Thế giới tuần qua: Hành động cụ thể vì hòa bình và ổn định
Tuần qua, quan hệ Mỹ - Triều Tiên tiếp tục "tan băng"; Liên minh châu Âu đoàn kết giải quyết vấn đề người di cư; ASEAN và Trung Quốc nhóm họp về DOC… một loạt những nỗ lực và hành động cụ thể đã và đang được các bên tiến hành vì mục tiêu chung cho hòa bình và ổn định.
1. Mỹ - Triều Tiên tiếp tục có bước đi xích lại gần nhau hơn
Theo AFP, Triều Tiên đã quyết định hủy tuần hành chống Mỹ thường niên lần đầu tiên sau nhiều năm. Tại thủ đô Bình Nhưỡng, các áp-phích, bảng biểu tuyên truyền chống Mỹ trên đường phố đã được dỡ bỏ. Những hình ảnh về bệ phóng tên lửa và quân đội thường thấy bên ngoài nhà ga xe lửa cũng được thay thế bằng những hình ảnh về công nghiệp và nông nghiệp. Các cửa hàng của Triều Tiên ở biên giới liên Triều cũng không còn bán các món đồ lưu niệm có nội dung chống Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol (trái) và người đồng cấp Triều Tiên Kim Yun-hyok (phải) tại cuộc thảo luận về hợp tác đường sắt liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom ngày 26-6. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Để tiếp tục khẳng định thiện chí của mình, Triều Tiên đã quyết định trao trả lại hàng trăm hài cốt binh sĩ Mỹ thất lạc trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Mỹ cũng có những bước đi thiện chí đáp lại Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ông sẽ không đặt ra lịch trình cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ ngừng "vô thời hạn" các cuộc tập trận có lựa chọn với Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong quan hệ liên Triều, sau khi nhất trí sớm tiến hành nghiên cứu chung về hiện đại hóa tuyến đường sắt xuyên biên giới, quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên cho biết sẽ tiến hành các cuộc đàm phán riêng rẽ về hợp tác đường bộ. Ngoài ra, một cuộc gặp liên Triều về hợp tác lâm nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 4-7.
Ngày 25-6, các quan chức hai miền liên Triều đã tiến hành cuộc đối thoại cấp làm việc về việc nối lại các đường dây liên lạc quân sự song phương, bao gồm đường dây điện thoại và fax, để giúp tránh các tình huống hiểu lầm có thể gây căng thẳng giữa hai miền.
Bên cạnh đó, ngày 27-6, Hàn Quốc đã cử một phái đoàn sang phía Triều Tiên để khảo sát địa điểm tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh, sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 26-8.
2. Phiên họp lần thứ 15 các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC
Ngày 27-6, Cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc phiên họp lần thứ 15 về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - SOM-DOC 15 đã diễn ra tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Trước đó, từ ngày 25 đến 26-6 cũng đã diễn ra phiên họp lần thứ 24 Nhóm công tác chung (JWG) ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC.
Các quan chức tham dự Phiên họp lần thứ 15 các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc họp JWG-DOC 24, các bên đã trao đổi nội dung cụ thể của văn kiện COC, xác định các nguyên tắc và bước triển khai tới đây của JWG-DOC.
Còn tại hội nghị SOM-DOC 15, các bên đã trao đổi về tình hình thực hiện DOC, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ và hiệu quả văn kiện này đối với việc duy trì đối thoại hợp tác vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các quan chức cấp cao nhấn mạnh việc cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy và mở rộng các biện pháp xây dựng lòng tin trong khuôn khổ thực hiện DOC, coi đây là những đóng góp thực chất của cả hai bên cho khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.
Cuộc họp cũng đã cập nhật Kế hoạch thực hiện DOC giai đoạn 2016-2018. SOM-DOC 15 xem xét và hoan nghênh kết quả đàm phán tại JWG-DOC 23 và 24, các nước trao đổi quan điểm về COC và cách thức đàm phán văn kiện này, định hướng các bước đi tiếp theo cũng như xây dựng nội dung báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc vào tháng 8 tới tại Singapore.
Cuộc họp tiếp theo của JWG -DOC sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 tới tại Siem Reap, Campuchia.
3. EU đạt được thỏa thuận về người di cư
Ngày 28-6, tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về di cư sau gần 10 giờ hội đàm căng thẳng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo thách thức từ vấn đề di cư có thể định đoạt số phận của EU. Ảnh: AP |
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo EU khẳng định nhất trí thiết lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn chung và hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối, nhấn mạnh mọi biện pháp liên quan đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, coi đó là thách thức chung của toàn khối.
