonesia, Hàn Quốc khoảng 10.000 người tham gia cuộc tuần hành kêu gọi chính phủ tăng lương. Người tuần hành ở Indonesia còn đề nghị hạn chế số lượng lao động nước ngoài tới nước này làm việc.
Hoạt động mít tinh, diễu hành nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động cũng diễn ra tại Cuba, Venezuela và nhiều nước Mỹ Latinh khác.
4. Thỏa thuận hạt nhân Iran ngày càng trở nên “mong manh”
Càng đến gần ngày 12-5, thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra để sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, những màn “đấu khẩu” cùng thái độ cứng rắn xung quanh vấn đề này liên tục được các bên đưa ra.
Trong một động thái mới nhất hôm 3-5, Iran cảnh báo rằng nước này sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Tuyên bố này được đưa ra sau khi các quốc gia châu Âu dẫn đầu là Đức, Pháp đang có ý định bổ sung những điều khoản mới đối với thỏa thuận nhằm xoa dịu Mỹ.
Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN |
Trước đó, ngày 30-4, Thủ tướng Israel Netanyahu cáo buộc Tehran đang bí mật phát triển một dự án hạt nhân quân sự có tên "Dự án Amad". Ông Netanyahu nhấn mạnh Israel có thể sẽ công bố "bằng chứng mới và thuyết phục" về việc Iran đang che giấu hoạt động vũ khí hạt nhân ngay cả sau khi ký kết JCPOA.
Iran ngay lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Israel, đồng thời chỉ trích Washington đang "hùa theo" việc lặp lại những cáo buộc cũ và lấy đây làm cớ để rút khỏi thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi đây là thỏa thuận tồi tệ. Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran kể từ ngày 12-5 tới, nếu thỏa thuận này không được sửa đổi, theo hướng cứng rắn hơn với Tehran.
5. Tấn công khủng bố đẫm máu xảy tại nhiều nước
Tại Afghanistan, sáng 30-4, hai vụ đánh bom liên hoàn đã xảy ra tại thủ đô Kabul làm ít nhất 25 người thiệt mạng, trong đó có 9 nhà báo và gần 50 người bị thương. Cùng ngày, một vụ tấn công khủng bố khác nhằm vào một đoàn xe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại tỉnh Kandahar cũng đã cướp đi sinh mạng của 11 học sinh, đồng thời gây hư hại một trường Hồi giáo gần đó.
Hiện trường vụ đánh bom tự sát ở Kabul. Ảnh: AP |
Tại Libya, một nhóm phiến quân đã tấn công văn phòng của Ủy ban bầu cử Libya khiến 14 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Tại Nigeria, ngày 1-5 đã xảy ra vụ đánh bom kép ở trong và xung quanh một thánh đường Hồi giáo thuộc thị trấn Mubi. Theo số liệu của các cơ quan khẩn cấp Nigeria, có ít nhất 26 người thiệt mạng trong khi theo người dân địa phương, số nạn nhân được chôn cất là gần 70 người trong khi vẫn còn có thêm nhiều người tử vong sau đó.
Tại Iraq, nhiều tay súng lạ mặt đã tấn công 3 ngôi nhà ở thị trấn Dujail, miền Trung Iraq, khiến 16 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương.
6. Báo động tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo cho biết, 90% người dân trên trái đất đang phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày. Ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm, hầu hết tại các quốc gia nghèo ở châu Á và châu Phi. Trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, có tới 14 thành phố là của Ấn Độ.
Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Đánh giá toàn cầu của WHO dựa trên dữ liệu thu thập từ vệ tinh cũng như lấy mẫu từ dữ liệu của hơn 4.300 thành phố trên khắp thế giới, tăng gần 50% so với báo cáo hồi năm 2016.
WHO cũng cho biết, khoảng 1/4 số ca tử vong do các bệnh về tim mạch, đột qụy và ung thư phổi có thể có nguyên nhân do ô nhiễm không khí.
(Theo qdnd.vn)