Theo đó, trên tuyến đường đi qua trung tâm Địa Trung Hải, EU sẽ tăng cường các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người, tiếp tục sát cánh với Italy và các mặt trận khác trong vấn đề này. Tại tuyến đường phía Đông Địa Trung Hải, các bên sẽ đẩy mạnh việc thực thi đầy đủ thỏa thuận giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn chặn tình trạng vượt biên từ quốc gia này. EU cũng nhất triển khai Cơ sở tị nạn thứ 2 tại Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển 500 triệu euro cho Quỹ EU tại châu Phi.
Mặc dù vẫn còn tồn tại sự bất đồng giữa các nước thành viên, song việc đạt được nhất trí về vấn đề người di cư được coi là một tín hiệu tốt, tránh cho liên minh rơi vào chia rẽ.
4.Các phe phái đối địch ở Nam Sudan ký thỏa thuận hòa bình
Ngày 27-6, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy Riek Machar đã ký Thỏa thuận hòa bình Khartoum, trong đó có lệnh ngừng bắn toàn diện và mở hành lang viện trợ nhân đạo, phóng thích các tù nhân và thành lập một chính phủ lâm thời sau 4 tháng.
Người tị nạn Nam Sudan. Ảnh: Reuters |
Đây là cuộc đàm phán tiếp theo hội nghị thượng đỉnh khu vực của các quốc gia Đông Phi được tổ chức tại Ethiopia. Trước đó, Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra điều kiện cho các bên xung đột tại Nam Sudan là phải đạt được "một thỏa thuận chính trị khả thi" vào cuối tháng 6 này, nếu không sẽ bị áp đặt các lệnh trừng phạt.
Nam Sudan tách khỏi Sudan để trở thành nhà nước độc lập vào năm 2011. Tuy nhiên, quốc gia non trẻ này đã nhanh chóng rơi vào nội chiến kể từ cuối năm 2013, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán, trong đó hàng trăm nghìn người đã chạy sang tị nạn ở Sudan.
5. Ông Erdogan tái đắc cử tổng thống – bước ngoặt của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ
Với 52,5% số phiếu bầu trong 98% số phiếu được kiểm, ông Recep Tayyip Erdogan đã tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sớm hơn dự kiến.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 24-6. Ảnh: Reuters |
Đây là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, nhằm cụ thể hóa những thay đổi căn bản trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4-2017, theo đó chuyển từ chế độ chính trị nghị viện sang chế độ tổng thống.
Ông Erdogan sẽ có những quyền hạn rất lớn theo hiến pháp sửa đổi. Ngoài việc có thể bổ nhiệm một chính phủ do vị trí thủ tướng sẽ bị hủy bỏ, giải tán quốc hội, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bổ sung thẩm phán, Tổng thống Erdogan còn có thể can thiệp vào chính sách của ngân hàng trung ương, lựa chọn các nghị sĩ trong đảng đảm nhận vị trí đứng đầu, được miễn trừ truy tố...
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi tổng tuyển cử sớm, thay vì diễn ra vào ngày 3-11-2019. Tổng thống Erdogan cho rằng, việc có thêm các quyền lực mới sẽ giúp ông dễ dàng giải quyết những thách thức kinh tế, đối ngoại mà đất nước đang đối mặt.
Trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cũng dẫn đầu cuộc bầu cử quốc hội với 48,61% số phiếu.
6. Tương lai bất định của các gia đình nhập cư vào Mỹ
Mặc dù đã có động thái nới lỏng chính sách "không khoan nhượng" đối với người nhập cư, song Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định lập trường cứng rắn trong vấn đề này khi nhấn mạnh rằng những người di cư "xâm chiếm" nước Mỹ sẽ không được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Người biểu tình giơ biểu ngữ phản đối chính sách chia cắt gia đình của chính quyền Mỹ. Ảnh: Getty |
Chính sách "không khoan nhượng" của chính quyền Washington, cho phép truy tố tất cả những người trưởng thành bị bắt tại biên giới Mỹ-Mexico vì vượt biên bất hợp pháp, khiến 2.300 trẻ em bị tách khỏi gia đình tại biên giới này. Mặc dù ngày 20-6 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh ngừng chia tách các gia đình, nhưng chính sách này vẫn trở thành tâm điểm chỉ trích và phản đối của dư luận Mỹ.
Nhiều cuộc tuần hành đã liên tiếp diễn ra nhằm yêu cầu chính quyền Mỹ chấm dứt việc coi con em các gia đình nhập cư là những kẻ tội phạm. Hiện đã có 17 tiểu bang của Mỹ đã đồng loạt kiện Tổng thống Trump vì cái họ gọi là chính sách "tàn bạo và bất hợp pháp" đã chia cắt các gia đình di dân từ Mexico vào Mỹ. Một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết ngăn chặn giới chức nước này chia tách trẻ em và những bố mẹ di cư trái phép bị bắt giữ tại biên giới Mexico-Mỹ, đồng thời yêu cầu thực hiện các bước cần thiết để đoàn tụ những gia đình bị chia cắt.
(Theo qdnd.vn)